Tế Hanh- Thơ trong vắt như dòng sông tháng bảy

11:02, 14/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra bên dòng sông Trà Bồng đoạn qua làng Đông Yên, xã Bình Dương (Bình Sơn), nhà thơ Tế Hanh (1921 - 2009) gắn chặt với dòng sông quê từ lúc tuổi thơ cho cả đến những năm cuối đời sống ở xa quê. Tế Hanh ra đi để lại một gia tài thơ đồ sộ với hàng chục tác phẩm, xuất bản nhiều tập thơ dịch của các nhà thơ lớn trên thế giới.
[links()]
Nhận xét, đánh giá về thơ Tế Hanh, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình từ trước cách mạng cho đến nay đã khẳng định: Tế Hanh là một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Thơ Tế Hanh chân chất, trong trẻo, thanh khiết như nước dòng Trà Bồng quê ông và cũng mặn mà, tình nghĩa như chính con nước biển mặn mòi chất muối miền Trung. Vì lẽ đó, ngay từ thời thơ ca lãng mạn chỉ đào sâu vào nỗi buồn, niềm cô độc với cái tôi cô đơn, bế tắc, thoát ly, thơ Tế Hanh vẫn chảy một dòng riêng.  
Trong xanh sông Trà Bồng. ẢNH: NGUYỄN HIỀN
Trong xanh sông Trà Bồng. ẢNH: NGUYỄN HIỀN
“Những ngày nghỉ học” là thi phẩm đầu tay của nhà thơ Tế Hanh được chính thức công bố trên văn đàn vào năm 1938 - năm nhà thơ vừa tròn 17 tuổi.  Ở tuổi 17, đối với tuổi học trò bấy giờ quả thật là còn khá ngây ngô, vậy mà mới 17 tuổi đầu, vào “Những ngày nghỉ học”, chàng trai Quảng Ngãi hiền lành ấy đã buồn bã lang thang ra sân ga để gửi nỗi buồn thương, u ẩn của lòng mình theo những chuyến tàu đi rồi đến, hòa nỗi đau riêng mình vào nỗi đau chung của những số phận người, của cả dân tộc trong những tháng năm u tối, bế tắc, đọa đày dưới chế độ phong kiến thuộc địa trước 1945. Có thể nói rằng, thơ ca lãng mạn 1930 - 1945 có rất nhiều nỗi buồn cá nhân, cô đơn, tuyệt vọng, lánh đời... nhưng chàng học trò trẻ tuổi Tế Hanh lại thổ lộ nỗi buồn của lòng mình theo một cách khác. Càng đọc thi phẩm, tôi càng ngộ ra rằng: Nỗi buồn trong “Những ngày nghỉ học” của Tế Hanh là một “nỗi buồn lớn” không đơn thuần là nỗi buồn riêng phổ biến trong thơ ca của một thế hệ thơ thời ấy... Đó là nỗi buồn về thân phận đất nước với ngập tràn những nỗi khổ đau như chính những toa tàu chở đầy đau thương trằn mình trong đêm trường nô lệ.
 
Bàn về chất lượng tác phẩm của những nhà thơ lãng mạn sau khi trở thành nhà thơ cách mạng, một số nhà nghiên cứu cho rằng: Hầu hết các nhà thơ lãng mạn đã đạt đến đỉnh cao thơ mình trong giai đoạn lãng mạn trước 1945. Chặng đường thơ cách mạng sau 1945, chỉ có hai nhà thơ lãng mạn vẫn giữ được phong độ và vượt lên, đó chính là Chế Lan Viên và một phần là Tế Hanh.
Nhà thơ Tế Hanh đã được nhận nhiều giải thưởng văn học:  Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), ông nhận Giải Tự lực văn đoàn năm 1939; trong kháng chiến, ông nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Hội Văn nghệ Liên khu 5 tặng. Đến năm 1996, ông chính thức được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt 1.
Trong lễ truy điệu ngày người anh cả thơ ca hiện đại Quảng Ngãi - Tế Hanh từ giã cõi đời (2009), nhà thơ Thanh Thảo đã khẳng định rằng: “Tế Hanh vẫn trò chuyện với dòng sông”. Vâng, thơ Tế Hanh trong vắt như sông quê - nơi tuổi thơ anh đã từng nô giỡn giữa dòng, thời đất nước cắt chia đã từng nhớ nhung cháy bỏng, thời thanh bình đã từng hoài vọng khôn nguôi... Nhưng ít ai biết rằng, Tế Hanh cũng là một hồn thơ ngập tràn hoa lá. Mà suy cho cùng, sông nước, lá hoa cũng chính là những biểu hiện của một hồn thơ bình dị, sáng trong, chân chất, hiền hòa như chính cuộc đời hiền hậu, sáng trong, khiêm nhường của ông vậy.
 
Tôi cứ trộm nghĩ: Có phải vì tập thơ đầu của Tế Hanh mang tên Hoa niên chăng mà đời thơ của ông rợp đầy sức xanh của cỏ cây, hoa lá! Phải khẳng định thêm rằng, trong thơ Việt Nam, người viết nhiều nhất về cây, lá, hoa, quả có lẽ là Tế Hanh. Trong thơ ông, ta có thể chọn ra được cả một danh mục các loài hoa khá đa dạng và lý thú. Và tôi tin, cho đến vạn nghìn năm sau, hẳn chẳng ai có thể quên câu thơ đầy sắc xanh hoa lá và đầy sức sống, tình yêu của Tế Hanh: “Ngàn năm sau.. chỗ đôi ta/ yêu nhau... có lẽ lá hoa mọc đầy” (Không đề).
 
Trong đời thơ mình, Tế Hanh có hẳn một tập thơ mang tên “Bài thơ tháng Bảy”, và có đến hai “Bài thơ tháng Bảy”. Bài 1 viết vào tháng 7  năm 1958 và bài 2 viết vào tháng 7 năm 1963. Trong đó, Tế Hanh cứ lặp đi lặp lại điệp khúc: “Thêm một lần tháng bảy bạn ơi/ Tim tôi cũng trở thành tháng bảy”.
 
Và đúng chính Ngọ 12 giờ trưa ngày 16 tháng 7 năm 2009, cách đây hơn 10 năm, trái tim Tế Hanh đã vĩnh viễn ngừng đập để thật sự tan vào tháng Bảy. Giờ bình tĩnh nhìn lại, ta có thể nói: Tháng Bảy trong đời và thơ Tế Hanh cứ như là một sự xếp đặt của định mệnh thơ và đời, trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi trong suốt cuộc đời của nhà thơ quê hương yêu dấu.
 
Nhắc đến Tế Hanh, không hiểu sao trong tất cả chúng ta đều nhận ra rất rõ: Thơ ông hiền hòa, tươi mát như làng Đông Yên quê hương, trong vắt như con nước sông Trà Bồng luôn xuôi chảy một dòng. Sinh thời, khi đất nước còn cắt chia, nhà thơ Tế Hanh đã từng khẳng định: “Tôi sẽ về sông nước của quê hương/ Tôi sẽ về sông nước của tình thương”.
 
Đến xuân Tân Sửu 2021 này, dù đã vĩnh biệt trần gian hơn 10 năm, chúng ta tin rằng, nhà thơ Tế Hanh vẫn luôn đi về bên bờ con sông quê hương yêu dấu để lắng nghe và chứng kiến hậu thế đọc thơ mình, hát về quê hương mình, nói về mình như thuở nào mình đã từng tự tình cùng dòng sông quê cũ. Sông Trà Bồng những ngày tháng bảy, trong vắt một dòng chảy xuôi ra biển; thơ Tế Hanh cho đến muôn sau vẫn mãi mãi ngân nga trong lòng người cái màu xanh trong ấy...
 
Mai Bá Ấn
 
 
 
 
 

.