Tiến sĩ Nishimura và những con tàu cổ ở Quảng Ngãi

02:08, 18/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một sự tình cờ đã đưa tiến sĩ Nishimura-chuyên gia khảo cổ học người Nhật Bản đến với những con tàu cổ ở bãi biển Châu Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

TIN LIÊN QUAN

Trong lần đến thăm Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, tiến sĩ Nishimura đã gặp nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dzũ Xênh ở một quán nước ven đường. “Lúc đó tôi bảo đã sưu tầm được các mảnh vỡ của hàng hóa và thân tàu cổ nên muốn mời Nishimura đến nghiên cứu...”, ông Xênh kể.

Ngôi nhà tưởng niệm tiến sĩ Nishimura tại Bảo tàng Lâm Dzũ Xênh – thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn).
Ngôi nhà tưởng niệm tiến sĩ Nishimura tại Bảo tàng Lâm Dzũ Xênh – thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn).


Con tàu cổ có sức hút mãnh liệt đối với Nishimura, và ông đã gác lại nhiều công trình nghiên cứu để đến với mảnh đất Quảng Ngãi.

Sau đó, từ khoảng giữa năm 2011, tiến sĩ Nishimura đã đến Quảng Ngãi nhiều lần, để nghiên cứu tài liệu. Ông đã trực tiếp thống kê, phân loại các hiện vật từ các con tàu đắm, nghiên cứu về nguồn gốc con tàu, hải trình, làm rõ nơi sản xuất của hiện vật, hệ thống hàng hóa, để hình thành một hệ thống tài liệu về hàng hải qua biển Việt Nam cũng như các thương cảng Việt Nam ở thế kỷ 9 (thời điểm ước đoán những con tàu bị đắm).
 

Tiến sĩ Nishimura Masanari (1965-2013) là nghiên cứu viên Đại học Kansai, Đại học Osaka, hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học Việt Nam, Ủy viên điều hành Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương IPPA, sáng lập Quỹ Di sản văn hóa Đông Nam Á, sáng lập Bảo tàng Khảo cổ học cộng đồng tại làng Kim Lan (Hà Nội).

Từ những con tàu đắm ở xã Bình Châu, tiến sĩ Nishimura và cộng sự đã âm thầm trục vớt và sưu tập hàng trăm bao tải cổ vật có giá trị. Ông chia sẻ với vợ, bà Nishio Noriko về ý định tập hợp và hình thành Bảo tàng Văn hóa biển Việt Nam để “kể” những câu chuyện giao thương tấp nập trên bến dưới thuyền tại những hải cảng Việt Nam trong quá khứ. Song tai nạn bất ngờ ập tới khiến Nishimura không thể hoàn thành dự định.

Được biết, tiến sĩ Nishimura là người nặng tình với Việt Nam qua nghiên cứu khảo cổ học. Ông đã từng gắn bó với Việt Nam 20 năm và là người đầu tiên phát hiện mảnh khuôn đúc trống đồng được người Việt sử dụng từ đầu Công Nguyên tại thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh).

Nói đến Nishimura, nhiều người thương tiếc bởi trong một lần ở Hà Nội, chưa kịp quay trở về với con tàu cổ trên đất Quảng Ngãi, ông đã vĩnh viễn ra đi vì tai nạn giao thông vào tháng 6.2013. Tuy nhiên, khi tiến sĩ Nishimura nằm lại trên đất Kim Lan (Hà Nội), một nhóm các nhà khảo cổ học người Nhật Bản đã tập hợp lại để tiếp bước ông, với mong muốn đi đến cùng con đường khoa học về văn hóa biển Việt Nam.

Một hiện vật được tìm thấy từ cuộc khai quật tàu cổ ở Bình Châu (Bình Sơn).
Một hiện vật được tìm thấy từ cuộc khai quật tàu cổ ở Bình Châu (Bình Sơn).


Bà Nishio Noriko - người vợ và là cộng sự thân thiết của tiến sĩ Nishimura cho biết: “Chúng tôi không muốn nhìn công trình của người chồng, người đồng nghiệp, người thầy, người bạn của mình dở dang như vậy. Từ công trình và ước vọng của Nishimura đối với hiện vật con tàu đắm ở biển Bình Châu, Quảng Ngãi, chúng tôi đã tạo ra nhóm Nishimura Project như để hướng về Nishi và đi tiếp con đường tìm kiếm chân lý khoa học mà Nishi còn chưa đi hết. Nhóm Nishimura Project gồm các nhà nghiên cứu: Nishio Noriko, Aoyama Toru (Đại học Ngoại ngữ Tokyo), Kimura Jun, Nogami Takenori...”.

Để bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn của mình với tiến sĩ Nishimura, nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dzũ Xênh đã xây dựng ngôi nhà tưởng niệm tiến sĩ quá cố Nishimura tại Bảo tàng tư nhân của ông ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). Tại đây, bàn thờ tiến sĩ quá cố Nishimura được đặt trang trọng trong ngôi nhà cổ cùng nhiều kỷ vật gắn bó với ông trong quãng thời gian ông ở Quảng Ngãi. Đây cũng là nơi lưu giữ vô số mảnh vỡ thân tàu, các loại gốm sứ mà Nishimura từng nghiên cứu. Mỗi một di vật ở đây ẩn chứa sự linh thiêng, huyền bí như chính bí ẩn chưa được hé mở của những con tàu cổ.
   

Bài, ảnh: Huỳnh Thế


 


.