Mái nhà yêu thương

07:07, 08/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với mỗi người, gia đình vừa là tổ ấm của mỗi nhà vừa là “tế bào” của xã hội. Trong tâm thức người dân Việt, gia đình đồng nghĩa với mái ấm ngôi nhà xòe đôi cánh yêu thương chở che. Mái nhà ấy đi suốt cuộc đời với bao cung bậc buồn vui...

Hình như trong mỗi chúng ta ai cũng có một chút “nhà quê”. Nhà quê trong ứng xử, lời ăn tiếng nói. Nhà quê ngay trong khẩu vị ẩm thực, thị hiếu giải trí. Nhà quê mộc mạc mà bền chặt, hồn hậu mà lan tỏa. Không hiểu sao dù bây giờ đã ở trong căn hộ xây bằng tường gạch chắc chắn, tôi vẫn thèm và nhớ cái mái tranh, mùi rơm, mùi rạ, cái  xộc  xệch của chiếc cổng ngõ quê đan bằng tre khép hờ như một lời mời cởi mở, chân tình. Ai cũng có thể bước vào bất cứ lúc nào để râm ran trò chuyện với bát nước chè  xanh sóng sánh. Chuyện nhà, chuyện làng, chuyện nước từ đó mà ra.

 Ảnh: Internet
Ảnh: Internet


Mái ấm gia đình có gì lạ đâu: Vẫn cái kèo, cái cột đan dằng vào nhau, chống đỡ bên nhau, tựa lưng vào nhau mà thành cái thành trì vững chắc để bảo vệ, để chở che, sum vầy, để tin cậy, yêu thương. Ca dao Việt Nam nói rất hay: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Đó là to tát còn sinh hoạt cụ thể hằng ngày lại rất đơn sơ và cảm động: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Ngon, không chỉ ở hương vị quê nhà, mà ngon với cái tình cái nghĩa trăm năm...

Mái ấm yêu thương của sự tiếp nối bao thế hệ trẻ, già. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng rất có lý: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Mái ấm đã nới rộng ra cả biên độ địa lý, cả trực cảm tâm linh, cả mong mỏi ân tình. Gia đình là một địa chỉ cụ thể. Cụ thể tới cả những đồ đạc, vật dụng gắn bó với bao kỷ niệm từ tuổi ấu thơ đến cả những cây cối, cảnh vật thiên nhiên trong vườn lớn dần theo năm tháng.

Này hàng cau trước sân nhà vút thẳng cao, ngấn từng đốt thời gian để xum xuê buồng cau cho đậm vị miếng trầu. Này khóm chuối sau nhà  trĩu nặng buồng và đến cái ngày ta bỗng giật mình nhận ra: “Mẹ già như chuối chín cây...”.

Cái tình, cái nghĩa  bọc cái nhân, cái hậu bắt đầu từ những lời ru, từ ca dao tục ngữ từ triết lý làm người: “Nhiều điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Cái chữ thương, chữ tình sao mà thắm thiết từ một nhà đến mọi nhà, gia đình lớn rộng ra thành cộng đồng, thành xã hội.

Gia đình là điểm tựa và cũng là bệ phóng để vươn tới những ước vọng lớn lao. Tôi lại nghĩ về hình ảnh cây tre Việt Nam rất thân thuộc, gắn bó với đời sống con người. Có lẽ cây tre là một gia đình thu nhỏ như một biểu  tượng gần gũi và bền chặt khi nhà thơ Nguyễn Duy phát hiện ra: “Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay níu tre gần  nhau  thêm/ Thương nhau tre không ở riêng/ Lũy thành từ đó mà nên hỡi người”. Mái ấm gia đình yêu thương bao đời vẫn thấu đáo bao nghĩa tình sắt son rất đặc trưng thuần Việt: “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cọc cũng nhường cho con” (Tre Việt Nam). Nói cây tre mà cũng chính nói con người vậy...   


       NGUYỄN NGỌC PHÚ


 


.