Ông Thiện

04:08, 18/08/2018
.

Truyện ngắn của Sơn Trần



1. Sáng nay, ông Thiện lại kêu vợ: “Bà nhớ đóng cổng nghen, tui đi à!”. Đã mấy tháng nay, cứ hai, ba bữa ông lại đi lên xã gặp “cái người đứng đầu”, nhưng chỉ loanh quanh trong khoảng sân đầy nắng hay đứng ngó nghiêng lá cờ bay phấp phới trước gió một lát rồi về. Nằm trên chiếc võng treo đầu hè, ông bảo khát, có đứa nào không bây, rót cho tao miếng nước. Bà Nhu đang lúi húi sau chái bếp cho bầy heo ăn, chạy vào, hai tay lau miết vào mạn sườn rồi bưng ca nước cho chồng. Ông Thiện tu một hơi cạn sạch rồi nhướn cặp mắt kèm nhèm nhìn bà Nhu:

- Chuyện chỉ có thế thôi mà!

Rõ khổ, ông Thiện lú lẫn thiệt rồi! Lúc tỉnh táo thì nhớ rành rành mọi thứ, cả cái chuyện đi chiến trường tuốt miền Nam thời chống Mỹ. Ông kể lớp lang trình tự. Mười lần như một, không sai chi tiết nào. Còn khi mất ý thức, ông chẳng khác người điên, lang thang khắp xóm. Câu nói thường trực khi có ai hỏi là chuyện chỉ có thế thôi mà. Người trong xóm thương ông lắm. Cuối đời, chỉ có hai vợ chồng già nương tựa vào nhau. Cô con gái lấy chồng xa, cả năm mới về thăm cha mẹ một vài lần. Thành thử, hai vợ chồng cứ lủi thủi vào ra trong căn nhà tình thương xây cũng gần mười năm. Căn nhà nhỏ, mái tôn mục nát, dột nhiều chỗ, tường vôi thì phai màu, bong tróc cả rồi.

2. Có tiếng người xôn xao đầu ngõ. Tiếng chân chạy dồn dập và cả tiếng la hét. Bà Nhu thả nắm thóc cho gà ăn rồi lật đật chạy ra. Bà há hốc mồm trước đám đông vây quanh, ở giữa là ông Thiện vừa cầm chặt tay chú Minh vừa khóc gào. Bà Nhu dạt đám đông, gỡ tay chồng ra rồi nói to:

- Mấy ông mấy bà về cả đi. Tính ông nhà tôi ai cũng biết rồi mà.

Nói rồi, bà Nhu hu hu khóc, sao đời tôi khổ thế này!

Ông Thiện theo vợ về. Dáng đi khật khưỡng. Mắt ông lườm lườm khi ai đó nhìn ông, chỉ trỏ.

Thì ra chú Minh nói anh Huy đã chết lâu rồi, khi thấy ông Thiện cứ kêu người này, người kia để kể về anh Huy cho mọi người nghe. Nó đang dắt bò ở gò Gạch. Nó học giỏi lắm. Nó làm diều cũng đẹp. Nó sợ tắm sông vì hụt chân mấy lần rồi. Nó... Mấy đứa trẻ trong xóm, ban đầu thì ngồi chầu hẩu nhìn ông Thiện say sưa, lại được cho ăn kẹo nữa nên đứa nào cũng thích. Nhưng rồi, bọn chúng lảng dần. Khi thấy ông Thiện đầu xóm là chúng chạy biến. Mấy chú, mấy cô tụm năm, tụm ba sau buổi đi làm cũng ngại gặp ông Thiện. Ông Thiện tỉnh táo thì họ chào hỏi, cười đùa. Mấy hôm  nay, ông đã không kiểm soát được lời mình nói, nên họ cũng không dám tiếp xúc. Thế nên, trong lúc bực vì bị ông Thiện làm phiền, chú Minh đã lỡ lời. Chú Minh đã xin lỗi, nhưng ông Thiện cứ giữ chặt tay như bắt đền, như muốn mọi người chứng thực rằng anh Huy chưa chết.

Anh Huy hy sinh ở chiến trường K. Lần đó, nghe tin, bà Nhu chết lặng, mất ngủ quên ăn suốt mấy tháng. Ông Thiện thì bình tĩnh hơn, nỗi đau mất con cố giấu vào trong, nhưng ban đêm nhìn di ảnh con trên bàn thờ ông không cầm được nước mắt. Những ngày lễ, bạn bè, đồng đội anh Huy đến thăm, ông Thiện hay kể chuyện “ngày xưa” cho họ nghe. Chuyện hành quân băng rừng, lội suối chi viện cho chiến trường miền Nam. Chuyện gặp cô y tá xinh đẹp, tận tình cứu chữa cho thương binh. Cô y tá ấy chính là mẹ thằng Huy. Cô ấy đang chuẩn bị cơm trưa dưới bếp. Nói xong, ông cười rạng rỡ, tự hào. Mấy người bạn anh Huy cũng thấy lòng ấm áp khi biết sự hy sinh của anh Huy được cha mẹ chia sẻ, vinh dự vô cùng.

Có vài lần, xã mời ông Thiện nói chuyện với thanh niên trong xã. Ông Thiện say sưa nói về những tháng ngày nằm rừng, đối mặt với cái chết, nhưng vì đất nước, vì nhân dân, nên đã vượt qua sợ hãi, mất mát. Ông hào hứng kể lại những chiến công khi tấn công vào sào huyệt của kẻ thù. Ông còn kể chuyện về anh Huy, đứa con trai độc nhất. Mười tám tuổi nhưng gan dạ lắm, quyết tâm đi đánh giặc. Ngày đi, cô bạn học khóc như mưa. Cái nắm tay ngập ngừng, bối rối. Ông xúc động, rơi nước mắt. Bên dưới có tiếng sụt sùi...

Kết thúc câu chuyện, ông Thiện hạ giọng: “Chuyện chỉ có thế thôi mà”, khiến cả hội trường cười ồ, tiếng vỗ tay rộn rã.

3. Bệnh của ông Thiện ngày càng nặng. Ông đi lang thang nhiều hơn. Thấy đứa nhỏ trong xóm từ xa ông kêu Huy đấy hả con, trưa nắng không ở nhà mà cứ đi lội đồng bắt cá. Đứa nhỏ sợ quá bỏ chạy, ông Thiện chạy theo vấp té. Có hôm về được nhà, chân tay ông trầy xước, trán sưng một cục, bầm tím to như quả chanh. Bà Nhu xót xa, bỏ hết việc nhà, đi theo dòm chừng, năn nỉ chồng: Về đi ông, thằng Huy ở nhà chứ có đi đâu mà kiếm. Nghe vợ nói thế, mặt ông Thiện sáng ngời, vậy hả bà, rồi quay về. Sợ chồng cứ lẩn thẩn rồi ám ảnh, bà Nhu úp  di ảnh của anh Huy vào trong vách. Bà thắp nhang khấn vái, lòng dạ ngổn ngang.

4. Xã trợ cấp xây lại nhà mới cho vợ chồng ông Thiện. Bữa các anh dân quân và thợ xây đến, ông Thiện cầm gậy không cho ai đụng vào bất cứ thứ gì. Bà Nhu dỗ dành đến mấy cũng chẳng ăn thua. Bà rơm rớm nước mắt nhìn mọi người:

-Tui nói có khi không phải, mong các chú bỏ quá, vợ chồng tui già rồi, sống nay chết mai, ở sao cũng được, chỉ xin cấp trên một ít dọi lại mái nhà. Còn bao nhiêu các anh mang cho những người gặp nạn vì lũ.
Nghe bà Nhu nói, ai cũng lắc đầu, xa xót. Ông Thiện cũng ngơ ngác, nhìn quanh:

- Chuyện chỉ có thế thôi mà!
 


.