Nhiều di tích lịch sử ở Tây Trà xuống cấp

04:09, 18/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là địa phương giàu truyền thống cách mạng, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, huyện Tây Trà có nhiều di tích có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, trong những năm qua, do nguồn kinh phí có hạn nên nhiều di tích chưa được trùng tu, bảo vệ, dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng.

Huyện Tây Trà hiện có 4 điểm di tích lịch sử cấp quốc gia nằm trong quần thể di tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, gồm di tích Gò Rô (Trà Phong), Đồn Eo Chim (Trà Lãnh), Nước Xoay (Trà Thọ) và Làng Ngãi (Trà Xinh). Trong đó có 2 di tích chưa được quan tâm đầu tư kinh phí để trùng tu, bảo vệ.

 

Di tích đồn Eo Chim không có khuôn viên bảo vệ.
Di tích đồn Eo Chim không có khuôn viên bảo vệ.


Di tích Gò Rô là nơi diễn ra Hội nghị Gò Rô vào tháng 7.1958 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, thu hút hơn 200 người dân tham gia, phần lớn là đồng bào Cor, thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ; đồng thời chuẩn bị lực lượng và phương án cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Trà Bồng.

Một năm sau, từ hội nghị này, cuộc khởi nghĩa Trà Bồng đã nổ ra, sau đó lan ra khắp miền Tây Quảng Ngãi. Đây là địa điểm đặc biệt và được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1991. Tuy nhiên, nhiều năm qua, điểm di tích này không được chăm sóc, trùng tu và bị nước chảy xiết làm xói mòn, không còn thấy rõ chữ trên bia.

 

Trước đây, các điểm di tích trên địa bàn huyện do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh quản lý. Sau năm 2015, các di tích chuyển về cho huyện quản lý. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế khó khăn, nên địa phương không có nguồn lực để trùng tu. Mặt khác, công tác quản lý cũng chưa được quan tâm; chưa ban hành được nội quy bảo vệ, nên xảy ra tình trạng người dân vi phạm, lấn chiếm khuôn viên di tích.


Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà ĐỖ ĐÌNH PHƯƠNG


Tại di tích Nước Xoay, nơi thành lập đơn vị vũ trang đầu tiên trong chống Mỹ ở Quảng Ngãi, thành lập vào ngày 3.3.1959 (được gọi là đơn vị C339), nhưng hiện nay bia di tích này đặt không đúng vị trí, khuôn viên di tích thì bị người dân lấn chiếm.

Hai di tích còn lại là Đồn Eo Chim và Làng Ngãi đã trùng tu lần thứ hai trong năm 2014, nhưng các di tích này cũng không có hàng rào bảo vệ khuôn viên, không có nội quy tại điểm di tích... Ngoài ra, huyện Tây Trà còn có di tích Đồn Eo Reo (xã Trà Nham) đã dựng bia, nhưng cũng đang xuống cấp và bị người dân lấn chiếm...

 Di tích Gò Rô hiện chỉ là tấm bia đá dưới lòng suối và nằm sâu trong rừng rậm.
Di tích Gò Rô hiện chỉ là tấm bia đá dưới lòng suối và nằm sâu trong rừng rậm.


Các điểm di tích lịch sử tại huyện Tây Trà chứa đựng hệ thống các giá trị lịch sử phong phú về loại hình, trong đó có di tích có những giá trị lịch sử trải dài qua các thời kỳ đấu tranh của đồng bào Cor, gắn với lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Tây Trà giàu truyền thống cách mạng. Vì thế, việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh là hết sức cần thiết.

Năm 2019, Quảng Ngãi sẽ tổ chức kỷ niệm 60 năm cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Để giáo dục truyền thống yêu nước của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đồng thời gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, huyện Tây Trà rất mong có sự hỗ trợ kinh phí của trung ương, của tỉnh để trùng tu, phục dựng các điểm di tích đã xuống cấp, đặc biệt là điểm di tích Gò Rô và xây dựng Làng văn hóa dân tộc Cor. Cùng với đó, huyện Tây Trà cũng cần được hỗ trợ về công tác chuyên môn trong việc quản lý, trùng tu các điểm di tích.


Bài, ảnh: BẢO LỘC





 


.