Ngày người lính và bài ca người lính

10:12, 22/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có những ngày không bao giờ quên trong đời sống một đất nước, một dân tộc. Và trong tâm hồn rất nhiều người Việt Nam. Một trong những ngày đó là ngày 22.12, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, mà tôi muốn gọi là “Ngày Người Lính”. Bởi, người lính cũng phải có một ngày của mình.

Bao nhiêu thế hệ người lính đã xông pha trận mạc kể từ ngày 22.12.1944 ấy. Như dòng sông bắt đầu từ suối nguồn chảy qua bao thác ghềnh, những thế hệ người lính Cụ Hồ đã hy sinh, đã chịu đựng, đã mất mát, để cuối cùng, có một ngày hòa bình, có một đất nước thống nhất. Đó là điều vô cùng lớn lao, nhưng cũng vô cùng bình dị.

Trong Ngày người lính ấy, tôi nghe lại một bài hát tôi đã nghe bao nhiêu lần, ca khúc “Bài ca người lính” mà tác giả là người đồng môn với tôi ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cố nhà thơ-nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Đó là bài hát kỳ lạ mà lần nào nghe tôi cũng xúc động. Vì sao vậy?

Ảnh minh họa- Internet
Ảnh minh họa- Internet


Vì đó đích thực là bài ca về người lính, nó mãnh liệt mà trữ tình đến đắm đuối, nó giản dị như người lính, nhưng căng đầy xúc cảm như người lính.  


“Đường dài hành quân xa, đi khắp non sông nhà
Ngày ngày quàng trên vai ba lô và cây súng
Chân băng qua gió mưa, đầu đội trời sao thưa
Thân băng qua thép gai vượt làn đạn mưa bay
Ôi tim ta bốc cao lửa thiêng anh hùng”


Nếu bạn đã từng là người lính, nghe đoạn đầu bài hát này, bảo đảm bạn sẽ bị nó cuốn hút. Bao nhiêu kỷ niệm sẽ ùa về, rồi bao nhiêu nhớ thương khắc khoải khi ngoái nhìn lại quê nhà với cha mẹ với người yêu. Tất cả bùng lên qua từng câu hát.

Một đất nước phải trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh, thì nhân vật chính chắc chắn phải là người lính. Tôi lại nhớ đến một bộ phim nổi tiếng của điện ảnh thời Liên Xô-bộ phim cũng mang tên “Bài ca người lính”. Đó là bộ phim kinh điển không chỉ của điện ảnh Nga, mà của điện ảnh thế giới. Tôi nghĩ, nhà thơ Diệp Minh Tuyền đã xem bộ phim này khi anh còn ở Hà Nội, trước khi đi chiến trường, và anh đã bị nó ám ảnh.

Hình tượng người lính Nga trong bộ phim ấy sao mà giống một thế hệ những người lính Việt đã lên tàu vào chiến trường miền Nam đến thế. Chiến tranh, tình yêu, cái chết, và phía sau tất cả những điều đó là sừng sững lặng lẽ một nhân dân, một đất nước trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Người lính ra trận, người yêu của anh đưa tiễn, và người lính hy sinh, và nỗi đau còn mãi sau khi bộ phim đã hết, tất cả nhói vào lòng nhân loại. Diệp Minh Tuyền đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tác phẩm điện ảnh Xô-viết này, khi anh viết ca khúc “Bài ca người lính”. Hãy nghe tiếp đoạn giữa bài ca:


“Bao yêu thương thiết tha, gửi lại người phương xa
Ta đi trong tiếng ca, ngàn đời còn ngân nga
Ôi ta kiêu hãnh sao bước trên đường xa
 Một thời đầy gian lao, chân bước trong chiến hào
Nhìn đồng đội yêu sao, chia nhau từng giây sống
Ta chia nhau hiểm nguy, đường dài dìu nhau đi
Ta chia nhau chiến công và nhường mền đêm đông
Ta đi qua chiến tranh vẫn tươi nụ cười”



 Xin đính chính một chút, trong nhiều bản in ca từ trên mạng, chữ “mền” đã bị viết nhầm thành chữ “mềm”. Dĩ nhiên, cái mền thì nó mềm, mới đắp được, nhưng nó chính là cái chăn, người miền Nam gọi là “mền”. “Nhường mền đêm đông” là một hành động của người lính, của tình đồng đội. Như họ đã nhường nhau chiến công, chia nhau từng giây sống.

Đó là sự chia sẻ vĩ đại của người lính, nhưng nó bình dị vô cùng, bình dị như hành động “nhường mền đêm đông” vậy.

“Bài ca người lính” là một bài ca bất tử.

Một lần nữa, xin nghe lại bài hát ấy trong ngày 22.12, Ngày người lính.

Thanh Thảo
 


.