Chào mẹ con đi để được làm người

09:08, 27/08/2018
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)-  Mượn một câu thơ của bạn Phạm Quang Nghị cho “Lời sau” của tập thơ “Nỗi nhớ vùng ven”, tôi chỉ muốn nói thêm: thế hệ chúng tôi ngày ấy là như vậy. Chúng tôi đi chiến trường, vào chiến tranh như một cái gì rất tự nhiên, cứ như không nghĩ ngợi nhiều. Nhưng chúng tôi cũng là những con người, thuở ấy còn là những chàng trai cô gái tuổi đời rất trẻ, chúng tôi có nghĩ. Đầu tiên, tất cả chúng tôi đều nghĩ tới mẹ mình.

Nhưng trong tình yêu thương vô cùng với mẹ, chúng tôi còn nghĩ tới trách nhiệm của mình, của những người trẻ như mình. Chúng tôi nghĩ tới đất nước. Và hình ảnh mẹ chúng tôi trong buổi chia ly hòa vào hình ảnh đất nước. Mẹ-Tổ quốc, thiêng liêng và bình dị như thế. Một câu chào từ giã, một cử chỉ yêu thương, và thế là “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”. Không ngoảnh lại nhưng vẫn biết “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Thơ Nguyễn Đình Thi). Về hai câu thơ này của Nguyễn Đình Thi, thầy chúng tôi là GS Hoàng Như Mai đã bình khi dạy chúng tôi: “ Nói “đầu không ngoảnh lại” nhưng thực ra là có ngoảnh lại. Nếu không, làm sao biết “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”? Có ngoảnh lại nhưng vẫn đi tới, biết ngôi nhà mình nhưng còn biết ngôi nhà chung của dân tộc”.

Đã có rất nhiều người làm thơ trong thế hệ đi chiến trường chúng tôi. Ngày ấy, thơ với chúng tôi như người tri kỷ. Và nhật ký, có rất nhiều người trong chúng tôi đã ghi nhật ký đều đặn khi lên Trường Sơn, và không ít người trong số họ đã mang họa vì chính những trang nhật ký của mình, mà nữ anh hùng-liệt sĩ-bác sĩ Đặng Thùy Trâm là một điển hình. Nhưng rồi, nhật ký vẫn được ghi, thơ vẫn được viết, và chiến trường khốc liệt vẫn là đích đến của thế hệ chúng tôi ngày ấy.

Tôi biết, bạn tôi Phạm Quang Nghị không chủ tâm để thành một nhà thơ. Nhưng anh đã làm thơ. Nghị cũng không chủ tâm đi chiến trường để ghi nhật ký. Nhưng anh đã ghi rất nhiều trang nhật ký từ buổi lên Trường Sơn cho tới khi băng qua đồng Tháp Mười, về bám trụ ở vùng ven lộ Bốn Mỹ Tho. Nhật ký, hay thơ, với Phạm Quang Nghị bấy giờ là hai ngươi bạn thân thiết nhất. Anh có thể thổ lộ với hai người bạn ấy bao điều, những điều có thể không nói được, dù là với các bậc thủ trưởng của mình. Không ai nghĩ, những trang viết ấy, dù là thơ hay nhật ký, sau chiến tranh tới ngót 50 năm, lại trở nên quí giá như thế với chính người viết. Vì có thể một lần nữa, những người như Phạm Quang Nghị lại trở về với chính quá khứ của mình, với những ngọt bùi đắng chát mà mình đã trải qua trong chiến tranh.

Thơ Phạm Quang Nghị rất thật thà. Thơ ấy khiến người đọc cảm động, đầu tiên chính là từ sự thật thà mộc mạc của người viết. Tôi thường nghĩ, không biết sự mộc mạc là một phong cách thơ của từng cá nhân hay của một dòng thơ ? Vì tôi đã từng được đọc rất nhiều bài thơ mộc mạc của những anh bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp, một cuộc kháng chiến mà theo tôi là đầy ắp những tình cảm trong trắng nhất, ngay lành nhất. Những bài thơ ấy hợp thành như một dòng thơ, với những đặc chất của nó. Còn đây là một bài thơ của Phạm Quang Nghị, rất tiêu biểu cho sự mộc mạc chân thành của anh:    
 


THƯƠNG LẮM, MÌNH ƠI



“Mình vừa là chị, là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời”(*)
Mình là, chỉ có mình thôi
Để anh trao gửi cuộc đời cho em
Mình như một đóa hoa sen
Sắc hương dịu nhẹ mà thơm vô ngần
Đời anh mang nặng ân tình
Đã vay mượn của người mình yêu thương
Cùng anh đi suốt dặm đường
Ngọt bùi cay đắng nhịn nhường có nhau
Từ ngày têm đĩa trầu cau
Đến nay tóc đã nhuốm màu thời gian
Khi nghèo em chẳng thở than
Khi thong dong cũng không màng lợi danh
Kể từ khi bén duyên anh
Chia nhau gánh nặng mình giành phần hơn
Thương chồng, thương cháu, thương con
Thương cha, thương mẹ, sớm hôm đèo bòng.
Ơn em, anh giữ trong lòng
Yêu mình, yêu đến tận cùng mai sau.



                                  *Thơ Hồ Dzếnh
                                           6-2016
                                   (Kỷ niệm 40 năm ngày cưới)




Những dòng thơ như thế xuất tự tâm can, nó bình dị mà có thể khiến ta rơi nước mắt. Đó là lời biết ơn với người vợ từ ngày còn tấm mẳn của mình, sau 40 năm tình nghĩa ấy càng sâu nặng, hàm ơn ấy càng lặng lẽ mà thấm thía.

Thơ có biết bao nhiêu đường. Mộc mạc chân thành cũng là một con đường, nó như rau dưa bày trong một mâm cỗ đầy những món ăn thịnh soạn, nhưng nó lại gây được chú ý chính vì sự giản dị đến mơ hồ của nó.

Bạn Phạm Quang Nghị khi nhờ tôi đọc và biên tập bản thảo thơ này, đã nói tôi có quyền sửa chữa nếu thấy cần thiết. Tôi đã đọc khá kỹ bản thảo, và đi tới quyết định gần như không sửa chữa gì trong những bài thơ mà bạn Nghị đã viết. “Không ai sửa chữa được quá khứ”, đúng như vậy. Nếu hồi ấy bạn Nghị nghĩ như vậy và viết như vậy, thì nó là như vậy. Có thể ngây thơ, có thể đơn giản, nhưng nó thực lòng là như vậy. Như đoạn thơ này:  



“Cuộc đời em đã mất mát rất nhiều
Em đánh mất nhưng không đành chịu mất
Lời em đầy bão giông, chân thật:
Khi chết rồi, em sẽ lấy lại anh!”

                                                  (Chân thật)



Chân thật đến tận cùng, vì yêu thương đến xót xa. Hàng triệu mối tình đã dang dở trong chiến tranh, tất cả đều là vì chiến tranh, chứ không phải vì những người yêu nhau. Hãy hiểu điều đó để trân quí hạnh phúc mình có được hôm nay.

Trong chiến tranh ở miền đất Nam Bộ, những vùng ven các con lộ (cả quốc lộ và tỉnh lộ) luôn là những vùng tranh chấp ác liệt nhất. Và ở những nơi đó đã xuất hiện những đội du kích vùng ven nổi tiếng gan dạ và chịu nhiều hy sinh mất mát. Phạm Quang Nghị đã từng sống ở những vùng ven lộ Bốn Mỹ Tho, và đã cảm nhận được rất sâu cuộc chiến đấu và những hy sinh của đồng đội mình, nhân dân mình, và của chính mình. Những bài thơ cực kỳ giản dị như bài thơ này tự nó đã nói lên nhiều điều, dù chỉ qua tiếng bánh xe bò nghiến lọc cọc trên đường đá:
 


 TÍN HIỆU VÙNG VEN

Lọc cà... lọc cọc,
Lọc cà... lọc cọc,
Tiếng xe bò khoan thai ra khỏi ấp
Nhắn người du kích ở địa hình
Những âm thanh bí mật:
Lọc cà, lọc cọc,
Lọc cà, lọc cọc,
Tiếng xe lăn bình yên
Là tín hiệu hôm nay không có giặc

***
Có buổi mai giặc càn
Tiếng chân bò bước đi thật gấp
Lọc cọc,
Lọc cọc,
Lọc cọc,
Là tín hiệu truyền đi
Có giặc,
Có giặc,
AK đâu, mở khóa nòng thôi
Giặc hôm nay đã tới ấp rồi

***
Tín hiệu này là riêng của vùng ven .
Những âm thanh cũng góp phần đánh giặc
Bằng tiếng kêu lọc cà, lọc cọc


                                     12-1974
               (Những ngày bám trụ ở Thanh Điền)



Những bài thơ viết ở chiến trường chỉ bình dị như vậy, nhưng đó có thể là phần đời đẹp nhất của người tham gia chiến trận, “dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”. Với những người kháng chiến cũ như chúng tôi, bây giờ đọc lại những bài thơ ấy vẫn bồi hồi.


Có một mảng thơ trong tập “Nỗi nhớ vùng ven” của Phạm Quang Nghị mang một vẻ dịu dàng ấm áp rất dễ đồng cảm, đó là chùm thơ viết về tình yêu, về người yêu, về những người con gái mà tác giả đã gặp trong chiến tranh. Viết về tình yêu, về người yêu của mình thì không khó, ai làm thơ cũng có thể viết được. Nhưng viết về người con gái vùng ven có thể là thoáng qua, có thể mình đã cảm nhưng chỉ dừng ở một giới hạn, thì không hề dễ. Tôi rất thích bài thơ vừa hồn nhiên vừa “không dễ” này của người bạn tôi:



NHÌN CHI KỲ VẬY


Về bám trụ vùng ven
Ở địa hình1 rất mỏng
Đồng quê em lại rộng
Nên nắng nhiều em ơi

Mỗi lần anh ra ruộng
Em lại đòi đi theo
Để cùng anh phát cỏ
Giúp má em một chiều

Mồ hôi tuôn giọt giọt
Mặt mày anh đỏ gay
Em nhìn chi kỳ vậy
Anh ngượng chín cả tai

%
Mà anh là con trai
Còn em là con gái
Cái nhìn thật mềm mại
Mà nóng hơn lửa đồng

Cái nắng thì mênh mông
Cái mưa thì ràn rạt
Đồng quê em bát ngát
Em thôi nhìn được không?

                 Hữu Đạo, 10-1972



Ở đây, đối tượng “được nhìn” lại là người con trai, còn chủ động nhìn lại thuộc về người con gái. Chắc là tác giả hơi bất ngờ nên có vẻ ngượng, nhưng trong lòng rất phấn khởi. Mấy khi có sự thay đổi “điểm nhìn” và “đối tượng nhìn” như vậy. Những tình cảm như thế trong chiến tranh lại thường gặp, và người ta gọi nó là gì cũng được. Nhà chính trị sẽ gọi đó là “tình quân dân”, còn con trai con gái thì gọi đơn giản là “thích”, bây giờ lớp trẻ hay nói “thích thì nhích”. Gì cũng được, nhưng nó khiến cuộc sống nhiều cảm xúc hơn, nhiều bâng khuâng hơn.

Tôi có một kỷ niệm rất đáng nhớ với bạn Phạm Quang Nghị. Đó là vào tháng 9/1972 khi băng qua đồng Tháp Mười xuống chiến trường Nam lộ Bốn Mỹ Tho, tôi và Nghị đã gặp nhau trên lộ đất Mỹ Long, còn gọi là lộ Trần Lệ Xuân bên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp, khi chúng tôi từ hai đoàn công tác khác nhau cùng bị kẹt trên con lộ đất này. Bị kẹt đường và phải chịu nhịn đói tới ba ngày. Đói vàng mắt. Đêm ấy chúng tôi đã trải ni-lông nằm bên nhau, và đã nói với nhau nhiều chuyện. Sau ba ngày, đường thông, chúng tôi cùng vượt kênh Nguyễn Văn Tiếp, và lại xa nhau, mỗi người về một vùng ven lộ Bốn. Chuyến gặp bạn và ba ngày nhịn đói ấy về sau đã vào một bài thơ của tôi, bài “Một người lính nói về thế hệ mình”. Đây là đoạn thơ ghi lại chuyến gặp gỡ ấy của hai chúng tôi:



Tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ
đêm Mỹ Long hai đứa nằm lộ đất
trải dưới trời một tấm ni-lông

nơi khi chiều B52 bừa ba đợt
nơi mấy năm rồi hố bom không đếm hết
nơi tôi chợt thốt niềm mơ giản dị của mình

“chừng nào thật hòa bình
ra lộ Bốn trải ni-lông nằm một đêm cho thỏa thích”

thằng bạn tôi đăm đăm
nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước
đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được
chứa đầy một hố bom và một ngôi sao…


                     (Một người lính nói về thế hệ mình)



Bây giờ đọc thơ Phạm Quang Nghị, tự nhiên lại nhớ đến những tháng ngày “Lang thang qua chiến tranh” ấy, đơn sơ mà nhiều xúc cảm.


Chỉ còn 4 năm nữa là tròn 50 năm cho lần gặp gỡ ấy của hai chúng tôi. Sau hòa bình, dù mỗi người làm mỗi việc, thỉnh thoảng hai chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau. Và bây giờ, lại gặp nhau qua bản thảo tập thơ “Nỗi nhớ vùng ven” khi hai mái đầu đều nửa bạc. Biết đâu, ba ngày nhịn đói trên lộ đất Mỹ Long ngót 50 năm trước ấy là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời hai chúng tôi.

Tháng Bảy miền Bắc mưa dầm, miền Trung nắng rát, ngồi đọc từng bài thơ trong “Nỗi nhớ vùng ven” của bạn Phạm Quang Nghị, kỷ niệm cũ ấy lại hiện ra, xanh như màu những đám bàng trên con lộ đất năm xưa…
 

                          

    Quảng Ngãi, rằm tháng Bảy năm Mậu Tuất 2018
 

-------------

(1) Địa hình: Nơi ẩn nấp của cán bộ, du kích.
 (*)- NỖI NHỚ VÙNG VEN-THƠ PHẠM QUANG NGHỊ-NXB HỘI NHÀ VĂN -2018     
 


.