Về nhà...

10:03, 26/03/2020
.
Truyện ngắn của BẢO HÒA
 
(Báo Quảng Ngãi)- Những đơn hàng của công ty tạm gác lại, vì ảnh hưởng của dịch bệnh mới diễn ra. Vậy là, Thư sắp xếp thời gian xin nghỉ phép để dẫn con về thăm ông bà ngoại. Từ ngày lập gia đình, à mà chính xác là kể từ khi ra trường, làm việc tại Sài Gòn rồi chuyển về quê lập nghiệp, chưa dịp nào Thư ở lại nhà dài ngày cả. Thi thoảng dăm tháng Thư mới về thăm nhà, đến chiều lại tất tả xách theo nào rau, nào thịt của mẹ cho con gái mang ra phố. Tết vừa rồi cũng là năm đầu tiên cả nhà Thư đón Tết trong ngôi nhà mới sau nhiều năm ở trọ. Vì thế, nhiều bạn bè, khách khứa đến chúc Tết sẵn thăm nhà mới của gia đình Thư.
 
Hai đứa trẻ háo hức xuống xe, ùa vào nhà ông bà ngoại sau chặng đường hơn 40 cây số từ phố về quê. Ngôi nhà nhỏ có khoảng sân sạch sẽ, trồng vài luống hoa cánh tiên vàng, tím phất phới trong gió. Hàng chè tàu ngay ngắn trong nắng chiều. Thư hít một hơi thật dài, không khí quê nhà trong lành, thoáng đãng. Hôm qua, Thư gọi điện cho cha nói sẽ dẫn hai đứa nhỏ về ở lại. Chỉ nghe qua giọng nói, Thư đã cảm nhận ánh mắt lấp lánh đầy niềm vui của ông. Biết Thư về, mẹ chuẩn bị bữa cơm tối có món cá nục kho sốt cà chua, rau muống luộc và canh mít lá lốt. Cá nục kho là món ăn Thư thích nhất từ nhỏ đến lớn. Bao nhiêu năm qua, mẹ vẫn giữ hương vị cá kho quen thuộc, Thư ăn với cơm nóng ngon lành. 
 
 
Đài báo nhiệt độ hạ thấp vì ảnh hưởng của đợt gió lạnh từ phía Bắc tràn xuống. Buổi tối, gió lùa qua mái ngói đã cũ. Chiếc cửa gỗ ọp ẹp sau nhà không ngăn được những đợt gió lạnh ở vùng quê. Thư kéo chăn đắp cho con, rồi nghe tiếng bước chân cha đi nhẹ nhẹ. Ông Thành trở dậy đi tìm cái thau hứng nước, kẻo trời mưa dột. Rồi Thư chợt nghĩ về căn phòng ấm cúng của mình trong ngôi nhà mới xây ở phố. Mỗi khi trời lạnh, Thư chỉ cần đóng cửa kính là chẳng có gió lọt vào nổi.
 
Tằn tiện tiết kiệm chi tiêu sau nhiều năm ở trọ, vợ chồng Thư quyết định mua nhà. Căn nhà vừa xây xong phần thô được chủ đầu tư trao chìa khóa ngay khi Thư vay ngân hàng và mượn thêm để kịp chồng tiền. Khi vợ chồng Thư gọi thợ sửa sang thêm vài hạng mục, ông Thành từ quê tạm gác việc đồng áng qua một bên, ra phụ coi ngó thợ để vợ chồng Thư có thời gian đi làm.
 
Ông sờ tay lên bức tường còn thơm mùi sơn mới mà rưng rưng nước mắt. Ông vừa mừng vừa lo, mừng vì con có nhà có cửa ở phố, lo vì còn khoản tiền vay ngân hàng phải trả lãi mỗi tháng. Hôm nghe tin con mua nhà, vợ chồng ông Thành có bao nhiêu dành dụm được bàn nhau đưa cho con gái mượn. Thư xúc động nói, tiền cha mẹ làm lụng vất vả để dành an dưỡng tuổi già. Ấy vậy nhưng, ông bà nhất quyết dúi vào tay con, nói là cho mượn nhưng ông bà cũng chẳng nhắc đến lúc nào trả.
 
Đến phần làm tủ bếp, ngó chừng chi phí đã tăng lên so với dự kiến của con, ông Thành bảo Thư, hay để cha kêu thằng Tiến làm cửa sắt ở quê rẻ hơn ngoài phố nhiều đó con. Thế nhưng, so đi tính lại cộng thêm chi phí vận chuyển cũng xấp xỉ, nên Thư chọn mẫu tủ bếp đang chuộng ngoài phố lúc này. Ông Thành cứ lo từng li từng tí, đến khi ngôi nhà hoàn thành, ông vội về quê với khu vườn, đồng ruộng và ngôi nhà cũ đã hàng chục năm chưa sửa sang lại được. Ngày anh em Thư còn đi học, mỗi lần thu hoạch vụ đậu nành hay bán lứa rau mới, ông Thành để dành rồi gửi tiền cho con ăn học. Từng đứa con ra trường, ông lại lo dựng vợ gả chồng. Năm tháng cứ thế trôi qua, chưa có khi nào vợ chồng ông kịp nghĩ cho mình.
 
Tiếng gà gáy vang lên. Âm thanh quen thuộc mỗi khi trời tờ mờ sáng ở quê. Mẹ Thư dậy chuẩn bị thức ăn sáng cho cả nhà. Ở quê Thư, hàng quán hiếm hoi nên mọi người vẫn giữ thói quen ăn sáng tại nhà. Ngày trước, nhà nấu bằng bếp củi có khi bị thấm nước mưa phải lụi hụi thổi lửa lâu lắc. Ấy vậy mà, hôm nào mẹ Thư cũng nấu cả ba bữa ăn sáng, trưa, tối cho gia đình.
 
Dẫu công việc nhà nông lúc nào cũng bận rộn, nhưng ngày còn bé, anh em Thư luôn được quây quần bên bữa ăn gia đình, với những món ăn giản dị lúc nào cũng nóng hổi do mẹ nấu. Thư trở dậy phụ mẹ nấu đồ ăn sáng. Mẹ nhắc Thư lấy đậu xanh cất trong tủ gỗ nơi góc bếp để cho vào nồi cháo. Cái tủ gỗ ước chừng cũng hàng chục năm rồi, tay cầm nhẵn bóng theo thời gian. Thư nhớ đến tủ bếp phía ngoài phủ lớp kiếng bóng loáng màu xanh dương đẹp mắt. 
 
Trong ngôi nhà mới dưới phố, phần lớn những vật dụng Thư sắm sửa được đều nhờ số tiền dành dụm của cha mẹ.
 
Những ngày sống ở quê trôi qua thật chậm rãi. Không có cảnh vợ chồng Thư mỗi người lo tất bật chở con đi học cho kịp giờ, rồi đến công ty hối hả với các đơn hàng. Công việc kế toán tại một doanh nghiệp xuất nhập khẩu khiến Thư lúc nào cũng tất bật kể cả ngày cuối tuần. Hai đứa trẻ sau giờ học buổi sáng được cô giáo đón về nhà cho ăn, nghỉ trưa. Đến giờ học buổi chiều, cô giáo đưa đến trường rồi tan học lại chở về nhà ăn tối, chờ ba mẹ đến đón về. Hai vợ chồng Thư làm việc tại công ty khác nhau, cơm trưa phần ai nấy lo. Cả nhà chỉ gặp mặt đông đủ vào buổi tối, nhưng có hôm phần việc còn dang dở, Thư ôm máy tính vội làm cho kịp tiến độ. Mọi thứ cứ tất bật, vội vã, Thư vẫn nghĩ như thế thuận tiện cho công việc, nhưng trong lòng, Thư vẫn cảm thấy thiếu điều gì...
 
Dáng cha thấp thoáng ngoài vườn. Mẹ quét sân nhà sạch tươm rồi ra phía sau cho đàn gà ăn. Hai đứa trẻ ríu rít theo ông bà ngoại, thích thú với cuộc sống ở thôn quê. Thư nghĩ về ngôi nhà mới của mình và tình cảm đong đầy của cha mẹ đã dành cho những đứa con đã lớn, lập gia đình và có con cái. Trong ngôi nhà mới của Thư, bếp điện chỉ cần nhấn nút, vài phút sau nồi canh đã sôi sùng sục. Thế nhưng, hầu như chẳng mấy khi Thư có thời gian nấu ăn. Những ngày trở lại quê nhà, Thư nhận ra mình cứ hối hả cuốn vào công việc mà bỏ quên những giây phút gia đình sum vầy bên nhau. Thư đã lớn lên từ những bữa ăn gia đình luôn rộn rã tiếng cười, vậy mà Thư lại vô tình để những đứa trẻ của mình bỏ qua ký ức ngày thơ như thế.../.
 

.