Tưởng niệm 50 năm Ngày 504 thường dân Sơn Mỹ bị thảm sát (16.3.1968 – 16.3.2018):
Lệ giỗ ngày 17 tháng 2 âm lịch

04:03, 15/03/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Trong kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc tổ chức các hoạt động tưởng niệm 50 năm Ngày 504 thường dân Sơn Mỹ bị thảm sát (16.3.1968- 16.3.2018), có nội dung thăm và tặng quà cho các gia đình nạn nhân, trong các ngày 31.3 và 1.4 năm 2018.

TIN LIÊN QUAN


Bản kế hoạch ghi rõ, “trước ngày 17 tháng 2 âm lịch”. Tại sao phải lấy mốc là ngày 17.2 âm lịch? Ngày đó có ý nghĩa gì?

 

Gian thờ các nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ
Gian thờ các nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ.

 

Thực ra, với nhiều người, 17 tháng 2 âm lịch hằng năm, là một ngày bình thường, nằm ở khoảng nửa đầu mùa xuân, thường rơi vào tiết kinh trập hoặc xuân phân, ban đêm vầng trăng vẫn còn đầy đặn... Thế nhưng, với nhiều gia đình ở Tịnh Khê (Sơn Mỹ, Mỹ Lai) chính xác là ở 2 làng Tư Cung và Mỹ Hội của xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi thì đây là một ngày lệ - lệ giỗ 504 linh hồn oan khuất.

Cách đây vừa tròn 50 năm, ngày 16.3.1968 theo dương lịch, nhằm ngày 18 tháng 2 năm Mậu Thân (âm lịch), đã xảy ra sự kiện Sơn Mỹ - một vụ thảm sát 504 thường dân do một đơn vị quân viễn chinh Mỹ gây ra, từng làm chấn động dư luận thế giới.

 

 Dưới chân tượng đài.
Dưới chân tượng đài.


Từ thế kỷ XIX, ở Việt Nam, lịch mới (dương lịch Gregorius) đã được sử dụng song song với âm lịch. Đến năm 1967, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định lấy tây lịch làm công lịch chính thức nhà nước. Thế nhưng, trong dân gian, cho đến nay (và có lẽ còn rất lâu) các dịp lễ hội truyền thống hằng năm, những ngày giỗ kỵ và cả nông vụ, vẫn giữ cách tính theo âm lịch.
 
Tập quán này đã trở thành một nét riêng, mang đậm dấu ấn nông nghiệp - phương Đông của văn hóa Việt. Cũng theo tập quán, ngày giỗ nằm vào ngày liền trước ngày tạ thế của người quá cố, gọi là “giỗ ngày sống”. Đây cũng là một quan niệm rất riêng của cư dân Việt, mà theo đó, ngày giỗ là ngày người thân đã ra đi còn tồn tại cùng một cảnh giới “dương gian” với người đang sống. 
 
Nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật về vụ thảm sát Sơn Mỹ
Nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật về vụ thảm sát Sơn Mỹ



Thấp thoáng trong quan niệm này là sự gắn bó với cuộc sống thế gian, sự chấp nhận nỗi đau khổ “sinh ly tử biệt” và biết nén lại, vơi dần những ký ức đau buồn để nhìn về tương lai cho người đang sống. Lễ thức dành cho người mất sau an táng chỉ còn được nhắc lại vào đúng ngày khuất vào dịp “tuần giáp năm” và “mãn tang”, sau đó là giỗ, vào ngày sống của năm. Phong tục như thế, nên ngày giỗ của 504 nạn nhân Sơn Mỹ là 17.2 âm lịch hằng năm.

Ngày 16.3 dương lịch là ngày của những nghi lễ chính thức, vừa để tưởng nhớ những người đã khuất, vừa kêu gọi mọi người hãy suy nghĩ và hành động để những gì đã xảy ra vào “buổi sáng khủng khiếp” năm 1968 ở Sơn Mỹ sẽ không bao giờ còn lặp lại trên mặt đất này. Một ngày mà những người đang sống hôm nay muốn sẻ chia, vun vén để người dân Sơn Mỹ có được cuộc sống hạnh phúc, bình yên, có được tương lai tươi sáng hơn.

Nhưng xin đừng quên ngày 17.2 âm lịch. Ngày đó người dân ở 2 làng Tư Cung và Mỹ Hội tổ chức lễ giỗ những người thân bị nạn trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. Đồng thời họ cũng có những nén hương thắp lên dành cho những người bị nạn không còn có người thân thờ phụng. Xin nhắc lại sự thật đau lòng này: Có những người bị nạn trong ngày 18.2 năm Mậu thân (16.3.1968) ở Tư Cung và Mỹ Hội nhưng không có người thân thờ phụng. 


Trong vụ thảm sát Sơn Mỹ, có những gia đình không ai sống sót. Có những nạn nhân khi còn sống chỉ là người đơn thân, không con, không cháu. Ngày 17.2 âm lịch hằng năm, ngày giỗ cả làng ấy, không có người thân nào làm lệ giỗ riêng cho họ. Những linh hồn đau thương ấy chỉ được “đồng lai phối hưởng”. 


Cũng trong Bản kế hoạch nói trên của UBND tỉnh, có Lễ khánh thành và đưa vào sử dụng gian thờ 504 nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ. Đây là nơi thờ phụng, hương khói, tưởng niệm các nạn nhân. Mong rằng, tại gian thờ này, vào ngày 17.2 âm lịch hằng năm, lễ giỗ các nạn nhân vụ thảm sát sẽ được tiến hành bằng các nghi thức theo phong tục cổ truyền của dân tộc.

Một nén hương, một câu văn tế, một chung rượu lễ và rất nhiều ân tình, thơm thảo, biết đâu sẽ làm ấm lòng người ở cõi âm; và hẳn nhiên cũng làm ấm lòng người nơi dương thế!

Lê Hồng Khánh
 


.