Chuyện về con ốc biển

09:03, 04/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ốc biển vốn được xem là linh vật của đại dương. Từ xa xưa cho đến ngày nay, ốc biển luôn gắn với những câu chuyện kỳ thú. 
 
Gắn liền với cư dân cổ xưa 
 
Trong các di chỉ khảo cổ học “Tiền Sa Huỳnh” phân bố ở các đảo gần bờ miền Trung, trong đó có Xóm Ốc, Suối Chình (Lý Sơn) thì dấu tích văn hóa biển vẫn còn được lưu giữ. Người Sa Huỳnh đã biết dựa vào biển để khai thác các sản vật như sò, ốc để làm thức ăn và đồ trang sức. Ốc biển có màu sắc đẹp, cất giữ được lâu nên người xưa chọn lựa những loại vỏ ốc mà mình ưa thích để làm đồ trang sức. Nếu đồ trang sức của cư dân “Sa Huỳnh muộn” là mã não, thủy tinh... thì cư dân “Tiền Sa Huỳnh” ở miền biển là những chuỗi hạt vỏ ốc biển, đốt xương sống cá, vỏ sò... 
Một trong những công cụ lao động bằng vỏ ốc được tìm thấy tại Xóm Ốc (Lý Sơn). ẢNH: T.ÂN
Một trong những công cụ lao động bằng vỏ ốc được tìm thấy tại Xóm Ốc (Lý Sơn). ẢNH: T.ÂN
Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều tầng văn hóa di chỉ khảo cổ Suối Chình có chứa gốm, vỏ nhuyễn thể, chủ yếu là ốc như: Ốc cừ, ốc hoa, ốc nhảy, ốc xéo, ốc tai tượng, ốc đụn, sò trơn, sò gai... Dấu tích các thấu kính vỏ nhuyễn thể do con người sử dụng ăn bỏ lại trong di chỉ cư trú đã phản ánh nguồn thủy sản từ biển là nguồn thực phẩm chính của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Bên cạnh đó, trong di chỉ Xóm Ốc người ta tìm thấy một số lượng lớn các mũi nhọn bằng xương thú và xương cá cùng với đồ trang sức bằng vỏ ốc, vỏ sò, hạt chuỗi bằng đá, đất nung, hòn ghè, chày nghiền...
 
Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết: Đồ trang sức của cư dân cổ Xóm Ốc có sự đa dạng với các loại bằng đá quý, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể: Trang sức đá Nephrite, hạt chuỗi thuỷ tinh, trang sức vỏ nhuyễn thể bao gồm vỏ Tridacna, Turbo, hạt chuỗi ốc hoa cùng các loại công cụ đá, đồ đất nung... 
 
Mang linh hồn của biển
 
Trong số nhiều loại ốc biển thì ốc u là loại nhuyễn thể có thể tạo nên âm thanh vang vọng, vậy nên ngày xưa ngư dân dùng ốc u làm phương tiện liên lạc với nhau. Tiếng vang của ốc u mang âm hưởng của đại dương, là hiệu lệnh để ngư dân ra khơi, động viên nhau cùng vượt qua sóng gió trùng khơi. Không những vậy, ngư dân còn dùng ốc u để làm hiện vật tâm linh, tín ngưỡng trong lễ cầu cúng.
 
Lý Sơn là quê hương của những hùng binh Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Mỗi lần người lên thuyền đi Hoàng Sa, người ở lại dùng con ốc u thổi liên hồi: “Ốc u đã thổi lên rồi/ Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/ Hoàng Sa là của nước ta”... Tiếng ốc u như một lời động viên, thúc giục, tiễn biệt và bày tỏ niềm kiêu hãnh của người thân, dân làng.
 
Trong lúc đánh bắt hải sản tại các vùng biển, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì những con ốc biển được ngư dân mang về và trưng bày trong tủ kính không chỉ là một thú vui... mà còn gắn với sự tự hào và những kỷ niệm trong quá trình ra khơi đánh bắt. Hầu hết ngư dân đều thích trưng bày vỏ ốc trong nhà. Họ luôn giữ lại cho mình những vỏ ốc quý, đẹp được khai thác từ ngư trường trong nước, như một kho tàng mang hơi thở đại dương và xem đây như một bằng chứng về sự giàu có của biển Việt Nam.
 
TRUNG ÂN
 
 
 

.