Di sản văn hóa biển, đảo ở Quảng Ngãi:
Những giá trị cần được bảo tồn và phát huy (kỳ 4)

11:09, 02/09/2017
.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 4: Một nhiệm vụ cấp bách

Những giá trị di sản văn hóa biển, đảo đặc sắc ở Quảng Ngãi được hình thành, tồn tại và phát triển gắn liền với cuộc sống lao động, sản xuất của cư dân vùng biển, đảo của tỉnh từ rất lâu đời, được xem là cốt lõi của một nền văn hóa, là tài sản quý hiếm của cha ông để lại. Vậy nên, việc bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Đây cũng là lĩnh vực có thể "đẻ ra trứng vàng", nếu chúng ta biết khai thác một cách hợp lý.


 
Cái đặc sắc trong mỗi một di sản văn hóa biển, đảo ở Quảng Ngãi là nó chứa đựng giá trị văn hóa tinh thần và nhân văn sâu sắc. Đó là bài học về sức mạnh của sự kết nối cộng đồng, về đạo đức làm người, giá trị thẩm mỹ, cách sống hài hòa với thiên nhiên... Đây là thế mạnh để Quảng Ngãi khai thác, quảng bá, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước...

Trăn trở câu chuyện bảo tồn

Từng nhịp điệu, lời ca trong múa hát sắc bùa, bài chòi, bả trạo... rất gần gũi, thâm thúy, nhưng lớp trẻ bây giờ có mấy ai thuộc lời. Vốn di sản này chỉ còn trong trí nhớ của một số ít người lớn tuổi, dù các bậc cao niên cố gắng trao truyền cho thế hệ trẻ, nhưng cũng chỉ có rất ít người theo. Ở xã Phổ An (Đức Phổ), giờ chỉ còn cụ Trần Biểu (81 tuổi) ở thôn An Thạch là am hiểu nhiều nhất về múa hát sắc bùa. Cụ đau đáu với việc trao truyền cho con cháu, nhưng lực bất tòng tâm, trong khi ông giờ "như chuối chín cây", đôi mắt lại bị mù.

 Du khách tham quan Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở huyện Lý Sơn.                                                                 Ảnh: BS
Du khách tham quan Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở huyện Lý Sơn. Ảnh: BS


Thuở trước, nghe ông vừa hát, vừa thổi kèn dân làng đều mê mẩn. Ông Phạm Quốc Việt, cán bộ văn hóa xã Phổ An thở dài: “Múa hát sắc bùa ở Phổ An giờ đang dần mất đi trong nuối tiếc. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị khôi phục, nhưng chưa được, do không có kinh phí”. Cách đây vài năm, cụ Lê Công Lịch (có thâm niên hơn 70 năm gắn bó với nghệ thuật múa hát sắc bùa, được truy tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú) cũng qua đời trong nuối tiếc, vì không có ai ghi chép đầy đủ di sản mà ông biết được trong 70 năm gắn bó.

Giám đốc Sở VH-TT&DL, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, trăn trở: “Cùng với sự mai một của các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, nhiều loại hình tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội của cư dân ven biển cũng không còn nguyên bản, nguyên nhân do chúng ta chưa làm tốt công tác bảo tồn”. Đúng vậy! Dọc các xã ven biển và đảo Lý Sơn hiện nay, nhiều di tích đình, lăng, miếu bị xuống cấp nghiêm trọng, hoặc biến dạng về kiến trúc... Như ở Lý Sơn, các di sản hiếm nơi nào có được thì đang đối mặt với tình trạng bê tông hóa, hoặc khai thác theo kiểu "ăn xổi ở thì". Các thiết chế tín ngưỡng ở vùng biển đang bị pha tạp, cải biên không mấy khoa học; hiếm có người biết xướng văn, biết đánh trống chầu...

 

“Nghĩa địa” tàu cổ đắm hiếm có

Các chuyên gia khảo cổ học nhận định, ở vùng biển Vũng Tàu, xã Bình Châu (Bình Sơn) là “nghĩa địa” tàu cổ đắm hiếm có. Đến nay đã khai quật 2 tàu cổ đắm và 1 tàu cổ được phát hiện, nhưng chưa khai quật. Mới đây, phát hiện thêm một tàu cổ đắm ở vùng biển Dung Quất. Đây là một trong những thế mạnh để Quảng Ngãi phát triển du lịch kết hợp với khai thác các giá trị di sản văn hóa ở vùng biển, đảo của tỉnh.

Trước đây, tại các lăng cá Ông, sau khi tế lễ hoặc nghinh Ông, thường có hát bả trạo, có các trò diễn trước thần linh và một số hoạt động giải trí như đua thuyền, lắc thúng, đi cà kheo... nhưng nay chỉ còn một số ít nơi có hát bả trạo, còn các loại trò diễn khác thì không còn. Hỏi ra thì ai cũng bảo "lấy tiền đâu mà tổ chức". Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, lo lắng: Khi tín ngưỡng mất dần thì tất yếu không gian tín ngưỡng, cơ sở di tích cũng khó mà tồn tại và hệ lụy của thực trạng này là rất lớn.

Để di sản “đẻ trứng vàng"

Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhận định, vùng biển, đảo Quảng Ngãi là “mảnh đất vàng” về di sản. Toàn tỉnh có 66 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó có 8 di tích cấp quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh, 32 di tích được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ. Riêng tại đảo Lý Sơn, với diện tích chưa đầy 10km2 nhưng có đến 50 di tích lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, tại hòn đảo tiền tiêu này có cả một dấu tích đặc sắc không chỉ trong nước mà còn của cả thế giới, do núi lửa phun trào để lại và hệ thống di tích liên quan đến đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải... Những thế mạnh này đã được Quảng Ngãi khai thác đưa vào phát triển du lịch, nhưng chưa thể "đẻ ra trứng vàng" được, do chưa được đầu tư bảo tồn và phát huy các di sản đó một cách bền vững.

Theo tiến sĩ Đặng Hoàng Lan (Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh) thì  với hệ thống nền văn hóa cổ xưa chạy dọc chiều dài ven biển Quảng Ngãi, như văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, văn hóa Việt cổ, cùng với hệ thống di tích văn hóa tâm linh ven biển, đảo khá phong phú và  kho tàng truyền thuyết, chuyện kể, dân ca, lễ hội và thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp... nếu biết kết hợp đầu tư bảo tồn và phát triển du lịch, Quảng Ngãi sẽ là điểm đến không chỉ của khách du lịch mà còn là điểm dừng chân của giới nghiên cứu văn hóa, địa chất, địa mạo trong và ngoài nước...

Lối đi đã mở  

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa biển, đảo gắn liền với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đã được Tỉnh ủy nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển; Nghị quyết về phát triển du lịch-dịch vụ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Nghệ thuật múa hát sắc bùa nếu không khẩn trương có giải pháp bảo tồn sẽ bị mai một trong nay mai. Trong ảnh: Hát sắc bùa trong Lễ ra quân nghề cá Sa Huỳnh (Đức Phổ).                      Ảnh: Trang Thy
Nghệ thuật múa hát sắc bùa nếu không khẩn trương có giải pháp bảo tồn sẽ bị mai một trong nay mai. Trong ảnh: Hát sắc bùa trong Lễ ra quân nghề cá Sa Huỳnh (Đức Phổ). Ảnh: Trang Thy


Theo đó, một trong những nhiệm vụ chủ yếu Tỉnh ủy đề ra là bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và các loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống đặc trưng của cư dân vùng ven biển, hải đảo. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch-dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, một trong những nhiệm vụ chủ yếu là tập trung phát triển du lịch sinh thái biển, đảo, du lịch khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa-lịch sử  vùng biển, đảo của tỉnh. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa trên địa bàn huyện Lý Sơn và vùng phụ cận; hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục đề nghị UNESCO công nhận khu vực Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận là công viên địa chất toàn cầu...

Điều này cho thấy, lối đi đã được vạch đường. Tin rằng, với tiềm năng, lợi thế vốn có, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư ven biển, di sản văn hóa biển, đảo ở Quảng Ngãi sẽ là “con gà đẻ trứng vàng”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đến trước năm 2020 phải được công nhận Công viên địa chất toàn cầu

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, đảo Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận hội đủ các điều kiện để được công nhận công viên địa chất toàn cầu. Di sản địa chất ở đây được hình thành do hoạt động phun trào núi lửa nhiều giai đoạn kế tiếp nhau từ 9 -10 triệu năm đến trên dưới 3.000 năm. Đặc biệt, Lý Sơn có nhiều di sản văn hóa độc đáo, thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, trên đảo có ít nhất 5 ngọn núi lửa được phát hiện...

Phó Chủ tịch mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, giáo sư Nakada (Nhật Bản), nhận định: “Các tiêu chí về di sản địa chất ở huyện đảo Lý Sơn và Bình Châu rất đa dạng về loại hình, đặc biệt hiếm có. Những di sản, môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái là nguồn tài nguyên vô tận của ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi. Đây là điểm mạnh khác biệt so với các khu di sản trên đất nước Việt Nam và của thế giới”.

Tỉnh Quảng Ngãi đang phấn đấu hoàn thiện đề án, để đến tháng 7.2018  trình hồ sơ và chậm nhất đến năm 2020 được UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu ở Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận. Đây là cơ hội để Quảng Ngãi bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên một cách tốt nhất.


NHÓM PV

 


.