Vẹn nguyên một nét văn hóa ứng xử

06:08, 30/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lý Sơn đã thay đổi rất nhiều, nhất là cơ sở hạ tầng. Dẫu vậy, những nét đặc trưng trong văn hóa ứng xử của người dân vẫn còn vẹn nguyên, khiến nhiều du khách thích thú khám phá, tìm đến với Lý Sơn...

TIN LIÊN QUAN

Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa biển êm, mỗi ngày Lý Sơn đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của con người đất đảo. Trong dòng chảy của sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, nhiều người nghĩ rằng, người dân Lý Sơn sẽ bị giao thoa văn hóa ứng xử qua khách du lịch từ các vùng miền. Nhưng không phải thế, những cách ứng xử chân tình, gần gũi của người chị, người em, bác xe ôm đến những ngư dân, nông dân một nắng hai sương trên đồng tỏi, ruộng hành... khiến những ai một lần đến với đất đảo đều  dâng trào cảm xúc.

Nét văn hóa mộc mạc, gần gũi của người dân Lý Sơn cần được phát huy để thu hút du khách.
Nét văn hóa mộc mạc, gần gũi của người dân Lý Sơn cần được phát huy để thu hút du khách.


“Chưa chắc những sản vật từ biển như vỏ ốc, vỏ sò, nhành san hô... quý hiếm hơn những nơi khác, du khách đến đây muốn mua để làm kỷ niệm cho chuyến đi. Vì vậy mà người bán phải biết chiều lòng khách, bán với giá hợp lý, nhằm tạo ấn tượng trong lòng du khách”, chị Nguyễn Thị Trang chuyên bán các sản vật từ biển ở khu vực cảng Lý Sơn chia sẻ.
 

Để du lịch Lý Sơn phát triển bền vững, ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, huyện luôn khuyến cáo người dân giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Có như thế mới tạo ấn tượng, tạo nét khác biệt đối với du khách.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn LÊ VĂN NINH

Với khách phương xa khi đến vùng đất đảo mà được đón nhận tình cảm chân thành, mộc mạc của người dân bản địa thì đấy là món quà quý. Du khách Phạm Hoàng Sơn đến từ TP.Hồ Chí Minh phấn khởi nói: Tôi rất thích cách ứng xử của bà con nơi đây. Họ rất nhiệt tình, gần gũi, thân thiện, mộc mạc, dễ gần và sẵn sàng giúp đỡ khi khách có nhu cầu. Như có lần tôi tách khỏi nhóm bạn đi lang thang quanh đảo, vô tình đi quá xa mà chưa tìm được xe ôm để trở về thì có một chị đi xe máy dừng hỏi và sẵn sàng chở tôi về nơi tôi đang trọ.

Nhiều du khách trải nghiệm cùng nông dân trên những ruộng hành, tỏi, thấu hiểu sự cực nhọc của người dân đất đảo, nên khi mua hành, tỏi, dưa hấu không lấy tiền dư thối lại, nhưng những nông dân chất phác ấy vẫn một mực dúi lại vào túi khách, với nụ cười đôn hậu. Khi chiều xuống, những em nhỏ nhặt được những con ốc xà cừ từ những gành đá rồi trải ra bên vệ đường bán cho du khách, nhưng không có chuyện chèo kéo gây khó chịu cho du khách.

Tư vấn cho du khách những điểm cần đến.
Tư vấn cho du khách những điểm cần đến.


Dẫu sự nhộn nhịp của du khách ra vào đảo tham quan, nhưng chuyện cướp giật, trộm cắp tài sản của du khách hiếm khi xảy ra. Nhiều gia đình ngủ không cần phải cửa đóng then cài. Mỗi khi ra đồng, xuống bãi biển đều bỏ xe bên vệ đường cả ngày trời mới quay lại lấy. Những hàng quán mở ra phục vụ du khách ngày càng nhiều, nhưng hiếm khi có chuyện chèo kéo khách, lợi dụng đông khách, để tăng giá.

Ngược lại, họ nhiệt tình tư vấn và sẵn sàng đưa khách đến tận nơi chế biến để xem, chọn món mình cần thưởng thức... Bác Ngô Đình Phúc - một bậc cao niên ở xã An Vĩnh bộc bạch: Nét văn hóa ấy được kết tinh trong máu thịt của người dân trên đảo từ bao đời nay. Do địa hình khắc nghiệt, quanh năm hứng chịu bao trận cuồng phong của biển, nên khiến người dân trên đảo xích lại, sống đoàn kết một lòng để vượt qua thiên tai.

Từ cách ứng xử chân tình đó của người dân đất đảo mà du khách đến với Lý Sơn luôn lưu luyến, nhớ về vùng đất đảo có một không hai ở dải đất miền Trung này.  

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

 


.