Xây dựng đời sống văn hóa mới

07:05, 05/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ một tỉnh trong chiến tranh bị tàn phá nặng nề, 42 năm sau ngày giải phóng Quảng Ngãi bây giờ đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên.

TIN LIÊN QUAN

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, điều đáng mừng là nhiều nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân cư vẫn được gìn giữ, phát huy.

Coi trọng đời sống tinh thần

Thành phố Quảng Ngãi đang phát triển hướng về phía biển, lấy sông Trà Khúc làm trung tâm với nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, thành phố ngày càng quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của người dân. Hiện nay, phường nào cũng có nhà văn hóa. Trên địa bàn, ngoài Thư viện Tổng hợp tỉnh còn có Thư viện thành phố, đáp ứng nhu cầu đọc sách báo, tìm hiểu kiến thức văn hóa, khoa học.

Biểu diễn đấu chiêng của đồng bào Cor tại  Lễ hội điện Trường Bà (Trà Bồng).         ẢNH: TL
Biểu diễn đấu chiêng của đồng bào Cor tại Lễ hội điện Trường Bà (Trà Bồng). ẢNH: TL

Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Trịnh Thanh Tùng cho biết: Thư viện tỉnh bây giờ đã được mở rộng, có nơi chứa sách lưu trữ, có bàn ghế, quạt, thiết bị máy tính kết nối internet phục vụ không chỉ cho học sinh, cán bộ hưu trí mà có cả công nhân, lao động, khách nước ngoài đến tìm hiểu sách khoa học, kỹ thuật, những nét văn hóa con người Quảng Ngãi.
 

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ, bộ mặt nông thôn và đô thị khởi sắc, nhân dân đồng thuận đoàn kết gắn bó, chăm lo sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khỏe, phát triển văn hóa, văn nghệ, TDTT, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho cán bộ, nhân dân trong toàn tỉnh".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh  ĐẶNG NGỌC DŨNG
Vườn hoa Ba Tơ  và các vườn hoa mini luôn được chỉnh trang, trở thành điểm vui chơi cho người dân và du khách. Đường phố được trang trí đèn led, cây xanh, hoa tạo nên nét mới của một thành phố trẻ.

Ở các vùng quê nông thôn, đời sống văn hóa cũng có nhiều đổi thay, mặc dù đời sống vật chất vẫn còn khó khăn. Như ở Phổ Cường (Đức Phổ), sau chiến tranh nơi đây là vùng đất trắng, song bà con đã đồng lòng đoàn kết phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng quê hương ngày một phát triển.
 
Ông Lê Hự, ở khu dân cư số 10, thôn Mỹ Trang là điển hình trong phong trào xây dựng các thiết chế văn hóa của xã. Ông Hự cho rằng, việc xây dựng nhà văn hóa thôn đã giúp người dân có nơi hội họp, giao lưu, trao đổi tâm tư, nguyện vọng, để chung tay xây dựng cuộc sống mới. Năm 2012, ông Hự đã đóng góp cho thôn 30 triệu đồng, để xây dựng nhà truyền thống, nhà sinh hoạt thôn Mỹ Trang. Năm 2014, ông tiếp tục vận động con cháu và bản thân đóng góp 200 triệu đồng, để xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa của thôn và mua sắm các thiết bị. Đến nay, 7 thôn ở Phổ Cường đều có nhà sinh hoạt văn hóa.
 

 

Nhu cầu thưởng thức văn hóa của giới trẻ ngày càng được đáp ứng.
Nhu cầu thưởng thức văn hóa của giới trẻ ngày càng được đáp ứng.


Không riêng gì ở Phổ Cường (Đức Phổ), mà theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 6 Trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, 13 thư viện huyện, thành phố; 450 đội văn nghệ quần chúng; có 40 xã, phường xây dựng nhà văn hóa, hơn 700 thôn, tổ dân phố có điểm sinh hoạt văn hóa...

Chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới

Hình ảnh người dân TP.Quảng Ngãi mỗi sáng sớm tinh mơ hay chiều tối tham gia tập thể dục, vui chơi tại các vườn hoa, quảng trường đã trở nên rất thân quen với mọi người. Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Trần Phước Hải cho biết: Ngoài việc đầu tư xây dựng hạ tầng, thành phố luôn chú trọng tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh trong từng hộ dân cư, từng khu phố. Nếu như cách đây hơn 10 năm, nhiều tuyến phố luôn trong tình trạng ô nhiễm bụi, rác thải thì bây giờ đã sạch hơn nhiều.

Ở các làng quê trong tỉnh, nhiều gia đình đã vun đắp xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục con cháu tập trung học hành, lao động sản xuất, bài trừ các tệ nạn xã hội. Chủ tịch Hội khuyến học xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) Huỳnh Phong là người được biểu dương trong Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh, bộc bạch: Sau chiến tranh vùng quê Tịnh Thọ có rất nhiều khó khăn.

Để giúp con em có điều kiện đến trường học, tôi đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng quỹ khuyến học. Đi đầu, nêu gương cho mọi người, tôi luôn giáo dục con cháu mẫu mực với ông bà, cha mẹ, bà con lối xóm, vợ con sống hòa thuận, thương yêu với mọi người, chú trọng cho con học tập để làm người, có nhân cách tốt, ổn định cuộc sống. Việc làm của ông đã tác động đến nhiều gia đình trong xã. Nhiều hộ gia đình, dù còn nhiều khó khăn vẫn phấn đấu cho con học tập, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng khu dân cư tiên tiến.

Nhà sinh hoạt văn hóa thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức).
Nhà sinh hoạt văn hóa thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức).


Bây giờ ở Tịnh Thọ, nhiều gia đình có con học đại học, cao đẳng ra trường có việc làm ổn định, tiếp tục giúp đỡ con em địa phương. Ông Phong cũng được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, UBND tỉnh tặng 3 kỷ niệm chương, 5 bằng khen, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học. Ủy ban MTTQ Việt Nam tặng 1 kỷ niệm chương vì đã có “Cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.

 Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.