Truyện ngắn: Tổ yến

04:08, 05/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để có tổ đẻ trứng, bảo bọc cho chim non, chim yến phải dùng chính nước bọt của mình làm tổ. Việc tiết nước bọt của chim yến cũng không dễ dàng gì mà chúng phải xù lông, nhắm mắt, rất vất vả mới tiết được nước bọt lên vách đá...

Nhiều lúc, bà Thao nghĩ, vợ chồng bà cũng không khác loài chim yến kia là mấy. Hai vợ chồng khổ từ lúc trẻ cho đến khi toan về già, gia đình hai bên cũng không khá giả gì để có thể nhờ đỡ. Nhưng nhìn con cái lớn lên trong căn nhà tạm bợ, sợ con mặc cảm với bạn bè, nên hai vợ chồng bà gắng làm ngày làm đêm, từ giúp việc, trồng rau, cho đến phụ hồ... để cất bằng được căn nhà cấp bốn cho con cái có nơi ở tươm tất.


- "Mẹ! Mẹ nghĩ gì mà thừ người ra thế? Sao mẹ chưa cho heo ăn đi, nó kêu la ỏm tỏi nhức cả đầu" - tiếng của Hiếu, đứa con gái lớn của bà Thao vọng ra khiến bà Thao giật mình. “Ừ! Thì mẹ mới đi phụ hồ về mệt quá, nên ngồi cho ráo mồ hôi rồi mới cho heo ăn. À, mà con đã bắc cơm lên chưa?”, bà Thao hỏi.

- "Con đang bận trang điểm để lát đi dự đám cưới bạn. Rảnh đâu mà cơm với nước?"

Bà Thao ừ một tiếng, rồi vội vội vàng vàng đứng lên bê nồi cháo heo mang ra chuồng. Lo xong cho bầy heo, bà Thao lại lật đật xuống bếp nhóm lửa nấu cơm cho kịp giờ. Bữa nay đương vào mùa, chồng bà ra đồng từ sáng sớm để làm thuê cho người ta. Thương ông tuổi đã không còn trẻ nữa, mà vẫn phải mang vác nặng nhọc, nên ngoài chuẩn bị cơm trưa, bà Thao còn tỉ mỉ pha thêm ca nước chanh, để ông về còn có cái mà uống cho đỡ khát.

Cơm nước chuẩn bị xong xuôi, thì ông Hiền về đến ngõ. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, mặt đỏ bừng vì nắng, ông Hiền ngồi thịch xuống hè. “Hè năm nay trời nóng quá bà à! Bà coi dặn mấy đứa nhỏ, có đi ra đường thì trùm bịt cho kỹ vào, kẻo lại cháy sạm hết cả da”. Ông Hiền vừa nói xong, thì nghe tiếng Hiếu dắt xe ra ngõ, nhưng không quên cằn nhằn: “Nắng nóng thế này mà đám với tiệc. Vừa ra đến ngõ đã thấy nắng hoa cả mắt”.

Hiếu đi dự đám cưới bạn. Nghĩa - đứa con gái út thì đi học thêm, nên ở lại ăn cơm luôn với bạn trên trường. Vậy là, bữa cơm trưa chỉ còn hai vợ chồng bà Thao. Thấm mệt sau buổi lao động vất vả, nên cả hai ông bà đều chỉ ăn lưng chén cơm, uống vội chén canh rồi buông đũa. “Bà này! Ráng thêm 1-2 vụ nữa là mình gom được số tiền kha khá rồi. Lúc đó mình dùng số tiền này làm vốn rồi kiếm gì đó mà làm. Chứ gần 50 tuổi rồi, sức khỏe không cho phép bà phụ hồ mãi được đâu!”, ông Hiền bàn.

Gom góp qua mấy vụ mùa đằng đẵng, cuối cùng vợ chồng bà Thao cũng có trong tay 40 triệu đồng. Đang phân vân không biết làm gì với số tiền ấy, thì ông Thương - chủ đại lý thu mua nông sản lớn ở xã mách nước cho vợ chồng bà: “Ông bà cứ mua xe ba gác đi. Mối lái chở hàng không phải lo. Cứ chở rau quả, trái cây cho tôi đây này, mỗi tháng tôi trả ông bà 7,5 triệu đồng”. Được lời như cởi tấm lòng, vợ chồng bà Thao mừng lắm. “7,5 triệu đồng mỗi tháng đâu phải là con số nhỏ, rồi mình còn kiếm thêm mối khác nữa. Chẳng mấy chốc mà thu hồi lại tiền vốn mua xe. Rồi sau đó, cứ thế mà dư”, bà Thao mường tượng.

Nhưng ở đời, hễ cứ nói trước, lại bước không qua. Mới sáng còn hăm hở bàn tính chuyện mua xe ba gác, thì tối về, vợ chồng bà Thao nghe cái Hiếu mở lời: “Ba mẹ. Cả công ty con ai cũng đi xe ga hết rồi! Có ai còn đi chiếc xe số cũ mềm như con. Ba mẹ cho con tiền mua xe đi. Vừa hợp với con, vừa có cốp xe rộng, để bỏ túi xách vào. Chứ đeo túi rồi chạy ngoài đường, người ra giựt lúc nào hổng hay”.

- “Thế xe đó bao nhiêu hả con?”, ông Hiền hỏi. “Thì chừng 37 triệu”, Hiếu ngập ngừng trả lời...

- “Ngần ấy tiền luôn hả con?”, bà Thao giật mình hỏi. "Ngần ấy có là bao. Người ta còn đi xe 50, 60 triệu nữa là...”, Hiếu cãi.

Nói đến đó, tự dưng cả ba người cùng lặng im. Lát sau, ông Hiền bỏ ra sân ngồi hút thuốc, Hiếu thì vùng vằng vào phòng nằm khóc, còn bà Thao, chẳng biết nói gì, cứ vào phòng nhìn Hiếu, rồi lại ra sân lặng lẽ ngồi bên ông Hiền...

Sáng hôm sau, bà Thao nghe ông Hiền điện thoại cho ông Thương bảo thôi đành khất lại dự định mua xe ba gác vài năm nữa. “Con gái vẫn là quan trọng hơn bà à. Nó sống cạnh mình mấy năm nữa đâu, rồi cũng đi lấy chồng. Mười hai bến nước biết sướng khổ thế nào. Thôi thì khi nào còn ở cạnh mình, mình cứ chăm lo cho nó thật đầy đủ”, ông Hiền nói với bà Thao.

Tròn một năm kể từ ngày sắm xe, Hiếu mừng rỡ thông báo với vợ chồng bà Thao rằng cuối năm nay, Hiếu lấy chồng. Nhà trai nghe đâu ở cùng huyện và cũng khá giả lắm! Thỏ thẻ với ba mẹ xong, Hiếu tiếp lời: Ba mẹ xem có vay mượn được ai, để sửa lại cái nhà mình không? Chứ nhà mình xây mấy năm rồi, nên cũng cũ. "Với lại nhà mình thì chỉ cấp bốn, còn nhà trai thì...", Hiếu bỏ lửng câu nói.

Nghe con gái nói vậy, bà Thao cười bảo: “Rõ là con nít mà! Người ta yêu con, lấy con vì thương con, trọng con chứ đã yêu mà ai còn so đo chi chuyện nhà cửa hả con?”. Hiếu lườm mẹ một cái sắc lẹm rồi ngoa ngoắt bĩu môi: “Người ta không so, nhưng con so. Nhà trai, đồng nghiệp, rồi bạn bè đến đây, người ta thấy nhà mình nghèo, người ta xem thường con của mẹ? Con cũng học hành giỏi giang, xinh đẹp đâu thua ai mà chỉ vì nhà nghèo, nên phải lép vế với bạn bè?”

Từng lời, từng chữ của Hiếu rót vào tai bà Thao đau điếng. “Nghèo”, “bị xem thường”... cứ ong ong mãi trong đầu bà Thao. Bà đưa đôi bàn tay chai sần lên ôm lấy gương mặt đầy nếp nhăn, rồi bật khóc nức nở. “Ừ! Phải rồi! Sao mình lại so mình với loài yến. Dù đều giống nhau ở chỗ luôn chắt chiu những gì tinh túy nhất cho con, nhưng tổ yến ít ra còn là một thứ cao lương mỹ vị mà bao người thèm muốn, còn căn nhà cấp 4 đã cũ lại nằm ở con hẻm nhỏ xíu xiu của vợ chồng bà đây, thì ngoài sự xấu hổ và sợ bị xem thường, nó còn mang lại chút giá trị nào cho Hiếu, cho Nghĩa con bà không? Vậy mà, trước giờ bà cứ mỉm cười hạnh phúc và tự hào nghĩ mình đã cố gắng tất cả vì con rồi”...

Rồi bà Thao ước, giá mà tình yêu của vợ chồng bà dành cho con mình, cũng có thể mang ra đong đếm, rồi bán được như tổ yến kia, thì có lẽ, Hiếu - đứa con gái mà bà rứt ruột đẻ ra và nuôi lớn, thay vì xấu hổ, hẳn sẽ tự hào và hạnh phúc lắm!

Truyện ngắn: Ý Thu
 


.