Văn hóa làng nghề

02:01, 13/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo dòng thời gian, nhiều làng nghề truyền thống trong tỉnh không còn hưng thịnh như trước, nhưng nhiều người vẫn giữ nghề như gìn giữ nét đẹp văn hóa cho đời sau.

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ngãi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng với truyền thống cần cù, bàn tay khéo léo đầy sáng tạo của người dân lao động, từ xa xưa đã hình thành nhiều làng nghề. Dẫu một số nghề mai một theo thời gian, nhưng nét đẹp văn hóa vẫn còn đó với những giá trị riêng biệt, có ý nghĩa sâu sắc.

Yêu nghề, nghề không phụ người

Nhắc đến nghề gốm, nhiều người cho rằng nghề đã lạc hậu với thời đại. Các sản phẩm như nồi, niêu, trách, trả, ấm... được làm bằng nhôm, inox, sành sứ cao cấp thay thế vật liệu gốm. Thế nhưng, trong những ngày cận Tết, làng nghề gốm ở các thôn Trung Sơn, Vĩnh An, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) vẫn đỏ lửa thâu đêm.

Những đôi bàn tay khéo léo nhào nặn đất, tạo hình những sản phẩm gốm truyền thống vẫn miệt mài làm việc. Bà Lê Thị Chương ở làng gốm thôn Vĩnh An đang khéo léo hoàn thiện chiếc nồi đất như một tác phẩm nghệ thuật, bảo: “Phải xoay cho đều, tráng cho kỹ. Nồi đất mà chỗ dày, chỗ mỏng là không tốt. Có thể khách hàng không phát hiện, nhưng làm nghề phải giữ uy tín với nghề mới phát triển lâu bền”.

 

 

Làng nghề làm gốm ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ) hình thành từ cách đây 300 năm, nay vẫn tồn tại và phát triển.
Làng nghề làm gốm ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ) hình thành từ cách đây 300 năm, nay vẫn tồn tại và phát triển.

Làng gốm thôn Trung Sơn, Vĩnh An hình thành từ 300 năm trước, xuất phát từ người Chăm. Dẫu trải qua bao thăng trầm, biến thiên lịch sử, nơi đây vẫn giữ nghề gốm truyền thống. Theo các hộ làm gốm lâu năm, từ khâu chọn đất sét, kỹ thuật nhào nặn, tạo hình, chuốt, phơi khô sản phẩm đến việc đốt lửa nung gốm đều phải đúng kỹ thuật, có vậy sản phẩm ra lò mới vừa thanh và chín đều, vừa đẹp lại vừa bền. Nhờ đó làng gốm nơi đây, đã trở thành địa chỉ sản xuất gốm nổi tiếng.

Làng nghề bánh tráng Hiệp Phổ Trung (Nghĩa Hành) cũng có từ lâu đời và được nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ. Hiện nay, mặc dù có nhiều loại bánh tráng được sản xuất bằng máy móc hiện đại, nhưng bánh tráng ở làng nghề Hiệp Phổ Trung vẫn là món quà quê hấp dẫn nhiều người. Bởi, bánh tráng ở đây được làm nguyên chất từ bột gạo, không pha trộn. Qua đôi tay khéo léo của người thợ có nghề, các loại bánh được tráng đều, có vị vừa phải không lẫn vào đâu được.

Làng nghề bánh nổ thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) cũng nổi tiếng, nhờ giữ được hương vị đặc trưng của làng nghề. Từ đầu tháng 3 âm lịch, người làng đã tích trữ nếp thơm, để đến đầu tháng 10 là đốt lò rang nổ, rồi thức thâu đêm lượm trấu, sên đường, gia vị gừng đóng bánh. Những tràng bánh trắng tinh sấy trên bếp than hồng khi ra lò được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh, được nhiều người đón nhận. Trong làng có rất nhiều hộ gia đình trải qua nhiều đời làm bánh nổ. Họ làm nghề không chỉ vì cuộc sống mà còn vì tâm huyết, giữ gìn nghề truyền thống từ bao đời của cha ông như giữ nét đẹp văn hóa riêng của làng.

Xây dựng mỗi xã một sản phẩm

Trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề lâu đời như làng nghề nước mắm Đức Lợi (Mộ Đức); dệt thổ cẩm Làng Teng (Ba Tơ); làm mạch nha, đường phổi, đường phèn ở Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa)... Mỗi làng nghề đều có giá trị riêng, được hình thành từ nét đẹp văn hóa bởi lớp người đi trước. Thông qua các làng nghề, cộng đồng dân cư đã đoàn kết giữ gìn, kế thừa và phát huy những tinh hoa của cha ông để lại. Tuy nhiên, hiện nay một số làng nghề truyền thống đang trên đà mai một. Nếu không kịp thời có giải pháp giữ gìn và phát huy, các làng nghề truyền thống sẽ mất đi trong nuối tiếc.

 

Nghề làm đường phèn, đường phổi ở Quảng Ngãi. ẢNH: BÙI THÁI DŨNG
Nghề làm đường phèn, đường phổi ở Quảng Ngãi. ẢNH: BÙI THÁI DŨNG


Tại Nghĩa Hành, trên cơ sở làng nghề truyền thống, huyện đã và đang hướng đến xây dựng mỗi xã một sản phẩm. Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Bùi Đình Thời cho biết, xây dựng mỗi xã một sản phẩm nhằm hướng đến phát triển kinh tế; đồng thời thông qua đó giữ gìn giá trị sản phẩm như một nét đẹp văn hóa để phát triển lâu bền.

Trên địa bàn huyện có các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng nghề cây kiểng ở thôn Xuân Vinh (Hành Đức); làng nghề bánh tráng Hiệp Phổ Trung (Hành Trung); làng nghề chổi đót (Hành Thuận); chổi dừa thôn Phú Châu (Hành Đức)... Nhờ nét đặc trưng riêng và sự giữ chữ tín của người sản xuất, họ đã làm ra các sản phẩm chất lượng, mang đậm hồn quê. Nhờ đó, những làng nghề truyền thống này đã "sống được" trước tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường.    
                       

Bài, ảnh: MAI HẠ

                  
 


.