NGA RI VÊ- khi thơ chạm vào bóng núi

10:12, 28/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trên thi đàn Quảng Ngãi mấy mươi năm qua, bên cạnh nhà thơ quá cố Đinh Xăng Hiền, Nga Ri Vê xuất hiện như một bông hoa rừng khiêm tốn mà mỗi một nụ thơ đều sáng lên giữa màu trời một màu sắc riêng và ẩn chứa bên trong một thoáng hương riêng. Đó là hương sắc của núi rừng miền Tây Quảng Ngãi.
 
Chào đời đúng năm Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, tại Di Lăng, Sơn Hà (Quảng Ngãi), Nga Ri Vê lớn lên cùng núi rừng, vừa dạy học vừa làm thơ: Khi đôi gót không còn trên bục giảng/ Tôi mỏng manh chực vỡ giữa đời/ Tiếng trống trường âm vang vọng lại/ Len lỏi tận cùng - Nâng hồn tôi lên! (Đêm đêm). 
Nhà thơ Nga Ri Vê (bên trái)
Nhà thơ Nga Ri Vê (bên trái)
Và ngay tập thơ đầu tay “Đóa hoa rừng” (xuất bản năm 1992), chị đã nhận được Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam và sau đó trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đến nay, chị đã xuất bản 4 tập thơ, 1 tập truyện - ký và nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, phong tục vùng núi miền Tây Quảng Ngãi. Có thể nói, cả cuộc đời sáng tác và nghiên cứu của Nga Ri Vê luôn gắn liền với vùng đất mà mình sinh trưởng: Sơn Tây đồi núi chập chùng/ Sông xanh, núi biếc, mênh mông đất trời/ Vầng trăng soi tỏ muôn nơi/ Bình minh thức dậy trùng khơi nắng vàng/ Rộn ràng quê mẹ Cadong/ Sơn Dung gióng giã chiêng ngân gọi mùa  (Quê mẹ thân thương), và:  Nơi ấy quê tôi/ Sông Rin, sông Xà Lò đầu nguồn Trà Khúc/ Soi bóng nhà sàn cô gái Cadong/ Âm vang tiếng cười tiếng hát.
 
Thơ Nga Ri Vê mang hương sắc lạ của núi rừng, ẩn chứa vẻ đẹp tâm hồn đầy nữ tính của người phụ nữ Hrê: Dưới chân núi Adin, Ha-pêu/ Ủ lời ru của mẹ/ Lời chiêng, lời rượu, lời tình (Mời về quê tôi)...
 
Đến với miền Tây Quảng Ngãi, chân ta sẽ chạm vào những con suối đầu nguồn, mắt ta chạm vào những dáng núi uy nghi đầy hùng thiêng và khí phách. Dáng núi thực, khi qua tinh lọc của hồn thơ Nga Ri Vê trở thành bóng núi. Vì thế, chạm vào thơ Nga Ri Vê, ta có cảm giác như đang chạm vào suối nước trong xanh tung tăn cá lội, chạm vào kỷ niệm tuổi thơ trong veo, chạm vào nỗi nhớ khôn khuây và chạm cả vào những khối tình mang mang hương rừng, nước suối: Khi thơ chạm vào suối nước/ Là cá niêng, cá chép, cá chình/ Cùng tuổi thơ ùa vào nỗi nhớ/ Mênh mang ngào ngạt khối tình.
 
Và trên hết, chạm vào thơ Nga Ri Vê là chạm vào bóng núi rộn rã lời chim hòa với tiếng cồng chiêng cùng những lời Mon bà kể: Khi thơ chạm vào bóng núi/ Là tiếng chim rộn rã hót ca/ Cùng tiếng chiêng, A Vam, Ta lía/ Ngân nga lời bà kể Mon, chạm vào nước suối (Khi thơ chạm vào) mang cả sắc trời miền Tây Quảng Ngãi và bản sắc văn hóa của những tâm hồn dung dị như rẫy như nương, tự nhiên như nước suối đầu nguồn, vừa uy nghi vừa mênh mang như những đỉnh núi sừng sững, lãng đãng mây mờ trữ tình và thơ mộng. Dù buồn vì bệnh tật, ốm đau vào những ngày tháng cuối cuộc đời còn lại, thơ Nga Ri Vê vẫn là "bếp lửa nhà sàn đơn sơ/ ủ ấp các con đêm đông giá rét", để lại cho các con trọn vẹn "trái tim hồng" (Với các con) và để lại cho đời một hồn thơ không bao giờ vơi cạn: Nguồn thơ chưa cạn/ Câu thơ chưa rầu/ Mực bút còn rất đậm xanh  (Tôi bây giờ)...
 
 Xóm Chòi Dầu, 2020
 
MAI BÁ ẤN
 
 

.