Ông đi T.O thật rồi!

09:12, 20/12/2018
.

TRẦN ĐĂNG
 
(Baoquangngai.vn)- Cách đây gần 30 năm, lúc mới chia tỉnh (1989), nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu có bút ký “Tôi đi T.O”, khá hài hước nhưng cũng rất thâm thúy khi ông mục sở thị địa danh “T.O” để có bài viết ấy.
 
Cái lắt léo chữ nghĩa của tít đề làm người ta vừa tò mò, vừa liên tưởng rồi cuối cùng là vỡ vạc ra rằng “Ô! Hóa ra T.O không phải nơi mà mình nghĩ!”. Vì đọc cái tít bài, mỗi người đều nghĩ mỗi khác. Cái sự hóm hỉnh của tác giả nó nằm ngay trong tựa đề khiến bất cứ ai liếc qua cũng muốn đọc cho bằng hết.
 
Sở dĩ có sự tò mò về tít đề ấy là bởi, Nguyễn Trung Hiếu là người hiếm khi đùa cợt như nhiều nhà thơ, nhà văn khác mà ta có dịp tiếp xúc với họ. Ông “nghiêm túc” trong mỗi câu nói, trong từng cái nhìn. Thế mà ông lại được đi T.O, là nghĩa làm sao?
 
T.O là ông viết tắt của hai chữ “Truông Ổi”, tức nghĩa trang dành cho người chết của thị xã Quảng Ngãi thời ấy và ngay cả bây giờ. Đó cũng là con đường dẫn về bãi rác “khủng” Nghĩa Kỳ mà dân TP Quảng Ngãi hiện nay mỗi khi nhắc đến tên ấy là sởn gai ốc.
 
Đọc gần 30 năm rồi nên tôi không nhớ cụ thể cho lắm các chi tiết trong bài bút ký đó, song nội dung chính mà tác giả đề cập tới vẫn là chuyện nhếch nhác của một khu nghĩa địa thiếu quy hoạch, tình trạng ngập ngụa trong bùn và rác dọc tuyến đường dẫn về nghĩa trang và bãi rác Nghĩa Kỳ.
 
 
Nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu (phải) và nhà thơ Chế Lan Viên viếng mộ Bích Khê tại Thu Xà năm 1988
Nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu (phải) và nhà thơ Chế Lan Viên viếng mộ Bích Khê tại Thu Xà năm 1988
 
 
Riêng thị xã Quảng Ngãi lúc bấy giờ (1989-1990) là vô cùng luộm thuộm, ngay cạnh nhà của nhà thơ chứ chả đâu xa, chỗ Trung tâm tiệc cưới Ocean Blue hiện nay ấy, là một… bãi rác khổng lồ với đủ các loại mùi mà ai đi qua cũng phải bịt mũi. 
 
Nguyễn Trung Hiếu là vậy, ông là nhà thơ nhưng trong giới cầm bút lại nhớ đến ông nhiều hơn qua những bài ký như thế. Quan sát để “không bỏ sót những chi tiết đắt giá” là cách mà nhà thơ này hay thực hiện mỗi khi tác nghiệp để viết ký.
 
Ông không “đánh võng” dài dòng văn tự mà miêu tả trực diện vấn đề để nói được điều mình cần nói. Đó là phẩm chất của một người viết ký từng trải, cả về đời sống lẫn trong câu chữ. Đọc ký của Nguyễn Trung Hiếu rất ít gặp những câu văn “đẹp”, không hàm chứa những uẩn súc của văn nhân nhưng đó là thứ chữ nghĩa đã được đặt đúng chỗ, luôn chính xác.
 
Học qua vài lớp viết văn cấp tốc trên đất Bắc, năm 1966 Nguyễn Trung Hiếu vượt Trường Sơn để có mặt ngay tại chiến trường nóng bỏng nhất, ác liệt nhất là Khu 5, là Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đội bom pháo ngót 10 năm sau đó, ông mới được đặt chân về Nghĩa Lộ, mảnh đất mà 21 năm trước đó ông đã từ giã người thân để lên đường tập kết.
 
Vùng đất nặng ân nghĩa luôn day trở trong Nguyễn Trung Hiếu. Như chim nhớ rừng, thi thoảng ông lại “bùng” một chuyến, trở lại vùng kháng chiến để gặp những bà mẹ như bà mẹ ở Gò Tranh, Minh Long hay đặt chân lên Thung lũng Tuyền Tung nơi thâm sơn cùng cốc phía tây huyện Bình Sơn...
 
Với ông, chỉ khi trở lại những vùng đất ấy mới có thể nhìn thấy “mặt trời lên”, mới có thể nghe được một “tiếng gà xóm Bãi” để mà còn tin, còn ấm lòng mỗi khi nhớ về vùng đất cũ. 
 
Và thơ đã đến với ông một cách chậm chạp và nặng nhọc sau mỗi chuyến “về nguồn” như vậy. Xả không hết trong thơ, hoặc thơ không kịp nói những điều cần nói, ông chuyển qua viết ký. Ông quan niệm, nhà văn như anh lính ra trận, mang đủ các loại vũ khí, hễ thuận loại vũ khí gì thì xài loại ấy, miễn sao đạt được mục tiêu. Và trong chừng mừng nào đó của đời văn, ông đã chạm được mục tiêu mà ông đặt ra.
 
Gần 30 năm trước Nguyễn Trung Hiếu viết “Tôi đi T.O” chỉ là sự đùa cợt chữ nghĩa với cái nơi mà ai cũng phải sợ ấy. Nhưng bây giờ thì ông đã đặt chân lên đó và vĩnh viễn ở lại nơi ấy thật rồi. Xin vĩnh biệt ông!
 
 

.