Qua miền Tây Bắc...

08:07, 03/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 6, theo chân Đoàn Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi có dịp lên Tây Bắc giữa mùa hoa thơm, quả ngọt, đắm chìm trong mây ngàn.

Đặc biệt hơn, về với Điện Biên để nhớ về những ngày tháng hào hùng của dân tộc Việt Nam...

Chuyện về “cây ăn quả”

Trên đường lên Tây Bắc, mỗi vùng đất chúng tôi qua, đều có lễ hội gắn với loài cây trái đặc trưng. Xe vừa đến huyện Vân Hồ (Sơn La), cả đoàn cứ liên hồi “ồ… à” vì bạt ngàn bắp, chè  và mận. Dọc đường, những cô bé Thái Đen ngồi che ô bán mận. Đến Mộc Châu, lác đác vẫn còn hoa tam giác mạch đơm bông. Trên những quả đồi thoai thoải, cô gái Mông đang miệt mài nhổ mạ non. Khác so với người nông dân quê tôi khi ra đồng, các cô gái dân tộc Mông mặc váy áo truyền thống, tóc vấn gọn gàng, xinh tươi như đi lễ hội.

Nhà sàn của người Thái dưới chân đèo Pha Đin (Điện Biên).
Nhà sàn của người Thái dưới chân đèo Pha Đin (Điện Biên).


“Mình biết khách miền xuôi rất thích trải nghiệm trên cánh đồng, nên cố tình mặc đẹp, để cho khách chụp ảnh mà! Ở đây ai cũng mặc đẹp đi làm đồng như thế này cả!” – cô bé Lùng Thị So, dân tộc Mông ở Mộc Châu vừa nhổ mạ, vừa giải thích. Và cánh nhà báo đổ xuống, “diễn” vòng quanh đám mạ với các người đẹp Mông, trước khi vượt đèo cao đến thủ phủ của xoài Yên Châu.

Những băng rôn dọc hai bên đường: “Nhiệt liệt chào mừng quý khách về dự Ngày hội Xoài Yên Châu 2017”, nhưng tiếc thay, ngày hội xoài ấy đã đi qua 3 ngày trước đấy. Bên vệ đường, vẫn vẹn nguyên hàng quán, với những rổ xoài ngồn ngộn quả vàng. Sườn đồi thoai thoải, bạt ngàn xoài, với trái sum suê trên cành.

Cung đường quanh co men theo sườn núi. Ở thung lũng bắp đang mùa trổ cờ. Bắp len lỏi cả vào những hốc đá đen kịt, để đơm bông kết trái. Đất vùng này rộng thênh thang, nhưng vẫn như không có khoảnh đất nào bị bỏ trống, nếu có thể đủ đặt một hạt bắp giống cho nảy mầm.

Ăn cơm với gái Thái

Buổi tối, Hội Nhà báo Sơn La mời cơm chúng tôi tại nhà sàn của Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ ăn uống Nam La. Bên dưới nhà sàn là những khung dệt thổ cẩm và sản phẩm phục vụ du khách. Trên gác là khu ẩm thực người Thái Đen. Quán có sức chứa 300 khách và đêm nào cũng đông nghịt.

Khách ngồi trên tấm đệm mỏng. Chiếc bàn gỗ vừa đủ bày 5 – 7 món đặc trưng của người Thái Đen như măng đắng, dưa leo núi, pín, canh Bôn, nộm chua, thịt trâu nướng ăn với xôi... Tất cả các loại thức ăn đều được nêm gia vị là ớt rừng và thảo quả.

Rời Sơn La khi vẫn còn vương nồng men rượu, chúng tôi đến Điện Biên – mảnh đất có 25 dân tộc sinh sống. Và thiết đãi khách món quý nhất vẫn là “ẩm thực cùng người Thái”. Vẫn những món chế biến từ thịt trâu, phong cách ẩm thực nhà sàn ở bản Ten A, TP.Điện Biên khiến anh em nhà báo Quảng Ngãi say bí tỷ. Cách tiếp chuyện thân tình. Những câu hát ngọt hơn trái cây Tây Bắc. Nụ cười trong mát như nước suối trên ngàn...

Khi tiệc gần tàn, anh phóng viên Đài PT-TH Điện Biên ghé vào tai tôi mách nhỏ: Rượu này là của anh em Đài PT-TH Điện Biên nấu, ủ trong một cái hầm trên núi, cách thành phố khá xa. Có khách lại vào núi mang về đãi. Nghe vậy, dù không biết uống rượu, tôi vẫn tự nguyện mời chủ một ly đầy để ủ chén rượu thân tình ấy vào tâm can. Xong màn rượu là múa sạp, xòe Thái. Lại một phen cánh nhà báo chúng tôi ghi vào tim mình những đặc sắc lúng liếng đến tận cùng của đất trời Tây Bắc...

Nhớ lắm Mường Phăng

Đến Điện Biên, chúng tôi được Hội Nhà báo bạn đưa đi tham quan các di tích lịch sử Điện Biên anh hùng như bảo tàng, nghĩa trang liệt sĩ, đồi A1, sở chỉ huy tướng Đờ-cát-tơ-ri. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi được đưa về bản Phăng– sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tọa lạc trong thảm rừng nguyên sinh rộng 90km2 dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Bản Phăng cách thành phố Điện Biên khoảng 40km, trên đường đi phải qua di tích “Đường kéo pháo”, gắn liền với tên tuổi anh hùng Tô Vĩnh Diện.

  Những cô gái Thái Đen (Sơn La) xuống phố bán hoa lan rừng
Những cô gái Thái Đen (Sơn La) xuống phố bán hoa lan rừng


Cô gái Thái Cà Thị Ninh, thuyết minh của khu di tích này, đưa chúng tôi đi thăm khu rừng nguyên sinh mênh mông, với những lán trại làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái thông với nhau bằng đường hầm bí mật. Câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng lại một lần nữa ghi vào lòng chúng tôi vạn lần yêu kính tướng Giáp, yêu kính những người lính Cụ Hồ...

Lạ thay, trên đường chúng tôi về căn cứ Mường Phăng có rất nhiều trẻ em trong bản đứng hai bên đường vòng tay lễ phép chào và chúc các vị khách có chuyến về nguồn thú vị. Bất kỳ em nhỏ nào cũng sẵn sàng làm hướng dẫn viên của khu di tích đặc biệt này.

Tình nguyện theo đoàn chúng tôi, em Lương Văn Lùng, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Phăng 2, xã Mường Phăng giới thiệu rành rọt về từng di tích. Dừng lại thật lâu bên bếp Hoàng Cầm, Lùng thưa với đoàn: “Khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, căn bếp Hoàng Cầm đỏ lửa để làm bữa cơm liên hoan. Tiệc liên hoan có rượu Pháp là “chiến lợi phẩm” mà quân ta thu được khi quân Pháp bỏ chạy; măng rừng do bộ đội ta hái về và món thịt trâu của người bản Phăng em đóng góp...”.

Lương Văn Lùng tiễn chúng tôi ra hết đoạn đường đá sỏi của di tích Mường Phăng, em còn trao tôi gói củ mài luộc. Em bảo: “Cô chú ăn đi. Đây là lương thực một thời của bộ đội ta. Giờ nó là sản vật của núi rừng  Mường Phăng cháu đấy!".

Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.