Khắc họa bức tranh văn hóa dân gian cư dân ven biển

10:03, 05/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nội dung cuốn sách: “Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi” của tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ. Đây là một công trình nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp điền dã, thu thập tư liệu trong suốt 10 năm ròng.

Công trình này cho thấy, văn hóa dân gian của Quảng Ngãi nằm trong dòng chảy của văn hóa dân gian Việt Nam, nhưng đa dạng, độc đáo và có sắc thái riêng, đậm yếu tố văn hóa biển...

 

Cái duyên với văn hóa dân gian

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết, năm 1981, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế rồi về giảng dạy tại Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Khi tách tỉnh, ông về Quảng Ngãi công tác tại Nhà xuất bản. Lúc này, ông thấy mình có những lỗ hổng về kiến thức văn hóa của địa phương thông qua cuốn sách Nước non xứ Quảng của Phạm Trung Việt. Vì vậy, ông đã tìm tài liệu, sách để đọc, nhưng lúc bấy giờ hầu như chưa có cuốn sách hay công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian Quảng Ngãi có hệ thống. Thế là ông quyết tâm đi tìm lời giải cho những băn khoăn đó...

Trong quá trình làm việc tại Tạp chí Cẩm Thành, Nguyễn Đăng Vũ được phân phụ trách làm chuyên đề Lý Sơn. Lúc này, ông có nhiều cơ hội lưu lại Lý Sơn và phát hiện đây là một kho tàng văn hóa vô cùng đồ sộ. Được sự hướng dẫn của Giáo sư Tô Ngọc Thanh và GS.TS Ngô Đức Thịnh, ông Vũ đã chọn làm đề tài nghiên cứu sinh theo hướng tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, nhưng tập trung chính là Lý Sơn. Kết quả, ông được Hội đồng chấm đỗ thủ khoa khóa tiến sĩ đầu tiên của Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (nay là Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam). Đầu năm 2003, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, được Hội đồng đánh giá xuất sắc.

Khắc họa dấu ấn đặc trưng

Với công trình nghiên cứu này, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ đã khái quát một cách có hệ thống về cộng đồng cư dân Việt ở Quảng Ngãi nói chung, cư dân ven biển Quảng Ngãi nói riêng. Đó là được hình thành từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu là cư dân vùng Thanh-Nghệ di cư vào, trong nhiều thời điểm khác nhau. Khi ra đi họ cũng mang theo hành trang vốn văn hóa truyền thống của người Việt ở làng quê cũ.

Đến vùng đất mới, họ lại tái tạo vốn liếng mang theo trong tâm thức. Dù là cúng tế cá Ông, tế Bà Thiên Y hay tế ở đình làng An Hải và các lăng miếu khác thì cách cúng tế cũng không khác mấy với cách tế lễ trong các đình làng, lăng miếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Hát sắc bùa Văn Hà, Phổ An cũng là sự tái tạo lại hát sắc bùa vốn một thời của người Việt Bắc Bộ diễn xướng thường xuyên vào dịp Tết, mà dấu vết còn lại qua tục hát súc sắc súc sẻ ở Bắc Bộ, qua sắc bùa Can Lộc (Hà Tĩnh)...

Với bản chất dễ dàng thích ứng với môi trường, hoàn cảnh mới, cộng đồng người Việt định cư trên quê hương núi Ấn- sông Trà, vùng ven biển Quảng Ngãi còn biết phát huy tài trí, năng lực sáng tạo trong các loại hình từ các loại hình tín ngưỡng- phong tục- lễ hội đến nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật diễn xướng, ngữ văn dân gian...

Trong tiến trình du hành phương Nam, người Việt đã phủ thêm những lớp áo văn hóa mới, đó là văn hóa Chăm, văn hóa Hoa và ít nhiều lớp văn hóa của các dân tộc khác. “Trong tổ chức sản xuất và đời sống, người Việt đã học cách làm nghề biển của người Chăm, kế thừa chiếc ghe bầu, kế thừa những giếng vuông... Trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, trong quá trình hòa nhập, cộng cư, người Việt kế thừa mạnh mẽ vốn văn hóa tín ngưỡng- phong tục của người Chăm. Việc thờ tự Thiên Y A Na, thờ cúng cá Ông đang thịnh hành hiện nay ở dọc ven biển cũng đã cho thấy sự tích hợp mạnh mẽ của văn hóa Chăm”, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ khẳng định.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.