Những giai điệu trong tập thơ "đêm tự tình" của Nguyễn Ngọc Trạch

02:09, 16/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đọc tập thơ “Đêm tự tình” của tác giả Nguyễn Ngọc Trạch tôi thật sự đồng cảm với anh. Trong từng trang sách thấm đẫm những giai điệu - cảm xúc dạt dào sâu lắng, chân thành, nồng ấm mà anh dành cho bạn bè, quê hương, với người mà mình từng yêu mến.

Tập thơ "Đêm tự tình" vừa được Nhà Xuất bản Văn học ấn hành trong tháng 8.2018 có 39 bài thơ, với 80 trang in. Từng bài thơ, từng câu thơ đều dung dị, không cầu kỳ, không hoa mỹ, nhưng chan chứa tình quê, tình người như các bài: Bến xưa, Nhớ câu hò, Dấu xưa, Sóng, Nếu là em, Ánh mắt, Cách xa, Chuyện tình ở bến sông, Bến quê, Đêm tự tình...

 

Nguyễn Ngọc Trạch là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Ngãi. Anh nguyên là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Cẩm Thành, nguyên là Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi. Anh vừa làm báo, vừa viết truyện ngắn, bút ký, vừa làm thơ, biên khảo, nghiên cứu, sưu tầm... Đến nay, anh đã xuất bản trên 10 đầu sách với các đề tài và thể loại khác nhau. 

 

Đọc những bài thơ này, ta không khỏi bồi hồi xúc động khi bắt gặp ký ức của Nguyễn Ngọc Trạch đã bắt rễ sâu với một vùng quê, nơi anh sinh ra và lớn lên cũng như bao miền quê khác mà anh đã từng đi qua. Ở nơi ấy có dòng sông, bến nước, con đò, nương dâu, ruộng lúa và người em gái một thời xa vắng với anh như là những kỷ niệm êm đềm khó quên: "Trở lại bến xưa/ tôi tìm em một thời xa vắng/ dòng sông lững lờ trôi về đâu/ bến quê vơi đầy theo chân trời xa lạ.../ Nơi ta hẹn hò/ sông bên bồi bên lở/ dấu xưa ta ngồi/ giờ còn trong ký ức xa xăm/ ... Bao mùa trăng gom góp ước mơ/ nương dâu xanh đợi tằm ăn lá/ lúa trì trì bao mùa gieo sạ/ sen phai tàn cúc trổ lưa thưa" (Bến xưa).

Ký ức về bến sông xưa của Nguyễn Ngọc Trạch mênh mang, dạt dào, chứa chan những nỗi buồn riêng khó tả! "Xa làng chài theo người về trong ấy/ Để lại tháng năm biển vắng đìu hiu/ Gành đá lẻ loi thương nhớ bao chiều/ Vời vợi không nguôi một thời con gái./ ... Đời đẩy đưa hay phận tình duyên cớ/ Đò sang sông sao lại quay về/ Gom góp đắng cay hạnh phúc đam mê/ Sao em tin chi lời nói dối..." (Sang sông). Người em gái quê ngày nào đi theo chồng, để lại trong anh nỗi cô đơn, trống vắng. Nó cứ ám ảnh, vương vấn anh suốt một đời: "Từ thuở xa nhà đi kháng chiến/ Thời gian đâu dễ có phôi phai/ Nghĩa nặng, tình quê, lòng đau đáu/ Biển và em vương vấn cả một đời/ Dáng em gầy, hao đen da bánh mật/ Tóc chấm ngang vai, biển phải hờn ghen/ Anh xa em mang theo bao kỷ niệm/ Như gió chiều nam, quạnh quẽ phập phồng" (Biển đợi).

Với thủ pháp nhân hóa và so sánh khổ thơ đã đánh thức những kỷ niệm ẩn tàng trong tiềm thức của người đọc. Nhất là những người con xa quê. Dường như ai một lần xa quê cũng đều mang trong lòng nỗi niềm day dứt vì nhớ quê, nhớ gia đình, bạn bè, người yêu da diết...

Đối với anh một tầm hồn giàu cảm xúc và từng trải, mỗi khi trong lòng nhớ lại ký ức một thời trai trẻ nỗi nhớ không biết tỏ cùng ai và anh đã gửi gắm những "phút giây nặng lòng" vào những trang thơ qua những lời tự tình: "Chiều dần tàn trâu gặm cỏ trên đê/ Sóng lúa lao xao bờ tre xóm nhỏ/ Vai nặng hao gầy bao ngày còn đó/ Người xa quê đã mấy mùa trăng?/... Đêm tự tình sen thơm ngát bờ ao/ Phút giây nặng lòng nhớ thương vời vợi/ Dặm đường xa nặng lòng ai hỡi/ Gởi về em trăm vạn niềm thương".

Bài thơ "Đêm tự tình" là một trong những bài thơ hay cả nội dung lẫn nghệ thuật. Nó đã khái quát được nội dung chính của tập thơ và đã được Nguyễn Ngọc Trạch chọn làm tựa đề cho tập thơ "Đêm tự tình". Nhưng cả 39 bài thơ trong tập thơ này đều giàu hình ảnh và cảm xúc khá chân thực, được thể hiện thông qua ngôn ngữ thơ, mỗi câu thơ, mỗi bài thơ trong tập sách mang đậm chất nhân văn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.


Bài, ảnh: PHẠM VĂN HOANH


 


.