Vọng cổ buồn

03:06, 25/06/2017
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai,vn)- Ngày đầu tiên tôi ra Đà Nẵng tháng 6.1975, đã gặp Nguyễn Công Khế và bạn bè tranh đấu của Khế. Lúc đó, Khế là một thanh niên đầy nhiệt huyết, rất hồn nhiên. Tôi, Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai chơi với Khế và bạn bè Khế rất thân thiết. Qua đó, chúng tôi lại phát hiện ra những người bạn chung. Tình anh em giữa tôi, Oanh, (do Mai đã mất năm 1991) và Khế vẫn tốt đẹp cho tới bây giờ, vì chúng tôi chơi với nhau chỉ đơn thuần về tình cảm, và chỉ ủng hộ nhau trong công việc, những việc mà chúng tôi nghĩ là tốt, nên làm.

Khi Nguyễn Công Khế cùng Đặng Thanh Tịnh – bạn thân của Khế, chơi thân với tôi từ sau giải phóng – sáng lập tờ “Tuần Tin Thanh Niên ”, tôi đã nhiệt tình tham gia ngay từ đầu. Tôi viết báo cũng tạm, vì làm nghề này đã có thâm niên, nhưng tôi tham gia vì anh em quý nhau, vậy thôi. Tôi rất thích thú, do ngay từ đầu, “Tuần Tin Thanh Niên ” đã mời được những nhà báo lừng danh như linh mục Nguyễn Ngọc Lan, nhà báo Trần Bạch Đằng… cùng hiện diện trong Hội đồng biên tập.

Có thể ông Trần Bạch Đằng đã “đánh” tôi trong vụ bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình”, nhưng ông là nhà báo giỏi, viết rất có nghề. Còn với linh mục Nguyễn Ngọc Lan, thì đó là một nhân cách lớn, một nhà báo kiệt xuất mà tôi luôn ngưỡng mộ, từ hồi tôi còn ở chiến trường Nam Bộ.

“Thanh Niên” là tờ báo tôi vẫn chung thuỷ với nó cho tới ngày nay. Cho tới lúc nó vẫn chung thuỷ với lý tưởng và mục đích ban đầu của nó. Làm báo ở nước mình cực khó. Và tôi không bao giờ là người cực đoan. Nhưng tôi cảm nhận được cái khó này qua từng bài viết của mình. Thậm chí, qua từng câu chữ.

Nhưng như thế lại có cái hay. Việc gì dễ quá cũng khiến ta hoặc là chán, hoặc là lười. Thiếu áp lực, thiếu những rào cản, nhiều khi người làm thơ làm báo cũng cảm thấy như thiếu một cái gì. Tự vượt mình, và vượt qua những rào cản từ bên ngoài, điều đó thực ra là tốt cho người viết.

Vũ Bằng có cuốn sách Bốn mươi năm nói láo xuất bản ở Sài Gòn hồi chiến tranh, kể về những tháng năm làm báo của mình. Vũ Bằng là một nhà văn lớn, và là nhà báo xuất sắc, đầy cá tính. Sau giải phóng, nghe nói ông mất rất âm thầm ở Sài Gòn. Từ hồi ở R, tôi đã được đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng in nhiều kỳ trên tạp chí Văn. Tôi mê mẩn với những hồi ức của Vũ Bằng về Hà Nội, về món ngon Hà Nội. Về cách sống, nếp sống của người Hà Nội phong lưu ngày xưa. “Tháng tám heo may, chim ngói bay về” – đoạn văn này của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai thật thăng hoa.

Theo tôi, những nhà tu thư nên đưa đoạn văn này vào sách giáo khoa cho học sinh trung học cơ sở đọc. Vì nó hay một cách hoàn hảo. Vậy thôi. Cũng nghe nói, sau khi Vũ Bằng mất rất lâu, người ta bỗng phát hiện ra ông thuộc một nhánh của quân báo VC. Té ra, ông là “VC” từ lúc ở Sài Gòn, mà không ai biết. Dĩ nhiên, trừ người thuộc “đường dây” mà ông tham gia.

Vũ Bằng đã được truy tặng huân chương kháng chiến, truy tặng giải thưởng văn học Nhà nước. Huân chương thì thuộc về công trạng tham gia kháng chiến. Nhưng giải thưởng Nhà nước về văn học là tặng cho nhà văn Vũ Bằng với những tác phẩm để đời của ông, chứ không phải tặng vì ông là quân báo Cách mạng. Điều này phải rạch ròi. Ví dù không tham gia quân báo, Vũ Bằng vẫn là nhà văn lớn.

Trong một lần gặp gỡ với một nhà văn Hàn Quốc đang chống chọi với căn bệnh ung thư và đã dịch Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng ra tiếng Hàn, in ở Hàn quốc, anh nói với tôi : “Tôi mê văn của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai, và tôi đã quyết học tiếng Việt để dịch nó ra tiếng Hàn”.

Dĩ nhiên, anh đã phối hợp với một chuyên gia tiếng Việt là người đồng hương của mình để dịch cuốn sách này. Anh nói với tôi là độc giả Hàn Quốc rất thích Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Đó là một thông tin bất ngờ, không chỉ với tôi, mà còn với nhiều người. Vì độc giả Việt khi đọc Thương nhớ mười hai đều rất thích, nhưng với độc giả các nước khác? Nay thì đã có câu trả lời.

Với nhà văn hay nhà thơ, quan trọng nhất là tác phẩm, chứ không phải những chuyện bên lề, dù những chuyện này có hay tới đâu. Nam Cao đã từng lấy Vũ Bằng làm nguyên mẫu cho một truyện ngắn nổi tiếng của mình, “Đôi mắt ”. Nhưng đó vẫn không phải là Vũ Bằng, mà chỉ là “Hoàng ”, nhân vật của Nam Cao. 

Văn học trong sáng và sòng phẳng. Trong lĩnh vực này, anh tới đâu thì là tới đó. Không ít hơn. Cũng không nhiều hơn. Vì thế, phải hết sức bình tĩnh.

Tôi đã học sự bình tĩnh trong nhiều năm, nhưng tôi biết, đây là bài học không dễ dàng. Có những bài thơ khi mới viết, mình cảm thấy hay. Rồi qua nhiều tháng năm đọc lại, hình như không còn hay nữa. Ngược lại, có những bài thơ ban đầu mình không để ý nhiều, thậm chí mình vứt đâu đó trong những cuốn sổ tay nhỏ.

Bao năm sau, chợt lấy ra đọc lại, như có gì hút mình vào nó, hay một va đập mới từ nó khiến mình bồn chồn. Bài thơ như tự lột xác trước mắt mình. Nó đòi mình phải nhìn nó bằng ánh nhìn khác, chấp nhận nó bằng giác cảm khác. Khi đọc những tác phẩm của người khác cũng vậy. Có người gọi, đó là quá trình đọc lại, và khi đó, mới đúng là đọc.

Trong chiến tranh, có những bài thơ thật giản dị. Nó được viết sau khi người làm thơ có những tình cảm giản dị với nhân dân mình. Những bài thơ bây giờ đọc lại có vẻ như đơn giản. Nhưng nếu hồi đó không lang thang qua chiến tranh, chẳng bao giờ mình viết được nó. Và thơ có nhất thiết cứ phải phức tạp? Đó là một buổi trưa, khi tôi đi vào một ngôi làng sát lộ 4, ngôi làng thuộc quyền kiểm soát của quân Sài Gòn vào ban ngày, và của VC vào ban đêm. Tôi đến buổi trưa, ngoài quy luật, nhưng may mắn trưa đó làng rất êm. Chẳng có quân của phe nào. Có lẽ họ đều đi ngủ trưa cả. Kể cả những quả xoài lúc lỉu trên cành cũng như đang ngủ. Một buổi trưa thật thanh bình, nếu ta không để ý những ngôi nhà vắng chủ và những căn hầm chiếm toàn bộ phần trong ngôi nhà. Chiến tranh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào ở ngôi làng yên tĩnh ấy.

NHỚ


Nhớ về xóm dưới bưng trên
bần thần những ngôi nhà vắng
chòm xoài bóng im trưa nắng
trái ngọt đầy mình ngủ quên
đâu rồi mắt trẻ ngóng lên
đâu rồi tóc em xanh gió
tiếng cười trong như nỗi nhớ
buổi đầu tôi đến làm quen
cây cầu trâm bầu chông chênh
chông chênh như lời em hát
“ví dầu cầu ván đóng đinh ”
ngập ngừng bước chân tôi bước
ngôi nhà cất ở vùng ven
chứa một căn hầm đà chật
thương em tối đầu tắt mặt
chạy từng hột giống bao phân
ruộng nhà cấy độ năm công
nằm giữa bưng sình ngập nước
mình em lo sau tính trước
cho nồi cơm cả gia đình
hai bàn tay nhỏ nước ăn
là hai bàn tay dọn cỏ
là hai bàn tay vãi phân
là hai bàn tay cắt lúa
hai bàn tay nhỏ thương ba
những đêm địa hình pháo dập
thương má quanh năm bệnh tật
một đời gởi hết nơi con
thương anh giặc đày Phú Quốc
bặt tin đã mấy năm ròng
hai bàn tay nhỏ rưng rưng
trong bàn tay tôi thảng thốt

tôi đi cùng trời cuối đất
lòng mãi nhịp cầu chông chênh
day dứt từng đêm câu hát
“ ví dầu cầu ván đóng đinh ”

Vùng ven lộ 4 Cai Lậy 1973

Hồi ấy, chúng tôi gắn bó với nhân dân là như vậy. Rất tự nhiên. Nhiều lúc tôi nghĩ, mình thật may mắn, khi được sống giữa một chiến trường ác liệt như thế, sống giữa sự bảo bọc của nhân dân, chỉ để… làm thơ. Trong khi mình chẳng phải nhà thơ được công nhận. Không ai cấp giấy công lệnh cho mình đi làm thơ cả.

Hơn nửa năm ở Mỹ Tho, tôi viết được khoảng 3 bài báo. Nộp cho cấp trên «tê-lê-tip» về R, còn thì gửi cho báo «Ấp Bắc». Tôi nhớ, thời ấy Mỹ Tho đã có báo «Ấp Bắc», nhưng hình như mỗi năm chỉ ra được vài số. Tôi đã có bài (khá dài) in trên báo «Ấp Bắc» hồi đó, thế cũng coi như hoàn thành nhiệm vụ. 

Nhớ một bản vọng cổ 6 câu viết về chiến trường Nam lộ Bốn « Ai qua lộ Bốn về chốn Ba Dừa / Nhớ chăng tàu chuối đong đưa / Đượm tình quê mẹ những giờ tiến công / Mảnh đất quê hương bom cày đạn xé / Tôi về đây nghe…/ ». Không biết ai là tác giả bản vọng cổ này, nhưng mỗi lần nó được đồng đội tôi ca lên trong những đêm địa hình pháo dập, bao giờ tôi cũng rưng rưng nước mắt.

Vọng cổ buồn, nhưng vọng cổ đi vào lòng người, thấm sâu lắm. Bây giờ, đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, còn hồi đó, vọng cổ buồn đã được những thằng lính loi nhoi chúng tôi cảm nhận bằng cả trái tim mình. Sống đơn giản và hết mình, như một câu vọng cổ.

«có một đêm trong địa hình chật chội
vừa qua cuộc chống càn
Tám Hùng loay hoay căng lại dây đàn
chúng tôi ngồi quanh ngọn đèn vặn nhỏ
lúc điệu lý ngân lên sẽ sàng ngọn gió
những vòm cây bất chợt sững người

tôi nghe máu rần rần chuyển dưới làn da
ngọn đèn nhỏ nhòe đi rồi sáng lại
không ai nói làm sao mà nói
ta bỗng hiểu ngay phút giây này những năm tháng này đây
những gì của ta sẽ biết còn biết mất
trước luồng sáng địa hình bùng tận mắt
soi rất rõ trong đêm – từng gương mặt
và điệu lý thương yêu dâng ngập bầu trời »


(Những người đi tới biển)

Thực ra, nếu bây giờ viết lại, tôi phải viết câu cuối là “và điệu vọng cổ buồn dâng ngập bầu trời ” mới đúng. Vì chỉ có vọng cổ mới hút hồn người Nam Bộ đến vậy! Tôi tuy quê miền Trung, nhưng khi ở chiến trường Nam Bộ, tôi lại rất thích nghe vọng cổ. Thích mãi tới bây giờ. Bởi vọng cổ là điệu hát của lưu dân, của dân lậu dân ngụ, của những người lưu lạc.

Tôi luôn cảm thấy mình trong cộng đồng lưu lạc đó, một cộng đồng đã tồn tại bằng đôi tay và ý chí của mình. Một cộng đồng yêu tự do hơn tất thảy. Một cộng đồng trọng nghĩa, bao dung, nhiều khi như hơi dễ dãi. Nhưng thật lòng. Vọng cổ buồn nhưng không kéo con người xuống thấp, không làm con người rời rã. Một nỗi buồn thanh sạch, đầy chia sẻ. Tôi chọn đi chiến trường Nam Bộ chính vì lý do như vậy. Tôi nghĩ mình thích hợp với cách sống của người nông dân Nam Bộ. Tôi đã không nhầm./.
 


.