Lý Sơn: Một truyền thống, một bản sắc (kỳ 2)

10:07, 03/07/2018
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Biển là nhà, là máu thịt


Đội hùng binh Hoàng Sa tiêu biểu cho con người Lý Sơn về truyền thống yêu nước, bám biển, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc từ trong lịch sử cho đến hiện tại. Trải qua nhiều thế kỷ, người dân trên đất đảo, hết thế hệ này đến thế hệ khác vẫn luôn tiếp bước tiền nhân dong thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường truyền thống. Kiên cường bám biển là truyền thống, là nét đẹp trong tâm thức và hành động của người dân ở hòn đảo tiền tiêu này. 


 
Lão ngư Võ Nam (70 tuổi), ở thôn Tây, xã An Hải kể: Người dân Lý Sơn tự hào là hậu duệ của đội hùng binh Hoàng Sa. Vậy nên, ai cũng quyết tâm bám biển, không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Một lòng bám biển

Ông Võ Nam là một trong những ngư dân đầu tiên ở Lý Sơn có tàu đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa trong những năm 80 của thế kỷ trước. Ông Nam cho biết, từ năm 17 tuổi ông đã theo cha ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Hơn 50 năm bám biển, đối mặt với muôn trùng sóng dữ, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời bỏ tấm lưới, con tàu.

“Hết đời mình thì đến đời con, đời cháu, cứ thế mà tiếp nối ra Hoàng Sa”, ông Nam nói dứt dạt. Vậy nên, khi các con lớn lên, ông Nam lại dẫn ra Hoàng Sa, chỉ bảo cách hành nghề. Đến nay, cả 7 người con trai của ông đều kiên cường bám biển ở Hoàng Sa. Đó là điều mà ông Nam luôn rất tự hào. Giờ đây, tuổi cao nên ông Nam giao lại cho người con trai lớn là Võ Văn Sơn (46 tuổi) làm nhiệm vụ thuyền trưởng.

Ông Nguyễn Quốc Chinh thường xuyên trực đài Icom để kết nối liên lạc với ngư dân trên biển.                     Ảnh: K.Ngân
Ông Nguyễn Quốc Chinh thường xuyên trực đài Icom để kết nối liên lạc với ngư dân trên biển. Ảnh: K.Ngân


Đối với người dân Lý Sơn, tình yêu biển, đảo như dòng huyết mạch chảy trong cơ thể, nên luôn truyền nghề cho con cháu. Biển cả mênh mông, hiểm nguy rình rập, thế mà có bao giờ làm ngư dân Lý Sơn sờn chí. Họ luôn kiên cường bám biển như cha ông thuở trước. Chiếc tàu QNg 96218TS với công suất 730 CV do anh Võ Văn Sơn làm thuyền trưởng vừa bị chìm ở Hoàng Sa do gặp phải cơn lốc, ngư dân trên tàu may mắn được tàu của một ngư dân ở Lý Sơn cứu sống.

Ở đất liền mới được vài hôm, vậy mà anh Sơn đứng ngồi không yên. Anh Sơn bộc bạch: “Nhớ biển lắm! Từ nhỏ đã lênh đênh nơi biển cả nên quen rồi”. Tài sản bị mất trắng, thế mà anh Sơn vẫn quả quyết: “Còn người còn của, dù trắng tay nhưng không vì thế mà bỏ nghề biển. Tôi sẽ tiếp tục vay mượn để đóng mới tàu bám biển Hoàng Sa”.

Ngư dân Lý Sơn không đơn độc khi ra khơi

Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải Nguyễn Quốc Chinh cho biết: Ngư dân Lý Sơn không đơn độc khi đánh bắt  trên biển, xung quanh lúc nào cũng có đồng đội hỗ trợ và nhân dân trong cả nước luôn hướng về ngư dân, động viên tinh thần bám biển. Hơn 7 năm qua, từ khi thành lập tổ đội hợp tác, giúp đỡ nhau đánh bắt trên biển, tham gia nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân Lý Sơn cùng giúp đỡ nhau vượt qua thiên tai, nhân tai,  khẳng định sức mạnh đoàn kết trên biển. Đến nay, Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải có 15 tổ đội hợp tác, với 645 đoàn viên ngư dân.


Còn đối với ngư dân Bùi Văn Phải, ở thôn Đông, xã An Hải, mới 29 tuổi nhưng đã là một thuyền trưởng đầy bản lĩnh. Anh Phải đi biển năm 13 tuổi, từ truyền thống và ý chí đã hun đúc, tôi luyện anh trở thành một ngư dân kiên cường. Câu chuyện về ngư dân Bùi Văn Phải, khi ấy là chủ tàu cá QNg 96382 TS cùng những ngư dân trẻ trên tàu dũng cảm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khi gặp hoạn nạn trên biển diễn ra cách đây 5 năm giờ luôn được những ngư dân trẻ của Quảng Ngãi nói chung và Lý Sơn nói riêng noi theo.

Năm ấy, khi đang hành nghề hợp pháp trên ngư trường truyền thống ở vùng biển Hoàng Sa, tàu của anh Phải bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắn cháy cabin. Tính mạng bị đe dọa nhưng anh cùng các bạn chài vẫn kiên cường cứu tàu, giữ cờ Tổ quốc. Hành động dũng cảm của ngư dân Bùi Văn Phải đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”. Ngư dân Bùi Văn Phải hiện là thuyền trưởng tàu QNg 96169TS, chiếc tàu được đóng mới từ tấm lòng của đồng bào cả nước thông qua Quỹ Tấm lòng vàng của Tổng LĐLĐ Việt Nam và giao lại cho Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải quản lý.
 

“Bám biển Hoàng Sa với lá cờ Tổ quốc tung bay luôn là niềm tự hào đối với ngư dân Lý Sơn chúng tôi”.


Ngư dân BÙI VĂN PHẢI

Đoàn kết để giữ biển

Huyện Lý Sơn có hơn 400 chiếc tàu với hơn 3 nghìn ngư dân hoạt động khai thác hải sản, trong đó có hơn 100 tàu công suất lớn đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải Nguyễn Quốc Chinh (65 tuổi) cho hay: “Dù gặp nhiều khó khăn bất trắc trên biển, nhưng ngư dân Lý Sơn vẫn kiên quyết bám biển, vì Hoàng Sa là nơi trước đây cha ông đã cắm mốc chủ quyền”.

Cũng vì lẽ đó mà nhiều năm qua, chẳng kể ngày đêm vất vả, ông Chinh vẫn luôn trực tổng đài Icom để kết nối thông tin giữa các tàu trên biển với đất liền, kịp thời giúp đỡ ngư dân khi gặp hoạn nạn. “Có ai ở gần đây không, cứu với, tàu chúng tôi đang bị chìm”, qua hệ thống Icom ông Chinh nhận được lời kêu cứu của thuyền trưởng tàu QNg 96218 TS Võ Văn Nam, bị cơn lốc gây chìm tàu ở cồn Bạch Quy Hoàng Sa.

Ngay lập tức ông Chinh kết nối liên lạc với tàu QNg 96167 TS do ngư dân Đinh Sửu làm thuyền trưởng đang neo nghỉ qua đêm tại cồn Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa cấp tốc chạy đến cứu nạn. Cả 7 ngư dân trên tàu QNg 96218 TS được đưa về đất liền an toàn. Đó là vụ tai nạn xảy ra trên biển hôm tháng 4.2018, nếu không ứng cứu kịp thời thì cả 7 ngư dân đều đã tử nạn.

Đối với ngư dân Lý Sơn, tình người trên biển luôn dạt dào. Họ chấp nhận mất phí tổn, tạm thời dừng đánh bắt để cứu mạng sống của ngư dân ở những tàu khác khi gặp nạn. “Đối với ngư dân chúng tôi đã là thành viên nghiệp đoàn với nhau, có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chịu.

Cứu người là trên hết, mình cứu giúp bạn chài hôm nay, thì lúc mình gặp nạn cũng sẽ có bạn đến giúp. Nghĩa cử trên biển quý hơn tất cả”, ngư dân Đinh Sửu chia sẻ. Mới đây, ông Nguyễn Quốc Chinh và 3 tập thể thuộc Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải được Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khen thưởng vì đã có nhiều thành tích trong công tác tìm kiếm, cứu nạn ngư dân trên biển.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh Lê Khuân (53 tuổi) cũng đã nhiều lần được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác giúp đỡ ngư dân. Từng là ngư dân suốt nhiều năm hành nghề lặn ở Hoàng Sa, nên ông Khuân thấu hiểu hiểm nguy mà ngư dân có thể gặp phải khi đánh bắt trên biển. Bởi vậy, tuy không còn đi biển vì sức khỏe giảm sút, nhưng ông thể hiện tình yêu biển, đảo theo cách riêng của mình, đó là tận tụy với công việc ở nghiệp đoàn nghề cá để giúp đỡ ngư dân.

Tàu của ngư dân Lý Sơn luôn thẳng tiến ra ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác hải sản.               Ảnh: P.Lý
Tàu của ngư dân Lý Sơn luôn thẳng tiến ra ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác hải sản. Ảnh: P.Lý


Đêm nào cũng vậy, ông Khuân đều có mặt ở UBND xã An Vĩnh để trực Icom, kịp thời thông báo tình hình thời tiết cho ngư dân, nắm bắt hoạt động khai thác hải sản của các tàu trên biển, kết nối thông tin để giúp đỡ khi có tàu gặp nạn. “Có gì đâu, đó là việc nên làm để góp phần bảo vệ ngư trường truyền thống, vì nghĩa tình với anh em ngư dân trên biển”, ông Khuân bộc bạch.

Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Vĩnh có 7 tổ đội hợp tác đánh bắt, với gần 350 thành viên. Nghiệp đoàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân. Cũng nhờ vậy mà Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Vĩnh không có tàu khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, ngư dân  chấp hành tốt quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế khi đánh bắt trên biển.

Thế đấy, ngư dân Lý Sơn vẫn một lòng bám biển, hướng về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên những thân tàu minh chứng cho sức mạnh đoàn kết và tình yêu biển, đảo của những người con trên quê hương của Đội hùng binh Hoàng Sa. Họ vẫn mãi kiên cường trên hành trình mưu sinh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc!


             P.Lý-M.Hạ-K.Ngân
 

----------------
Kỳ cuối: Đánh thức tiềm năng văn hóa biển, đảo
 


.