Nỗi niềm chiếu bóng vùng cao

08:10, 09/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các đội chiếu bóng còn mang đến món ăn tinh thần cho nhân dân vùng cao, vùng xa. Tuy nhiên, trước sự phát triển phong phú của các thiết bị nghe nhìn, hoạt động của các đội chiếu bóng vùng cao cũng đang gặp nhiều khó khăn...


Gian nan vẫn nhớ mãi

Hơn 38 năm gắn bó với nghề chiếu bóng trên vùng cao, Đội trưởng đội chiếu bóng huyện Tây Trà Võ Hữu Nam có nhiều kỷ niệm vui, buồn. Với anh, ấn tượng nhất vẫn là những đêm chiếu bóng cho đồng bào Cor, vì với họ mỗi đêm được xem phim là một đêm hội. Tại đây, họ được làm quen với anh em chiếu bóng, cán bộ địa phương, bà con, bạn bè; được giải trí sau những ngày mùa mệt nhọc. Và cũng từ những đêm chiếu bóng vùng cao này mà nhiều mối tình đẹp đã nảy nở nên duyên vợ chồng; siết chặt tình làng nghĩa xóm.

Phương tiện chiếu phim vùng cao.
Phương tiện chiếu phim vùng cao.


Anh Nam nhớ lại: Những đêm chiếu bóng vùng cao, đồng bào mình đến xem đông lắm. Có cả người già miệng nhai trầu, chống gậy, có đôi vợ chồng trẻ mới sinh con vài tháng tuổi cũng tranh thủ đến xem... Nhìn cảnh ấy, anh em trong đội vui lắm. Theo anh Nam, ngày trước đưa được một thước phim đến điểm chiếu mất cả ngày đường. Bởi thiết bị, phương tiện chiếu phim cồng kềnh, lạc hậu. Nào là máy nổ, hệ thống âm thanh và nhiều phương tiện cần thiết khác.

Chỉ riêng máy nổ phát điện, cũng mất cả chục người khiêng. Đường sá thì cách trở, nhiều lúc mưa rừng đổ xuống, đường trơn trượt, anh em sợ máy hỏng nên chịu ướt để lấy áo mưa che phương tiện. Cực nhọc, nhưng anh em trong đội được bà con đùm bọc, yêu thương như người nhà. Nghe có đoàn chiếu phim đến, những thanh niên, phụ nữ trong làng đều ra phụ khiêng, vác phương tiện...
 

Sáp nhập hay giải thể các đội chiếu bóng là công việc hết sức phức tạp. Hiện tại, Sở VH-TT&DL đang phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể theo hướng chuyển giao các đội chiếu bóng về các huyện quản lý; sắp xếp lại vị trí các phòng, thay đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cán bộ, công viên chức Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng để sáp nhập với Trung tâm Văn hóa tỉnh...
Giám đốc Sở VH-TT&DL NGUYỄN ĐĂNG VŨ

Đội trưởng đội chiếu bóng huyện Ba Tơ Thái Ngọc Bình cũng gắn bó với nghề hơn 30 năm. Anh bảo ngày trước làm việc rất vất vả, nhưng bù lại được bà con quý mến, nên ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có những điểm chiếu cách nhau 10km, nhưng vẫn phải đi bộ khiêng máy móc, phông màn đến nơi để chiếu cho bà con xem.


Niềm vui của anh Bình, anh Nam cũng là nỗi niềm chung của anh em trong 7 đội chiếu bóng ở các huyện miền núi và hải đảo của tỉnh. Các anh đã góp phần tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào vùng cao; mang đến niềm vui cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, sau những ngày lên rẫy lao động; góp phần phát triển kinh tế, nâng cao dân trí ở vùng cao.

Nỗi niềm sáp nhập, chuyển giao

Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2025. Theo đó, 7 đội chiếu bóng ở các huyện miền núi và hải đảo do Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (Sở VH-TT&DL) quản lý sẽ phải sáp nhập, hoặc giải thể nếu đánh giá hoạt động không hiệu quả. Biết được thông tin này, thành viên trong các đội chiếu bóng ai cũng có nỗi niềm riêng.

Đồng bào vùng cao xem chiếu bóng.
Đồng bào vùng cao xem chiếu bóng.

Đội trưởng đội chiếu bóng huyện Tây Trà Võ Hữu Nam, lo lắng: Rồi đây bà con vùng cao, vùng xa có còn được xem phim như ngày trước nữa hay không. Theo ông Nam, ngày trước, 4 quý trong năm, đội đều lên kế hoạch đưa phim chiếu cho bà con xem, kết hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ở Tây Trà hiện vẫn còn nhiều người "mê xem chiếu bóng" lắm. Bình quân mỗi đêm chiếu có từ 150 - 200 người đến xem.

Những ngày qua, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh không còn nhộn nhịp như trước. Các phòng sang đĩa video, phòng kinh doanh... đều cửa đóng, then cài. Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Huỳnh Đức Tùng, nói: “Một năm, trung tâm lên kế hoạch cho các đội thực hiện chiếu bóng khoảng 1.200 buổi ở 6 huyện miền núi và hải đảo.

Chừng này mấy năm trước, các đội chiếu bóng lên xuống để sang phim, nhận tư liệu, bàn kế hoạch cho tuyên truyền cuối năm. Còn nay, nghe thông tin chuyển giao, sáp nhập, nên ai cũng lo, vì không biết sẽ như thế nào. Xã hội ngày càng phát triển, phương tiện nghe nhìn phủ khắp, công việc cũng giảm dần, tỉnh sắp xếp theo đề án vị trí việc làm thì cũng đúng thôi”.


 Bài, ảnh: TRƯỜNG AN


 


.