Làm phiền hàng xóm

08:02, 09/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có ông bạn nguyên là lãnh đạo một sở của tỉnh, sau khi nghỉ hưu, ông chọn về quê cũ để được yên tĩnh mà an dưỡng tuổi già. Thế nhưng, chỉ ở được đúng một năm, chịu đời không thấu, ông lại rời quê lần nữa.

Lần này thì theo như ông nói, sẽ ở luôn trên thành phố cho đến khi qua đời. Hỏi vì sao lại có chuyện bỏ quê lên phố như vậy, ông bảo rằng, giờ ở quê còn ồn ào gấp vạn lần ở phố. Trên thành phố chỉ có tiếng xe cộ, ai muốn hát hò thì cũng ý tứ đóng cửa lại mà hát; nhưng ở quê, bất chấp làm phiền hàng xóm, nạn hát karaoke khiến ai cũng đinh tai điếc óc.

Từ đám cưới, đám giỗ đến tiệc đầy tháng, thôi nôi, khánh thành nhà mới, tất tật đều thuê giàn âm thanh “khủng” về hát thâu đêm. Mà nào có phải hát một buổi, nửa ngày gì thì cũng ráng chịu đựng, có những cuộc vui, gia chủ hát trọn 1-2 ngày. Ở quê thì nhà cửa thưa thớt, nên giàn karaoke mà mở hết công suất, không chỉ gia chủ tra tấn những nhà chung quanh mà gần như cả xóm mấy chục nóc nhà đều cùng chịu trận.

Không chỉ hát ban ngày, họ hát xuyên đêm nên những người già không tài nào có thể chợp mắt được. Có lần, do quá bức xúc, ông bạn qua hàng xóm góp ý, liền bị đám thanh niên cự cãi rất hỗn láo. Vì vậy, thôi thì đành rời quê lần nữa dù trong lòng ông rất ngậm ngùi.

Sau những giờ lao động mệt nhọc, làm vài bản karaoke kể ra cũng thú vị. Âm nhạc, được sự hỗ trợ tối đa của công nghệ, nó làm cho con người sảng khoái, hưng phấn hơn, nạp thêm năng lượng để tái tạo sức lao động. Có lẽ những người nghĩ ra loại hình karaoke cũng nhằm mục đích như vậy. Tuy nhiên, người sử dụng nó đã làm cho loại hình âm nhạc này biến tướng.

Thư giãn đâu không thấy, chỉ thấy sau mỗi cuộc vui bằng giàn karaoke “khủng” như vậy, tất cả các “ca sĩ nông thôn” này đều rã rời chân tay do phải nhảy nhót trong nhiều giờ, cổ họng ai cũng bỏng rát do uống quá nhiều bia rượu, hút quá nhiều thuốc lá và gào thét quá to. Sức khỏe bị bào mòn đã đành, túi tiền cũng hao khuyết theo, vì vừa tốn tiền thuê máy móc, vừa tốn bia rượu, đồ mồi và bỏ bê công việc. Oái oăm là, đa số những người tham gia hát karaoke như thế đều là những thanh niên không có việc làm ổn định.

Không đọc sách, xem báo, không truy cập internet để tìm hướng làm ăn, chỉ chăm chăm vào chuyện hát sao cho thật to, gào sao cho thật khỏe... đó là những gì đang diễn ra tại nhiều vùng nông thôn hiện nay. Tết nhứt đến nơi rồi, chuyện hát karaoke càng đậm đặc hơn. Điều ngạc nhiên là, chính quyền hầu như bất lực trong việc chế tài đám “ca sĩ nông thôn” này. Làm phiền hàng xóm như vậy, nhưng cuối năm, gia đình nào cũng được nhận bằng “gia đình văn hóa”!


TRẦN ĐĂNG
 


.