Nhìn lại Liên hoan Văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi – 2017

11:09, 07/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tối 4.9, Liên hoan Văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi - 2017 đã chính thức khép lại. Các chuỗi hoạt động của liên hoan đã để lại cho nhân dân, du khách những cảm nhận sâu sắc về các giá trị văn hóa, tinh thần của di sản văn hóa biển, đảo. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, nên liên hoan lần này chưa thật sự lan tỏa và thu hút sự quan tâm của công chúng  

TIN LIÊN QUAN

Điểm nhấn tại liên hoan lần này là Hội thảo phát triển du lịch Lý Sơn với sự tham gia của nhiều đại biểu, chuyên gia về văn hóa, du lịch...

Sắc màu văn hóa biển, đảo

Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trong vài năm trở lại đây, Lý Sơn trở thành "hiện tượng đặc biệt" về thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Bởi lẽ, giá trị di sản địa chất, cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hóa là những tiềm năng quý giá không phải nơi nào cũng có được. Đây là lợi thế để Lý Sơn phát triển du lịch trong thời gian đến. Tuy nhiên, Lý Sơn phát triển quá nhanh, cần có quy hoạch phù hợp để phát triển du lịch bền vững.

Nhiều tiết mục đặc sắc trong đêm khai mạc liên hoan.                                                                                                                Ảnh: Tr.Phương
Nhiều tiết mục đặc sắc trong đêm khai mạc liên hoan. Ảnh: Tr.Phương


Liên hoan cũng đã đem đến cho người xem 10 tiết mục văn nghệ đặc sắc, lần đầu tiên do các diễn viên, ca sĩ chuyên và không chuyên trong tỉnh thực hiện. Chương trình nghệ thuật được đông đảo người xem đánh giá cao ở tính chuyên nghiệp.

Tại trưng bày chuyên đề “Quảng Ngãi - Di sản văn hóa biển đảo” đã giới thiệu đến người xem 120 hình ảnh, 200 hiện vật và 70 tư liệu về địa hình, cảnh quan vùng biển, đảo Quảng Ngãi; giới thiệu các di sản văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi từ thời tiền sử đến nay, trong đó có 8 văn bản Hán Nôm mới được sưu tầm và toàn bộ dụng cụ làm mắm, đánh bắt cá truyền thống của cư dân ven biển Quảng Ngãi, cùng bộ sưu tập Thạch học khu vực Lý Sơn, Bình Châu... Qua đó giới thiệu đến người xem về nghề chế biến mắm truyền thống ở Đức Lợi. Ông Phan Văn Tỷ (52 tuổi) ở thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi (Mộ Đức), chia sẻ: Qua đợt trưng bày này, hy vọng thương hiệu mắm Đức Lợi tiếp tục vươn xa, góp phần phát triển bền vững nghề chế biến nước mắm truyền thống của địa phương.
 

Các hoạt động triển lãm ảnh chủ đề: “Biển đảo và con người Quảng Ngãi”,  “Quê hương Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”; trưng bày chuyên đề: “Quảng Ngãi - Di sản văn hóa biển, đảo”; trưng bày sách chuyên đề: “Biển đảo Việt Nam và Quảng Ngãi”, kết hợp triển lãm các tác phẩm đạt “Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi”... đã mang đến cho người xem một góc nhìn toàn diện về những giá trị di sản văn hóa biển, đảo của Quảng Ngãi.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Dù được tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Liên hoan Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi - 2017 ngay từ đầu năm, nhưng các ngành chức năng liên quan vẫn chưa thật sự chủ động thực hiện các phần việc theo chức năng. Khâu tuyên truyền, quảng bá cho liên hoan chưa tập trung và có chiều sâu, nên khách du lịch, người dân tham gia còn ít, trong khi liên hoan diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 2.9. Vì thế, dù chương trình nghệ thuật và các chuỗi sự kiện tại liên hoan được chuẩn bị chu đáo, nhưng vẫn thu hút không nhiều người xem.

Tại Giải Bóng chuyền bãi biển nữ tỉnh Quảng Ngãi năm 2017 tại bãi biển Mỹ Khê, với 8 đội đến từ ngành giáo dục và 7 huyện, thành phố trong tỉnh tham gia cũng không có nhiều người đến xem và cổ vũ. Chị Nguyễn Thị Hồng, ở xã Tịnh An cho biết: Giải rất hấp dẫn, song tôi không biết có sự kiện này, chỉ vô tình xuống biển Mỹ Khê nghỉ mát trong dịp lễ 2.9 thì mới đến xem.

Trong khi đó, Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh ở thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) được đầu tư hơn 31,6 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động trong dịp liên hoan này, nhưng vẫn không hoàn thành đúng tiến độ... Từ thực tế của Liên hoan Văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi - 2017, tỉnh cần rút kinh nghiệm để những đợt liên hoan lần sau thật sự mang lại hiệu quả hơn.


PV
 


.