Giữ nhịp âm nhạc dân tộc Hrê

11:04, 14/04/2018
.

 


(Baoquangngai.vn)- Từ những nguyên liệu gần gũi với đời sống và phong tục tập quán sản xuất, đồng bào Hrê đã sáng tác và tạo nên những làn điệu, nhạc cụ dân tộc làm say lòng người.
 
Nhưng năm tháng trôi qua, những làn điệu, nhạc cụ dân tộc của đồng bào vùng cao dần mai một. Giữa nhịp sống hối hả đổi thay từng ngày, già Phạm Văn Sự ở thôn Nước Lui, xã Ba Vinh (Ba Tơ) vẫn một lòng gìn giữ những giai điệu truyền thống của dân tộc mình.
 
“Cổ thụ” của núi rừng
 
Vượt qua con đường xung quanh là những thửa ruộng bậc thang xanh ngát, chúng tôi đến thôn Nước Lui. Dưới mái hiên nhà sàn, già Sự thấy có khách đến, vội vào nhà mang những chiếc đàn ra. Năm nay, già Sự đã 80 tuổi. Mái tóc bạc phơ nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Khi nhắc đến những bài ca, nhạc cụ truyền thống, già Sự như say sưa, đắm mình vào những giai điệu, thanh âm.
 
Bộ sưu tập của già Sự không chỉ là đàn B’rooc, Krau, Ta lía, Đin đu... mà còn là những lời ca như các bài Ta lêu, Ca choi, ru con. Những nhạc cụ dân tộc của người Hrê chủ yếu làm từ các vật liệu đơn giản nhưng qua bàn tay tài hoa của đồng bào miền núi đã biến hóa mang đến sức sống cho các thanh tre, ống nứa.
 
Vừa giới thiệu tỉ mỉ về từng nhạc cụ, già Sự dùng tay gẩy đàn tạo nên những giai điệu du dương, trầm bổng và ông cất tiếng hát hòa cùng tiếng đàn. Giữa đại ngàn, giọng ca của ông mạnh mẽ, cao vút, da diết tình cảm.
 
Già Phạm Văn Sự luôn gìn giữ hồn dân tộc giữa đại ngàn
Già Phạm Văn Sự luôn gìn giữ hồn dân tộc giữa đại ngàn
Già Sự là vậy, cuộc đời ông từ tuổi trẻ đến khi về già vẫn không ngừng gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hóa của dân tộc Hrê. Ông kể, năm 13 tuổi đã theo cha lên rừng chặt cây nứa, cây tre về làm nhạc cụ. Đối với người Hrê, cuộc sống dẫu vất vả nhưng tiếng đàn, tiếng hát vẫn vang lên đồng điệu trong những ngày hội, lễ cúng mừng. Mỗi lần ở địa phương có tổ chức hoạt động, phong trào, già Sự đều đóng góp công sức lời ca, tiếng hát của mình. Không chỉ giữ lại hồn dân tộc, những năm qua, già Sự còn tâm huyết với việc dạy lại cho thế hệ trẻ những làn điệu quê hương.
 
Ngôi nhà của già Sự là điểm đến quen thuộc của người dân và học sinh trong bản đến học hỏi, tập luyện.
 
Điều đặc biệt thôn Nước Lui còn thành lập cả đội văn nghệ với nòng cốt là già Phạm Văn Sự được xem như cánh chim đầu đàn trong việc gìn giữ cội nguồn.
 
Không giới hạn ở thôn Nước Lui, già Sự còn là người thầy truyền dạy các làn điệu Ta lêu, Ca choi truyền thống của người Hre cho các học viên tham gia lớp truyền dạy Dân ca, Dân nhạc dân tộc Hrê tại huyện Ba Tơ. Già Sự còn đại diện cho đồng bào Hrê giữa đại ngàn Trường Sơn mang lời ca, tiếng hát đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội.
 
Năm 2015, Già Sự vinh dự được chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
 
Tiếng đàn gọi mùa xuân về
 
Ngoài sử dụng thành thạo những nhạc cụ dân tộc dành cho nam, già Phạm Văn Sự cho hay, đồng bào Hrê còn có nhạc cụ truyền thống dành cho nữ. Bản thân già Sự cũng rất tâm huyết với việc gìn giữ nhạc cụ dân tộc này, đó là chiếc đàn Vinh vút.
 
Tháng Chạp về với núi rừng Ba Tơ, xen lẫn đâu đó dưới những hiên nhà sàn là thanh âm của chiếc đàn Vinh vút. Khi mùa cấy đã xong, mọi công việc đã sắp xếp, những người phụ nữ Hrê mang đàn Vinh vút ra chơi tạo thành những giai điệu trầm bổng của núi rừng. Tiếng đàn như gọi mùa xuân về với vùng cao hùng vĩ.
 
Chẳng ai nhớ được đàn Vinh vút có từ khi nào. Những người phụ nữ ở Ba Tơ chỉ biết rằng lớn lên được bà và mẹ truyền dạy lại cách chơi đàn Vinh vút.
 
Già Phạm Văn Sự dạy cho giới trẻ cách chơi đàn Vinh vút
Già Phạm Văn Sự dạy cho giới trẻ cách chơi đàn Vinh vút
Gọi là đàn nhưng cấu tạo của Vinh vút rất thú vị, chỉ được tạo nên từ hai ống nứa. Người làng chọn những cây nứa già thẳng, chặt mang về, gọt giữa xung quanh thật nhẵn bóng rồi bỏ mắt. Đàn Vinh vút làm từ hai ống nứa dài 1m2, ống còn lại dài 1m, sau khi làm xong mang gác trên giàn bếp.
 
Bà Phạm Thị Liếc (64 tuổi) ở cùng thôn với già Sự cho hay, từ nhỏ bà Liếc được bà và mẹ dạy cho. Đàn Vinh vút có cấu tạo đơn giản nhưng cách chơi không hề dễ mà phải hai người chơi phải phối hợp ăn ý, điêu luyện trong cách vỗ tay và gõ nhịp.
 
Hiện nay, số lượng người biết chơi đàn Vinh vút rất ít. Chiếc đàn cũng “hiện đại” hơn khi được làm từ ống nhựa để dễ bảo quản.
 
Vì nặng lòng với văn hóa truyền thống dân tộc, từ lâu, già Sự đã học cách chơi đàn Vinh vút và chơi rất hay. Thế nên, ông luôn mong mỏi giới trẻ ngoài việc học nên dành thời gian để tìm hiểu những giá trị văn hóa của đồng bào.
 
Qua thời gian, dẫu những làn điệu có phôi pha, nhạc cụ dần thất lạc nhưng già Sự vẫn một lòng giữ gìn những nhạc cụ dân tộc. Già Sự nói: “Nhiều người hỏi mua bộ nhạc cụ truyền thống này nhưng già không bán, Già giữ lại cho con cháu sau này. Còn già làm ra những bộ nhạc cụ mới để trao cho lớp trẻ biết cách sử dụng”.
 
Bài, ảnh: B.HÒA
 

.