Những khúc ca tình yêu trong "Miên khúc"

02:06, 10/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là Bác sĩ chuyên khoa II, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, nhưng những năm tháng chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân, Bác sĩ Trịnh Quang Thân vẫn lặng lẽ sáng tác, trải những vui buồn trên trang giấy như lời tự tình với chính mình, lời tâm sự với bạn bè, người thân và với cuộc đời. Anh hiện là hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi, sáng tác với bút danh Hoàng Thân.  
 

Năm 2016, Hoàng Thân ra mắt tập thơ đầu tay "Nguyên màu thời gian" (NXB Hội Nhà văn). Và mới đây, anh ra mắt bạn đọc tập thơ thứ hai "Miên khúc", do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tập thơ dày 155 trang in, với gần 90 bài thơ là những nỗi niềm trăn trở, suy ngẫm, và khát vọng của anh về tình yêu.

Tình yêu trong "Miên khúc" hầu hết không trọn vẹn. Nó giống như một giấc mộng Nam Kha: "Ta ngồi đối giấc Nam Kha/ Xoa tay từ hết phù hoa dại cuồng" (Bóng thời gian). Hình như từ lúc con tim biết rung động đến nay, Hoàng Thân vẫn luôn đau đáu về những cuộc tình không trọn vẹn. "Nghe sỏi đá réo mòn chân kiêu bạc/ Hằn xót xa lên những phận đời côi" (Mặc tưởng).

Không xót xa sao được khi "Ngày đó bên nhau khung trời rộng mở/ Thì thầm hơi thở tóc xõa ngang vai/ Lòng ước ao đêm thêm dài lối mộng/ Tình ta vẫn thắm lụa nắng qua thềm" (Miên khúc), vậy mà "Dòng suối về xuôi đầu nguồn khô héo/ Bỏ bến xanh xao miên khúc đợi chờ" (Miên khúc). Thủ pháp ẩn dụ cùng với giọng thơ trầm buồn, bài thơ đã khiến người đọc phải ngậm ngùi cho những mối tình mà anh đã trải qua.

Trong "Miên khúc" còn rất nhiều bài thơ như thế. Đọc bài thơ "Phía sau kỷ niệm", "Ti gôn tím"... ta mới xót xa cho "vết thương lòng" của anh. "Nhiều, nhiều lắm, phía sau từng kỷ niệm/ Vết thương lòng chằng chịt quấn tim đau" (Phía sau kỷ niệm), hay: "Vì đâu bốn mùa nhung nhớ/ Ti gôn rụng vỡ nao lòng/ Chiều trông đôi bờ cách trở/ Xót xa tím cả góc trời/... Xa người tim vỡ ai ơi/ Nhắn ai nhớ lời hẹn ước/ Tự mùa ti gôn thuở trước/ Xuyến xao ngày đó... bây giờ..." (Ti gôn tím).

"Yêu là hạnh phúc vô biên và yêu cũng là đau khổ tột cùng" (Xuân Diệu). Hoàng Thân đã biết được điều đó, nên khi tình đầu tan vỡ anh chẳng trách gì: "Đừng khóc nhé kẻo hoen mờ mắt biếc/ Kẻo đau nhiều thao thiết những hoàng hôn/ Đừng đắng cay cô độc nhốt linh hồn/ Tim hóa thạch giữa vô vàn xưa cũ... Dòng mãi trôi xoay cuộn những bể dâu/ Ta chẳng trách bởi tình đầu luôn thế" (Chẳng trách tình đầu).

Anh không trách tình đầu, và cố quên đi, nhưng kỷ niệm xưa cứ bất chợt ùa về, khiến lòng anh đau xót: "Lòng đã cố chôn sâu từng kỷ niệm/ Mong cây xưa chồi biếc sẽ xanh rì/ Mà sao nhớ khi quay về lối mộng/ Vắt tim sầu thấy lệ chảy thành thơ" (Phía sau kỷ niệm). Những câu thơ tám chữ mang âm hưởng buồn làm chạnh lòng người đọc, bởi mấy ai trong cuộc đời mà không rơi vào tình cảnh ấy.

Đọc "Miên khúc" ta còn nhận thấy, ngoài những bài thơ viết về tình yêu đôi lứa, còn có một số bài thơ viết về tình yêu quê hương đất nước như:  "Với dòng sông Trà", "Em hãy về sông Vệ", "Đà Lạt hoài mong", "Trăng vàng xứ Huế", "Tương tư Hà Nội"... N

hững bài thơ này, Hoàng Thân đã kết hợp tinh tế giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu quê hương, đất nước. "Xây tình trên xứ ngàn hoa/ Mộng bay cao vút đôi ta thỏa lòng/ Thuyền tình thôi hết long đong/ Trăm năm Đà Lạt hoài mong đêm này" (Đà Lạt hoài mong), hay: "Tôi đã thương em từ đêm Hà Nội/ Từ bước chân qua con phố yên bình/ Từ ngón tay đan lối vàng thu ngỏ/ Tình yêu ta đó Hà Nội... tim mình" (Tương tư Hà Nội).


Bài, ảnh: PHẠM VĂN HOANH


 


.