Miền huyền thoại trong tôi

10:07, 31/07/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Gần hai mươi năm mới trở lại Gia Lai, kể từ ngày giã từ màu xanh áo lính. Nắng vẫn vàng trên phố, trải dài trên những sườn đồi. Gió cuốn tung bụi đường mịt mù sau mỗi chuyến xe qua. Chợt sấm chớp nhì nhằng, những hạt mưa vừa rơi xuống vội tan vào nền đất nóng ẩm. Mưa vén tấm rèm nắng chói chang trút nước xuống thị thành và núi đồi tắm mát cỏ cây sau bao ngày nắng hạn.

Chiều nắng gần hai mươi năm trước, tôi cùng bạn đồng ngũ ôm súng lăn lê trên thao trường thì trời chợt đổ mưa. Những hạt mưa đá to bằng ngón tay lạ lẫm với cánh lính trẻ, những chàng trai vừa rời quê hương Quảng Ngãi vào quân đội. Mưa buốt rát da thịt đem lại sự hào hứng cho chúng tôi vì lần đầu chứng kiến sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đại ngàn. Mưa nắng thao trường hun đúc chúng tôi thêm bền tâm, vững chí, gắn kết tình đồng đội làm vơi đi nỗi nhớ quê hương.

 

 Tây Nguyên với phong cảnh núi non hùng vĩ
Tây Nguyên với phong cảnh núi non hùng vĩ


Những bài học đầu tiên trong quân ngũ thật bỡ ngỡ nhưng mang lại nhiều thích thú. Phương pháp mắc tăng võng đề phòng rắn độc khi đi hành quân dã ngoại, cách định hướng khi lạc lối giữa rừng già trang bị cho chúng tôi kỹ năng sinh tồn trong những lúc nguy nan. Những phút nghỉ ngơi sau giờ luyện tập như cơn gió thổi mát hồn tươi trẻ.

Chuyện gia đình, làng quê râm ran dưới bóng cây râm mát. Nụ cười rạng rỡ lẫn nét ưu tư hiện trên những gương mặt sạm đen vì nắng gió. Những đêm hành quân qua bao núi đồi, chúng tôi luôn dõi mắt nhìn về phố núi Pleiku, nơi ánh đèn vàng tựa sao sa trong bóng đêm thăm thẳm mịt mùng. Khoảng cách khá xa nhưng cảm giác chỉ tầm tay với, đoạn đường dài như ngắn lại dưới bước chân rộn ràng…

Phiên gác đêm là thước đo bền lòng với những chàng lính trẻ. Nhiều đồng đội tôi ngày ấy với những phút yếu lòng bỏ ngũ về quê nhà vì sự nhung nhớ, cách xa. Và, dẫu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nhưng cõi lòng chúng tôi vẫn thoáng chút bâng khuâng. Nhớ gia đình với những bữa cơm đầm ấm ngày mưa gió, bát canh cua mẹ nấu ấm lòng con thơ. Nhớ làng quê yêu dấu tung tăng bước chân thơ trẻ trên cánh đồng làng sau mùa gặt. Nhớ cánh diều phấp phới bay giữa nền trời xanh thẳm. Nhớ tà áo trắng thướt tha sau giờ tan trường với mái tóc huyền óng ả phất phơ trong gió chiều nhạt nắng… Bao nỗi nhớ ùa về giữa đêm khuya thanh vắng trào dâng cảm xúc lứa tuổi đôi mươi.

Những đêm giao lưu văn nghệ với thanh niên bản làng gần nơi đơn vị đóng quân, bên ánh lửa bập bùng, chúng tôi nắm tay nhau hát vang: “…Ngọn lửa bồi hồi, bồi hồi cháy mãi/Ôi! Cao nguyên, cao nguyên/Những chiến sỹ cao nguyên bên ánh lửa bập bùng…”. Mùa xuân đến, bông hoa tươi thắm khoe sắc giữa núi đồi nhưng cái lạnh vẫn như muốn nán lại với cao nguyên. Sương sớm ùa vào nhà, giăng khắp các nẻo đường, vấn vít bước chân thiếu nữ du xuân và đọng trên vai áo người chiến sỹ. Nhịp cồng chiêng rộn rã, ngân vang từ bản này đến làng nọ giục giã mọi người quây quần bên nhà rông vui cùng mùa xuân.

Cồng chiêng là cầu nối, là phương tiện giao tiếp giữa con người với tổ tiên và thần linh. Những chiếc chiêng bằng, chiêng núm (cồng) lắc lư theo nhịp bước lôi cuốn chúng tôi đắm mình trong không khí lễ hội, tay trong tay cùng nhau ca hát, nhảy múa. Đêm xuân với ánh lửa bập bùng bên những ché rượu cần thơm men lá rừng, bóng dáng ngả nghiêng theo bước xoan dìu dặt. Những tấm váy mới xập xòe theo bước chân sơn nữ. Những đôi mắt đẹp mê hồn khiến cho tâm hồn của lính trẻ cứ xao xuyến, bồi hồi.

Tây Nguyên mê đắm lòng người với phong cảnh núi rừng hùng vĩ, những dòng sông uốn lượn, những ngọn thác tung bọt nước trắng xóa. Lời kể khan giữa đêm khuya thanh vắng dưới mái nhà rông cao chót vót đưa hồn người lạc vào miền huyền thoại xa xăm.   

Trở lại Gia Lai với bao kỷ niệm hằn sâu trong ký ức. Đại ngàn đón tôi với sương chiều lãng đãng, mây trời lơ lững bay và gió núi xào xạc cây lá ru hồn lữ khách. Tấm chân tình của người bạn thời quân ngũ và đồng nghiệp công tác tại Đài phát thanh truyền hình Gia Lai làm vơi đi mỏi mệt sau những cung đường uốn lượn quanh núi đèo. Bữa cơm thân mật cùng đồng hương nơi phố núi với các món ăn đậm đà hương vị nhiều vùng miền: Dưa cà xứ Bắc, cá kho miền Trung, canh chua miền Nam và đặc biệt là những loại rau phảng phất hương vị núi rừng.

Gia Lai và cả Tây Nguyên là “miền đất hứa” của nhiều người. Họ đến đây sinh cơ lập nghiệp, đánh thức tiềm năng đại ngàn, làm đổi thay diện mạo miền cao nguyên đất đỏ. Họ mang theo những phong tục, tập quán từ quê nhà làm cho văn hóa nơi đây thêm phong phú. Nhưng cũng chính những điều ấy đã ít nhiều làm mai một bản sắc văn hóa được gìn giữ và lưu truyền từ bao đời.

Những cánh rừng dần bị thu hẹp trước sự nuối tiếc của bao người. Sông suối dần khô cạn làm vắng dần những bến nước nhộn nhịp buổi hoàng hôn tự bao đời. Bản làng với những ngôi nhà sàn truyền thống ngày càng thưa vắng, nhường không gian cho phố thị. Những nét văn hóa tốt đẹp gắn với rừng ngày càng mai một trước sự cố gắng bảo tồn của ngành chức năng và cả cộng đồng. Đấy là điều tất yếu của cuộc sống. Sự phát triển về kinh tế thường làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và văn hóa tinh thần. Cái giá phải trả vô cùng to lớn nếu con người không có ý thức giữ gìn tài nguyên, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tổ tiên truyền lại…

Chia tay Tây Nguyên, xe bon bon trên những cung đường uốn lượn trong sương mỗi sớm – chiều. Phố xá và núi đồi lướt ngoài ô cửa gợi bao nỗi bâng khuâng. Dẫu cuộc sống đổi thay so với trước nhưng đất và người Tây Nguyên luôn in đậm trong tôi. Với tôi, nơi ấy mãi là miền huyền thoại, luôn thao thiết tìm về.  

Trang Thy

 


.