Phần thưởng cho niềm đam mê

05:02, 07/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cứ mỗi độ Xuân về, nắng hanh vàng trải khắp nơi nơi, lòng người nghệ sĩ dâng trào những cảm xúc trước thiên nhiên, cuộc sống... để rồi cho ra đời những tác phẩm có giá trị nghệ thuật.

TIN LIÊN QUAN

Người nghệ sĩ không chỉ có góc nhìn thẩm mỹ mà còn phải đam mê, không ngừng sáng tạo và phải lăn lộn với cuộc sống, với nhiều vùng đất...

Gia đình qua góc nhìn nhà điêu khắc

Xuân này, gia đình nhà điêu khắc, họa sĩ Bùi Nam vui hơn, bởi những tác phẩm: “Sinh tồn”, “Hạnh phúc”, “Trong ngưỡng cửa”... của ông khắc họa về một gia đình hạnh phúc yên vui, được giới mỹ thuật ghi nhận và Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá rất cao.

Nhà điêu khắc Bùi Nam giới thiệu về những tác phẩm của mình.    Ảnh: M.Hạ
Nhà điêu khắc Bùi Nam giới thiệu về những tác phẩm của mình. Ảnh: M.Hạ


Mất mát, thiếu vắng tình cảm của người cha ngay từ tuổi thơ, nên nhà điêu khắc Bùi Nam luôn khát khao về một gia đình trọn vẹn. Để rồi, bằng sự tài hoa của mình, nhà điêu khắc, họa sĩ Bùi Nam - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Quảng Ngãi đã thổi hồn vào những khối đá, khối gỗ cho ra đời những tác phẩm điêu khắc về gia đình làm rung động bao trái tim...
 

Với họa sĩ Bùi Nam gia đình hạnh phúc phải có cha mẹ, anh em thương yêu, đùm bọc dạy bảo, che chở nhau và trong đó có sự sinh sôi nẩy nở, sum vầy. Tác phẩm “Trong ngưỡng cửa” là một khối đá được đục khoét thành hai vòng tay của vợ chồng đan quyện vào nhau. Bên trong là một hình khối được khoét thành hình hài đứa bé, ngầm gửi đến mọi người thông điệp: Đối với con cái, cha mẹ là mái ấm luôn mở rộng vòng tay chăm sóc, chở che, vun vén hằng ngày...

Từ năm 2002 đến nay, ông đã có nhiều tác phẩm  khá nổi bật ở các trại sáng tác điêu khắc quy mô quốc gia, quốc tế. Đầu năm 2016, ông tham gia trại sáng tác điêu khắc ngoài trời tại Quảng Trị với chủ đề “Quảng Trị phát triển và hồi sinh”. Đây là chủ đề mang đậm chất lịch sử và khá thời sự, vì đây là một vùng đất chịu nhiều đau thương do bom đạn và nỗi đau ấy đang hồi sinh theo dòng chảy thời gian.

Điều ấy được Bùi Nam thể hiện qua tác phẩm: “Sinh tồn”. Tác phẩm điêu khắc một cây xương rồng có chim về làm tổ đẻ trứng trong thân cây. Giới mỹ thuật đánh giá tác phẩm của ông độc đáo ở chỗ, trên vùng đất cằn cỗi Quảng Trị chịu nhiều đau thương do chiến tranh, nhưng cây xương rồng vẫn vươn lên chẳng khác nào con người Quảng Trị kiên cường. Hơn thế, chim muôn cũng bay về làm tổ, xây dựng mái ấm, tượng trưng cho người dân Quảng Trị.

Năm 2010, trại sáng tác điêu khắc ngoài trời được tổ chức tại Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) với chủ đề: “Hạnh phúc”, ông lại thể hiện tác phẩm: “Cha con bập bênh”. Tác phẩm là một hình khối khắc họa hai cha con chơi bập bênh trong chiều hoàng hôn. Tác phẩm thể hiện sau những ngày bận rộn đánh bắt cá, cha con đoàn tụ sum vầy với nhau bên gia đình ở một làng quê thanh bình trên đất đảo. Thông điệp ông gửi đến người xem là Côn Đảo bây giờ không còn sự hà khắc tù đày của đế quốc, thực dân mà là một vùng quê yên bình, hạnh phúc.

Với Bùi Nam, trong 40 năm sáng tác, số lượng tác phẩm không nhiều, nhưng đó đều là những đứa con tinh thần được giới điêu khắc, hội họa đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ.

Chỉ có đam mê mới thành công

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Tấn Khâm, giáo viên Trường THCS Nguyễn Chánh (Sơn Tịnh). Vốn là một giáo viên Toán, nhưng anh lại đam mê với cái nghề tay trái "nhiếp ảnh nghệ thuật". Sau mỗi giờ lên lớp, anh lại đi đi về về như con thoi trên khắp nẻo đường quê, đến cả núi cao và đảo xa để cho ra đời những tấm ảnh có giá trị nghệ thuật, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem và được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong đó, có nhiều tác phẩm đạt giải cấp tỉnh và khu vực như: Âm vang Hoàng Sa 1, Người Hrê làm lúa nước, Lời nguyện cầu...

 

Một trong những tác phẩm ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tấn Khâm được giới chuyên môn đánh giá cao. ẢNH: NGUYỄN TẤN KHÂM
Một trong những tác phẩm ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tấn Khâm được giới chuyên môn đánh giá cao. ẢNH: NGUYỄN TẤN KHÂM

Năm 2013 được xem là điểm nhấn trong sự nghiệp sáng tác của anh. Khởi đầu là giải Nhất trong cuộc thi ảnh Nhịp sống Biển Đông do Báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2013, với tác phẩm "Âm vang Hoàng Sa 2". Đây là bước ngoặt quan trọng đối với người thầy giáo mê “săn ảnh” khi anh được Báo Tuổi Trẻ mời đi tham quan huyện đảo Trường Sa trong thời gian 12 ngày.
 
Trong chuyến đi ấy, anh đã có dịp trải nghiệm, được gặp gỡ, tiếp xúc với các chiến sĩ và nhân dân ở 11 điểm đảo để rồi tiếp tục cho ra đời những bức ảnh nghệ thuật, những phóng sự ảnh có giá trị như: “Âm vang Trường Sa”- tác phẩm đạt giải C giải Báo chí Đại đoàn kết dân tộc năm 2014 và phóng sự ảnh “Khát vọng Trường Sa” đạt giải B (không có giải A) cuộc thi phụ nữ Việt Nam qua lăng kính nhà báo Việt Nam. Trung tuần tháng 11.2016, nghệ sĩ nhiếp ảnh Tấn Khâm cũng vinh dự nhận giải C giải báo chí Đại đoàn kết dân tộc 2016, với phóng sự ảnh “Sắc màu vùng cao”, với những gam màu mới lạ.


Mai Hạ- Trịnh Phương


 


.