Di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở xóm Ốc, Lý Sơn: Cần phát huy giá trị văn hóa

02:09, 06/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện đảo Lý Sơn còn bảo tồn khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh có giá trị... Trong đó có xóm Ốc, một di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn, được phát hiện cách đây vừa tròn 20 năm.

Tôi còn nhớ, mùa hè năm 1997 thời tiết ở Lý Sơn năm ấy vô cùng khắc nghiệt, trời nắng liền mấy tháng không có một giọt mưa, đoàn khảo cổ phải làm việc dưới nắng nóng, cát bụi... Vượt qua những khó khăn, trở ngại về thời tiết và điều kiện khai quật, các chuyên gia khảo cổ làm việc cả ngày đêm và đã thu được những kết quả ngoài sự mong đợi. Trong vòng 33 ngày, tiến sĩ Phạm Thị Ninh và các chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam, phối hợp cùng với các cán bộ của Bảo tàng tỉnh do tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi làm nhóm trưởng, đã khai quật trong phạm vi 72m2. Ngoài ra, đoàn còn đào thêm 2 hố để thám sát, nếu có cơ hội sẽ khai quật tiếp.

 Đồ gốm khai quật tại Di tích xóm Ốc (Lý Sơn), năm 1997. Ảnh: Đăng Lâm
Đồ gốm khai quật tại Di tích xóm Ốc (Lý Sơn), năm 1997. Ảnh: Đăng Lâm


Điều rất ngạc nhiên, nhìn bề mặt của vùng đất xóm Ốc toàn là cát trắng, nhưng càng đào sâu, quan sát từ trên xuống cơ tầng cấu trúc của những lớp đất có màu sắc khác nhau, mỗi tầng xuất hiện các lớp văn hóa cũng khác nhau. Từ vỏ nhuyễn thể đến các hiện vật đồ gốm Sa Huỳnh, hiện vật văn hóa muộn hơn như: Gốm Chăm và gốm Việt có cả đồ sành sứ. Nhìn chung, địa tầng sinh thổ mặc dù có sự khác biệt về chất đất và màu sắc, nhưng không có sự phân cách về tầng văn hóa, chúng tồn tại xen lẫn như một kho tàng văn hóa ở xóm Ốc.

Cuộc khai quật khảo cổ xóm Ốc đã gặt hái được những thành công ngoài sự mong đợi. Đoàn đã phát hiện hàng trăm hiện vật còn nguyên vẹn gồm: Nồi gốm, bình con tiện, bát bồng, hơn 40.000 mảnh gốm, 90 công cụ sản xuất như cuốc, rìu... Các đồ dùng sinh hoạt và sản xuất được ghè đẽo công phu và tinh tế, đặc biệt là khá nhiều công cụ và đồ dùng được chế tác bằng các loại vỏ ốc xà cừ, ốc tai tượng. Ngoài ra, trong hố khai quật còn thu được các hiện vật do người xóm Ốc chế tác bằng các loại xương cá biển như kim xương, mũi tên, khuyên tai và một số đồ trang sức khác...
 

Vào mùa hè năm 1997, được Bộ Văn hóa Thông tin cho phép, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, tiến hành khai quật khảo cổ học di tích xóm Ốc (nằm dọc theo con suối cổ đã bị bồi lấp, thuộc thôn Đông, xã Lý Vĩnh, Lý Sơn). Trước đó, vào tháng 7.1996 và tháng 1.1997, các chuyên viên khảo cổ của Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi và Viện khảo cổ đã khảo sát, thăm dò, thẩm định và được Hội đồng khoa học của Viện Khảo cổ Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi đánh giá cao kết quả đào thám sát, sau đó hai cơ quan đã trình cấp có thẩm quyền xin phép khai quật di chỉ xóm Ốc với tầm quy mô lớn.    

Mặc khác, trong tầng văn hóa ở độ sâu 60cm còn tìm thấy hàng trăm đốt xương sống, hàm răng các loại cá biển có kích cỡ rất lớn, cùng hàng triệu vỏ ốc, vỏ sò, bàn nghiền, chày nghiền, hòn ghè... Trong hố khai quật còn tìm thấy những đồ vật làm bằng thủy tinh, mảnh nhẫn đồng, dao sắt... Nhìn chung, các hiện vật tìm thấy trong hố khai quật đều mang đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh.

Giải mã những hoa văn trên hiện vật khai quật từ xóm Ốc, cho chúng ta nhận biết rằng: Dòng văn hóa Sa Huỳnh chiếm vai trò chủ đạo. Trong các tầng văn hóa ở đây dù có sự dung hợp theo diễn tiến thời gian nhưng yếu tố tiếp biến đã cho thấy sự giao thoa từ sớm đến muộn, từ hẹp đến rộng và từ xa đến gần” của văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa... Và cũng từ những hiện vật khảo cổ học xóm Ốc đã khẳng định thêm mảnh đất Lý Sơn đã được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho con người ở đây những sản vật biển vô cùng phong phú. Người Lý Sơn từ xa xưa không những biết khai thác hải sản ven bờ, mà còn sử dụng phương tiện để vươn khơi đánh bắt, đem lại những sản vật phục vụ cho đời sống của họ. Và cũng từ đây minh chứng rằng từ rất lâu rồi trên đảo Lý Sơn, ông cha ta đã có một thời khai phá, chinh phục thiên nhiên, để mưu sinh, tồn tại một cách sôi động.

Di sản văn hóa Sa Huỳnh là tài sản cực kỳ quý báu của dân tộc ta, không gian của văn hóa Sa Huỳnh được phân bố, trải dài khắp các vùng miền đất nước. Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa lịch sử xóm Ốc ở Lý Sơn, thiết nghĩ các cấp ủy đảng, chính quyền của Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn cần đề ra các giải pháp, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa xóm Ốc.

Trước mắt, cần quy hoạch, đầu tư phục dựng toàn bộ lại hiện trường khu vực khai quật di chỉ xóm Ốc, tiến hành làm hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích, có kế hoạch tôn tạo cảnh quan, môi trường ở đây, tiến tới xây dựng một nhà trưng bày hiện vật khảo cổ về văn hóa Sa Huỳnh ngay trên khu vực xóm Ốc. Cùng với đó, từng bước xây dựng nơi đây thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách, góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch trên đảo.

Cùng với quần thể các di tích và danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống trên đảo Lý Sơn, di tích xóm Ốc chắc chắn sẽ tạo thêm cho hòn đảo này điểm nhấn, có sức thu hút mạnh mẽ du khách thập phương ngày một nhiều hơn.
                                    

                         
Nguyễn Ngọc Trạch


 
 


.