Trường Lũy Quảng Ngãi: Xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt

07:07, 06/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trường Lũy là một di tích đặc biệt với tổng chiều dài 127,4km, trong đó có 113km thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Dù đã được công nhận, xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 2011, nhưng những giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học của công trình này vẫn chưa được phát huy xứng tầm.

TIN LIÊN QUAN

Công trình độc đáo và kì vĩ

Di tích Trường Lũy Quảng Ngãi (được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào ngày 9.3.2011), đi qua các huyện Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ. Trường Lũy là loại hình di tích đặc biệt có quy mô lớn, có những di tích liên quan mật thiết không thể tách rời là lũy - đường cổ - hệ thống đồn/bảo và phong cảnh thiên nhiên.

Bảo Thiên Xuân, thuộc xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) nằm trong hệ thống di tích Trường Lũy vẫn còn nguyên vẹn.
Bảo Thiên Xuân, thuộc xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) nằm trong hệ thống di tích Trường Lũy vẫn còn nguyên vẹn.

Trường Lũy được xây dựng bằng vật liệu khai thác tại chỗ như đất đồi, đất ruộng, đá tự nhiên với nhiều kỹ thuật đắp, đầm đất, xây, xếp đá... rất đặc trưng của cư dân miền đồng bằng ven chân núi và miền núi phía tây Quảng Ngãi. Do lũy dài và đi qua nhiều địa hình khác nhau, nên trên địa hình bằng phẳng, lũy được đắp bằng đất, còn ở sườn núi có độ dốc thì lũy được đắp cốt đất ở trong và ốp đá ở bên ngoài.

Di tích Trường Lũy ở khu vực núi cao hiện vẫn còn gần như nguyên vẹn, nhất là phần lũy xây bằng đá. Theo các nhà nghiên cứu, trên toàn tuyến lũy có hơn 70 di tích đồn/bảo được xây bằng đá, hoặc bằng đất có hào bao quanh. Đa phần các di tích này còn nguyên vẹn, trong đó có những đồn/bảo như Thiên Xuân thuộc xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), đồn/bảo Kim Long, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) có diện tích khá lớn.

 UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo ngành văn hóa và UBND các huyện thuộc phạm vi di tích khẩn trương tổ chức lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Trường Lũy Quảng Ngãi. Sở VH-TT&DL hiện đang phối hợp với Viện Khảo cổ tiến hành lập hồ sơ khoa học, thu thập những dữ liệu đầy đủ nhất về di tích Trường Lũy Quảng Ngãi, để sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Theo hồ sơ di tích, độ cao trung bình của Trường Lũy Quảng Ngãi là 45m. Địa bàn huyện Nghĩa Hành có điểm lũy cao nhất với trên 200m, chủ yếu ở các đèo, đồi núi như đèo Phước Lộc, ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) với 221m, đèo Chim Hút thuộc xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) với 227m... Đặc điểm địa hình của lũy ở Quảng Ngãi chủ yếu chạy men theo chân núi, lưng đồi thấp.

Theo các nhà nghiên cứu, Trường Lũy là một ranh giới nhưng không phải là một ranh giới đóng kín. Lũy cắt ngang qua nhiều sông, suối, mỗi chỗ cắt ngang có một cổng, do một bảo canh gác, cho phép điều hành việc đi lại giữa hai bên. Việc đi lại chủ yếu là vì mục đích trao đổi kinh tế (người Hrê mua muối, người Việt mua gạo, quế và lâm sản),  nhất là mạng lưới chợ nằm bên phía người Việt.

Các đồn/bảo này trong thời bình là các trạm kiểm soát việc buôn bán, thu thuế giữa 2 miền, đây là nét văn hóa đặc biệt của di tích. Các nhà khảo cổ cho rằng đây không chỉ là công trình được xây nên với mục đích phòng vệ, mang yếu tố quân sự, mà còn là con đường giao thương giữa miền xuôi và miền ngược, giữa vùng núi - đồng bằng và miền biển.

Cần được bảo vệ và phát huy

Ngoài giá trị văn hóa, lịch sử, di tích Trường Lũy còn có tiềm năng để phát triển du lịch, với những con đường cổ bên cạnh một bờ lũy dài dằng dặc, xuyên qua những cộng đồng dân cư với những xóm làng tươi đẹp, lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc.

Hiện nay, các huyện có di tích đi qua đang rà soát, lập hồ sơ về di tích trên địa bàn. Trưởng phòng VH - TT huyện Nghĩa Hành Đặng Kim Dũng cho biết: Di tích trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có chiều dài 34km, đa số được gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn. Tuy nhiên, theo thời gian và quá trình canh tác của người dân, di tích bị che lấp. Chúng tôi rất mong các địa phương, các ngành liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ di tích để Trường Lũy được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy hơn nữa các giá trị của Trường Lũy.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là, phần lớn di tích Trường Lũy nằm trên đồi núi, xa trung tâm huyện, đường đi lại gặp nhiều khó khăn, khu vực này thường xảy ra sạt lở vào mùa mưa lũ. Hơn nữa, di tích nằm trong diện tích đất sản xuất của người dân, gây khó khăn trong công tác quản lý. Bởi vậy, việc bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo các di tích thuộc Trường Lũy là vấn đề cấp bách hiện nay.

Bài, ảnh: HIỀN THU


 


.