Truyện ngắn: Thương như sam...

09:10, 31/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Sông sâu nước chảy có nguồn. Con sam có cặp theo luồng nước sông”... Người ta thường gặp những con sam đi theo cặp dưới nước. Sam cái đi trước, sam đực theo sau, bám chặt vào con cái. Thành thử khi sam bị bắt, thường là bị bắt cả đôi...

Sa chưa từng nói với Chung về những cơn sóng dữ trùm phủ cả con thuyền vào những ngày biển động, giông gió bất ngờ. Cũng chưa từng nói với Chung, về những bữa cơm giữa biển, chẳng còn rau xanh, thứ vitamin từ rau, củ, quả duy nhất có trong chén cơm Sa là từ những quả ớt cay xé lòng nấu chung với mực, giúp Sa và các ngư phủ khác ấm người trước những đợt gió thốc ngoài khơi.

Sa chỉ nói cho Chung nghe về những con cá thu, cá ngừ nặng trịch giãy đành đạch trên boong tàu, về những con mực tươi xanh dính câu. Và kể cho Sa nghe về mặt biển êm, lặng sóng như mặt hồ giúp con tàu của Sa bình yên phăng phăng về phía trước. Bởi Sa sợ nhìn Chung cau mày lo âu, sợ nhìn Chung thở dài, buồn buồn ngồi gấp áo, quần, chuẩn bị hành lý cho chồng trước mỗi phiên biển. Sa muốn nhìn Chung cười vui, an yên ở nhà chăm sóc con cái, muốn Chung ngủ tròn giấc trong những đêm mưa gió, bão bùng và tự hào về Sa – một ngư phủ săn cá giỏi bậc nhất ở xóm chài nghèo khó này.

Chung thường hỏi Sa về biển xanh sâu thẳm – nơi Sa lênh đênh, gắn bó với nó còn nhiều hơn trên đất liền. Qua lời kể của Sa, Chung thấy biển quê mình thật đẹp, thật giàu và lấp lánh cá tôm. Chẳng thế mà, chuyến nào đi biển về, Sa cũng dúi vào tay Chung cục tiền toàn tờ xanh, tờ đỏ. Có phiên mấy mươi triệu, có phiên cả trăm triệu đồng...

Số tiền ấy, dư sức để Chung yên phận ở nhà chăm con, vun vén cho gia đình những ngày Sa vắng nhà, chứ không phải cực nhọc buôn thúng, bán bưng như những người phụ nữ khác. Đưa con đi học xong, thời gian rảnh, Chung uống cafe, hàng quán với vài chị bạn thân rồi về nhà lo cơm nước, chợ búa... Cuộc sống cứ thế bình dị trôi qua - hạnh phúc và mộc mạc.

Nhưng ông bà xưa nói chẳng bao giờ sai – “Nhàn cư vi bất thiện”. Nào có ai cứ ở không và yên phận mãi. Chung cũng thế!
 

 


Một ngày không thuyết phục được Chung thì hai ngày, ba ngày... Cứ thế, sau năm lần bảy lượt chối từ, Chung bắt đầu theo các chị em chơi trò đen đỏ. Lúc đầu cũng chỉ nghĩ là đánh cho vui, vài nghìn đồng thì cũng chẳng thấm tháp gì. Rồi dần dà, từ 1 nghìn đồng, 2 nghìn đồng lên 10 nghìn, 20 nghìn, rồi sau đó là tiền trăm, tiền triệu cho mỗi ván đỏ đen. Tiền Sa đưa Chung giữ, cứ thế vơi dần. Mồ hôi, công sức của Sa lần lượt bị Chung ném vào sới bạc, nhưng Sa không hề hay biết...

Mãi đến khi, Sa hỏi Chung tiền. Sa muốn nâng cấp chiếc tàu nhỏ mà mình đang sở hữu, thành tàu lớn để vươn khơi xa hơn. Cũng là lúc Chung thú nhận rằng Chung đã "đốt" tất cả tiền bạc vào trò đen đỏ.

Chung yếu đuối trách móc Sa, rằng tại Sa mải mê đi biển, Chung là phụ nữ, nhưng vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha. Cuộc sống không có trụ cột bên cạnh bảo ban, thành ra dễ bị người ta dẫn đi sai đường. Mẹ Sa thì mắng nhiếc mãi không ngừng đứa con dâu trắc nết. Đã không thương chồng vất vả thì thôi, lại còn lấy hết gia sản ra mà dâng tặng cho người dưng.

Sa cay đắng chạy thật nhanh về phía biển. Ngôi nhà mà Sa từng xem là tổ ấm... Tiếng khóc, tiếng cãi vã của mẹ Sa và vợ Sa cứ thế, càng lúc càng lùi ra xa...

Sa ngồi ngay mé biển. Gió biển, cát biển giúp lòng Sa bớt thổn thức và đỡ nhức nhối hơn. Nhìn cảnh người ta chộn rộn kéo thuyền, kéo thúng vào bờ, nhìn vợ phụ chồng gỡ cá, nhặt nhạnh tôm, cua, tự dưng Sa thấy mắt mình ươn ướt.

Đang ngổn ngang với mớ bòng bong trong lòng, thì Sa giật mình trước tiếng cãi vã ngay cạnh mình. Hóa ra, vợ chồng Huân đi đánh lưới sát bờ, “trúng mánh” được cặp sam. Nhưng cụ Hòa - cao niên ở xóm chài lại can ngăn không cho Huân bán cho thương lái. Lời ra tiếng vào, chẳng bên nào chịu thua.

“Tương truyền sam đi có đôi, có cặp là do ngày xưa có cặp vợ chồng đánh cá nghèo sống chết có nhau rồi hóa thành sam. Ngày xưa, chẳng ai nỡ ăn sam là vì quý cái sự thủy chung, son sắt, chẳng bao giờ tách rời nhau ấy. Vậy mà giờ, chúng bây bắt được, lại không thả về biển, mà tự cho mình cái quyền bán đi?”, ông Hòa tức giận nói như hét.

Sa nghe xong, chẳng biết ông Hòa đang nói về đôi sam, hay nói về Sa và Chung đây. Tai Sa ù đi. Sa chợt nhớ về Chung. Về những ngày Chung tự vác bụng mang dạ chửa lên thành phố khám thai, về những ngày Chung tự mình vượt cạn, vì Sa đi biền biệt quanh năm suốt tháng. Sa nhớ dáng Chung ngồi cặm cụi rang đậu phụng cho Sa cầm theo lên tàu. Nhớ về những mẩu chuyện mà Sa đọc đâu đó trên báo, về những người phụ nữ yếu đuối bỗng một ngày nghĩ quẫn... Nghĩ đến đấy thôi, Sa không dám nghĩ nữa, mà ngồi bật dậy như một cái lò xo rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà.

Thật may! Là Chung vẫn ở đó, trong ngôi nhà của Chung và Sa. Sa từ từ đến bên Chung, nắm lấy tay người mẹ của các con mình rồi bảo: “Thôi chuyện xảy ra cũng chẳng cứu vãn lại được. Để anh bán tàu trả nợ, rồi mình cùng làm lại từ đầu!”

Chung giật mình hỏi Sa: “Chẳng phải con tàu với anh là máu thịt. Anh bán nó đi rồi anh bắt đầu lại từ đâu hả anh?”. “Từ em, từ biển!”. “Anh và em sẽ đi thuyền, đi thúng ven bờ. Anh và em sẽ đi biển cùng nhau”, Sa bảo.

Sa sẽ thương Chung như loài sam. Dù người kia có lỡ lầm, vẫn luôn bên nhau chứ không vứt bỏ. Nhưng từ giờ trở đi, Sa sẽ yêu Chung theo cách khác, Sa sẽ kể cho Chung nghe về biển với những lênh đênh, sẽ cùng Chung bước qua những gập ghềnh. Cuộc sống là thế mà, bảo bọc và nâng niu quá, cũng chưa hẳn là thương...

Ý Thu
 


.