Chiếc áo ấm len màu vàng

10:12, 18/12/2018
.

Truyện ngắn của BẢO HÒA


1. Chuyển trời. Bà Hai ghé vào mấy gian hàng quần áo ở chợ thị. Bà nhẩm tính áo ấm màu xanh cho thằng Nam, áo đỏ cho con Na, còn cái áo xám in hình con gấu thằng Hưng sẽ thích lắm. Chị bán hàng sửa soạn trong giỏ đồ rồi để thêm trước mặt bà Hai cái áo vàng. Bà Hai nhìn sang chiếc áo ấm len màu vàng thêu những bông hoa đỏ nhỏ xinh bên vạt áo. Cái áo ước chừng cho đứa tầm 10 tuổi, bằng tuổi con khờ ở nhà bà. Màu vàng bắt mắt, vậy mà bà chẳng buồn cầm cái áo lên. Cuối cùng, bà Hai chỉ tính tiền ba cái áo rồi về.

Chẳng phải bà Hai thiếu tiền đâu. Ai chứ như bà Hai ghé chợ, các chị bán hàng mừng lắm. Bà chẳng câu nệ chuyện trả giá chi li ở chợ. Cũng như những lần trước, mỗi lần mua đồ cho con, bà chỉ mua đủ ba cái. Thôi thì, con khờ chỉ cần mặc lại quần áo của anh, chị nó là được. Nó chỉ quanh quẩn ở nhà, cần gì mua đồ mới.

Bà Hai dắt xe vào nhà, lũ trẻ ùa ra. Con khờ cũng tất tả chạy theo các anh, chị của nó. Rồi như thói quen bấy lâu nay, con khờ đứng yên nhìn các anh, chị háo hức với quần áo mới. Đôi mắt của nó vẫn chưa hết trông chờ. Cứ như con khờ chờ, chỉ tí nữa thôi, mẹ sẽ mang đến cho nó một cái áo mới, nhẹ nhàng mặc vào người nó và tỉ mỉ gài từng cái cúc áo. Nó đứng chờ thêm một tí nữa. Bà Hai đi xuống nhà dưới, lên lại nhà trên, mà cái áo mới của nó vẫn chưa hiện ra. Ánh mắt con khờ vẫn thẫn thờ, tiếc nuối.

 


Con khờ đã quen với cảm giác bao lần trông đợi rồi hụt hẫng. Lặng yên như cái cách nó đón nhận cái tên con khờ mà mọi người đã dành cho nó bấy lâu nay. Cái tên gán luôn vào người, khiến những người xung quanh quên bẵng đi chuyện nó có cái tên thật đẹp - Hồng Mơ, mà ông bà Hai đã đặt cho đứa con gái út. Cứ ngây ngây ngơ ngơ, con khờ chẳng lanh lợi như các anh chị của nó. Biết thân biết phận, nên con khờ cũng chẳng đòi hỏi gì. Nó mặc lại quần áo cũ, nhẩn nha một mình lúc các anh chị học bài, buồn thiu ngồi bên hiên nhà khi bà Hai có khách.

Còn bà Hai cũng quên hẳn mình còn đứa con gái út, cứ bận rộn với những đơn hàng. Chỉ thỉnh thoảng mỗi khi rảnh rỗi, bà lại ngồi thở dài khi thấy bóng con khờ đi ra đi vô trong nhà. Chẳng biết bà xót thương cho đứa con không được may mắn như những người bình thường khác, hay là bà buồn cho mình bỗng dưng sinh đứa con bị mang tiếng con khờ nữa.
Con khờ cứ lớn lên như vậy.

Các anh chị lần lượt vào đại học, ra trường, đi làm khắp nơi. Nó vẫn quanh quẩn trong sân vườn, chưa khi nào ra khỏi cái xóm nhỏ ở vùng ngoại ô thành phố. Đã hơn hai mươi tuổi rồi mà con khờ vẫn mặc lại những quần áo cũ, mái tóc quá vai chẳng buồn buộc lại cho gọn gàng. Con khờ tha thẩn nhặt về nào là thùng giấy, lon nước ngọt, chai nhựa thành cả đống sau vườn. Khuôn vườn rộng. Bỗng đâu, con khờ có thêm nghề nuôi gà. Người bà con ở quê mang ra cho bà Hai con gà mái. Bà Hai buộc chân con gà vào gốc xoài. Con khờ mang cơm thừa ra cho gà ăn, rồi giữ lại nuôi luôn con gà. Con gà cũng lang thang kiếm ăn trong xóm, ít bữa đẻ chừng chục trứng, ấp nở thành bầy gà con. Bầy gà con líu ríu theo gà mẹ dưới bóng mát cây xoài đang trĩu quả. Cây xoài trồng năm con khờ mười tuổi. Hồi đó, nó còn nhỏ, người ta gọi là con khờ. Vậy mà giờ đã hơn hai mươi mấy năm trôi qua, mọi người vẫn không gọi tên thật của nó là Mơ.

2. Trưa. Con khờ đang ngồi bên hiên nhà. Bỗng cửa ngõ xôn xao đông người. Bà Năm nhà bên cạnh la chí chóe cái miệng như thường ngày, trời ơi, bà Hai bị đụng xe, chân bó bột rồi. Hả, hả, m..ẹ..ẹ... bị sao sao? Con khờ ú ớ, bước thấp bước cao, tất tả chạy ra ngõ. Bà Hai nhăn nhó với cái chân đau, nằm yên trên cán xe cứu thương. Hàng xóm vội bấm số điện thoại gọi cho Nam, Na, Hưng. Nghe tin mẹ bị tai nạn, những đứa con bà Hai tất bật đặt vé máy bay về thăm mẹ. Nam về trước, hối hả ở với mẹ chừng vài ngày, mặt Nam cũng lộ vẻ sốt ruột. Dự án Nam đang đảm nhận, chủ đầu tư hối thúc dự án dữ quá. Nam phải lo đặt vé trở vào Sài Gòn. Còn phòng khám nhi của Na không thể đóng cửa lâu quá một tuần. Rồi đến lượt cơ sở sản xuất bàn ghế của Hưng phải chờ sếp về ký hợp đồng với khách hàng... Những đứa con trăm công nghìn việc, mà bác sĩ nói bà Hai phải sau ba tháng mới hồi phục.

Các anh chị đi hết, nhà chỉ còn bà Hai và con khờ. Bà Hai ngồi trên xe lăn vì cái chân tháo bột vẫn còn đau. Con khờ lo bắc nồi cơm, rồi nấu thêm nồi nước gừng, lụi hụi pha nước muối ấm bưng lên, ngâm chân cho mẹ. Con khờ cứ nhìn các anh chị làm rồi bắt chước làm theo, nó làm giống vậy, chỉ có điều chậm chạp hơn.

Sáng sáng, con khờ đẩy mẹ trên chiếc xe lăn ra trước ngõ nhà hóng nắng. Trưa trưa nhìn bóng mặt trời đoán chừng giờ, rồi lấy thuốc cho mẹ uống. Chiều chiều, con khờ ngồi nói chuyện cho bà Hai đỡ buồn. Hàng xóm nhìn sang cứ thấy con khờ khua tay, khua chân loạn xạ, thì ra cái gì ú a ú ớ, ấp úng không rõ thành lời, con khờ cố diễn đạt cốt làm sao để bà Hai hiểu. Đống ve chai nhặt về dang dở còn để phía sau. Con khờ chỉ cần có mẹ, quanh quẩn cả ngày chăm sóc, đỡ đần cho mẹ.

3. Trời lại chuyển lạnh. Bà Hai không còn đi chợ như những ngày còn khỏe sốt sắng với những đơn hàng. Bà Hai nhắn con khờ nhờ hàng xóm đi chợ giúp. Nhỏ lớn tới giờ có khi nào con khờ được ra chợ đâu, liền mừng rỡ nhờ hàng xóm dẫn đi cùng. Chiếc áo ấm màu vàng đập ngay mắt nó. Cái màu sao nó ưa thích quá chừng. Số tiền bán ve chai còn dành dụm trong túi lâu nay, con khờ móc ra mua cái áo mang về cho mẹ.

Con khờ quấn quýt với cái áo, ra dấu đỡ bà Hai dậy để mặc cho mẹ. Bà Hai ứa nước mắt nhìn đứa con mà bà cứ nghĩ là khờ. Những đứa con bay cao bay xa, bà muốn ở gần cũng chẳng được. Chỉ còn có con khờ từng ngày qua chăm bà từng li từng tí. Bà Hai choàng tay, ôm đầu con khờ vào lòng. Con khờ dụi đầu vào lòng mẹ. Những tình cảm lẽ ra con khờ phải được nhận từ lâu. Cái áo ấm màu vàng có thêu những bông hoa đỏ ngày trước hiện về trong mắt bà. Vậy mà bà đã bỏ lại, như bỏ rơi tình cảm đứa con út khờ khạo suốt những năm tháng qua. Giá như ngày xưa trở lại, bà Hai sẽ mang chiếc áo ấm màu vàng về nhà và nhẹ nhàng mặc cho con khờ. À mà không, con bà có tên là Mơ./.
 

 


.