Định lệ ban thưởng cho phụ nữ thời xưa

09:12, 30/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ xa xưa, việc ban thưởng cho những người tiết nghĩa, hiếu hạnh là việc làm được các triều vua chú trọng. Vào thời vua Tự Đức, nhà vua ra hẳn chỉ dụ, định lệ ban thưởng khá cụ thể cho những đối tượng này, đặc biệt là cho phụ nữ. Định lệ còn được thực hiện đến nhiều năm sau...
 
Định lệ ban thưởng chung
 
Theo “Đại Nam thực lục” (chính biên), đệ tứ kỷ, quyển 56, vào năm Tự Đức thứ 29 (1876), nhà vua thêm một lần định lệ thưởng thọ quan, thọ dân và cũng định lệ thưởng thêm cho những đối tượng: Con hiếu, cháu thảo, chồng có nghĩa, vợ giữ tiết hạnh. Mỗi người hiếu hạnh được thưởng, gồm: 30 lạng bạc, 2 tấm sa nam (một loại vải tơ tằm dệt thưa, để thứ dân may làm lễ phục, hoặc quan chức may mặc làm lễ thường triều) và 1 tấm biển vua ban.
 
Biển ngạch vua Bảo Đại tặng cho bà Huỳnh Thị Hương.  Ảnh: Đăng Vũ
Biển ngạch vua Bảo Đại tặng cho bà Huỳnh Thị Hương. Ảnh: Đăng Vũ
Riêng về tấm biển, định lệ ghi rõ: Tấm biển phải có trang trí các hồi văn, có hình rồng, phượng, sơn son, thếp vàng. Trên tấm biển, có chữ “Sắc tứ” bên phải. Nếu ban cho người con hiếu thảo thì trên tấm biển sẽ có 4 chữ to ở giữa, là HIẾU HẠNH KHẢ PHONG. Nếu ban cho người cháu hiếu thảo sẽ có 4 chữ HIẾU THUẬN KHẢ PHONG. Nếu ban cho người chồng có nghĩa sẽ có 4 chữ HẠNH NGHĨA KHẢ PHONG. Nếu ban cho người vợ giữ được tiết nghĩa với chồng, thì sẽ có 4 chữ TIẾT HẠNH KHẢ PHONG.
 
Dưới 4 chữ to (đại tự) là họ tên người được ban thưởng, kèm theo nơi ở của người đó, bao gồm: Tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã/ thôn và niên hiệu, ngày tháng được ban tặng. Người nào được vinh danh hiếu hạnh thì đều được nhà nước làm nhà cho ở.
 
Định lệ ban thưởng riêng và có thay đổi thứ hạng
 
Cùng với định ban thưởng chung như trên, thì vua lại còn định lệ riêng cho thêm các trường hợp: Nếu tiết phụ là vợ thứ lẫn các bà vợ lẽ thì cũng được thưởng như bà vợ cả. Tùy theo phẩm bình mà thưởng, lúc là 20 lạng bạc, lúc là 15 lạng, kèm 1 tấm sa nam, 1 tấm biển. Nếu tiết phụ quyên sinh, trong số vợ cả, vợ thứ, vợ lẽ, thì được thưởng 1 tấm biển như vợ cả, vợ thứ, vợ lẽ còn sống. 
 
Về trinh nữ, nếu là trinh nữ thì cũng thưởng một tấm biển được viết chữ “Sắc tứ” trước, rồi chính giữa là 4 đại tự TRINH TIẾT KHẢ PHONG, phía dưới cũng có họ tên, địa chỉ người đó, kèm niên hiệu, ngày tháng vua ban thưởng. Nhà nước còn làm nhà cho ở để treo biển ngạch!
 
Định lệ này được ban ra khá cụ thể vào năm 1876, nhưng đến tháng 9 năm Quý Mùi (1833), sau khi vua Hiệp Hòa lên ngôi, nhà vua có định lệ lại, thay đổi ít nhiều so với thời Tự Đức. Ngoài biển ngạch vẫn được trao đều cho các hạng, thì các hiếu tử, thuận tôn, nghĩa phụ, tiết phụ được chia ra làm các hạng: ưu, bình, thứ, và số bạc được thưởng có giảm.
 
Hạng ưu chỉ được 15 lạng bạc, được Nhà nước làm nhà để treo biển ngạch. Riêng tiết phụ mà là vợ thứ, vợ lẽ thì chỉ thưởng 10 lạng bạc,1 tấm sa nam, không được Nhà nước làm nhà để treo biển ngạch. Hạng bình chỉ được 10 lạng,1 tấm sa nam; vợ thứ, vợ lẽ chỉ có 8 lạng bạc. Hạng thứ chỉ được thưởng 8 lạng bạc, nếu là vợ thứ, vợ lẽ chỉ được 6 lạng bạc. Định lệ này vẫn còn kéo dài đến thời Bảo Đại.
 
Về một phụ nữ ở Quảng Ngãi được ban thưởng
 
Thỉnh thoảng giờ đi loanh quanh cũng còn gặp một vài tấm biển như thế còn treo trên tường ở một số ngôi nhà cổ ở các làng quê trong cả nước. Do chưa có điều kiện sưu tầm được nhiều, nhưng ở tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi cũng đã tìm thấy một tấm biển tặng thưởng cho bà Huỳnh Thị Hương còn treo trong một ngôi nhà rường của tộc họ Võ làng Vạn An (nay thuộc xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa).
 
Đây là tấm biển có 4 đại tự  TIẾT HẠNH KHẢ PHONG được “sắc tứ” cho bà Huỳnh Thị Hương vào tháng 4 năm Bảo Đại thứ 9 (1934). Theo nội dung tấm biển, thì bà Huỳnh Thị Hương có quê quán ở xã Nam An, tổng Bình Điền, phủ Bình Sơn, là con dâu nhà họ Võ làng Vạn An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, vợ của cố học sinh Võ Đình Tuân, bà là người có tiếng thơm về đức hạnh, được liệt vào hạng thứ, việc ban thưởng cho bà là để cho người đời sau noi theo. Tấm biển này chỉ có sơn son, thếp vàng, không có hoa văn.
 
Ngoài biển ngạch nêu trên, tại nhà thờ họ Võ làng Vạn An còn hai câu đối của bổn tộc đồng tặng cho bà Huỳnh Thị Hương nhân sự kiện bà được nhà vua ban thưởng. Nội dung câu đối như sau: Nhất niệm kiên trinh thống thế đạo; Cửu trùng điển chẩn bí tinh bao; tạm dịch: Kiên trinh một lòng nối giữ thế đạo; Lời ca cửu trùng rạng rỡ tán dương. Hai câu đối này được khắc tặng cũng vào tháng 4 năm Giáp Tuất, tức năm Bảo Đại thứ 9 - 1934.
 
Từ những điều chép lại ở trên, có thể thấy, việc ban thưởng cho phụ nữ trong nước thuở ấy cũng có những điều đáng suy nghĩ. Một mặt nó phản ánh quan niệm giữ gìn đạo hiếu nghĩa của người xưa, để người dân nhớ đến công ơn của vua, của nhà nước và sâu xa hơn, là để nhân dân phục tùng triều đại, nhưng mặt khác, những định lệ ban thưởng cho phụ nữ theo cách đó cũng chỉ là theo quan điểm “Phu thê cương” của Nho giáo. Phụ nữ luôn phải là người “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, lấy chồng thì phụng sự chồng, khi chồng chết thì ở vậy nuôi con mới là người tiết hạnh, dẫu là làm vợ cả, vợ thứ, vợ lẽ. Từ điều này ta lại còn thấy, định lệ ban thưởng thời xưa rõ ràng là còn phản ánh hũ tục đa thê vốn được dung túng trong nhiều thời kỳ lịch sử.
 
Tiếc rằng, thời trước lại chưa có ban thưởng cho những phụ nữ giỏi giang, có tài năng trên nhiều lĩnh vực.
 
TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ
 
 
 

.