Âm nhạc dân gian vùng biển

04:01, 13/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng biển Quảng Ngãi là nơi có những điệu hát thấm đượm chất dân ca mà nổi bật là hát bả trạo (tức hò chèo thuyền) và hát sắc bùa, để chúc phúc cho mọi nhà trong ngày xuân, cầu mong biển lặng sóng, đánh bắt được nhiều tôm cá cho những chuyến ra khơi đầu năm...

TIN LIÊN QUAN

Bả trạo đưa thuyền ra khơi

Về các làng chài vùng biển Bình Thạnh, Bình Thuận, Bình Chánh, Bình Hải và Bình Dương (Bình Sơn) trong những ngày xuân, du khách sẽ được nghe hát sắc bùa.  Đó là điệu hát dân gian mang sắc thái của biển. Hát bả trạo (hay còn gọi là chèo bả trạo, chèo bá trạo)- hình thức diễn xướng dân ca, nghi lễ diễn ra khi tế cá Ông (cá voi) hoặc khi cá Ông lụy vào bờ. Tuy vậy, theo thời gian, hát bả trạo càng phổ biến hơn, được trình diễn vào dịp cuối vụ đánh bắt, hay đầu năm tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản.

Đội hát bả trạo có 10 đến 16 người, thường là số chẵn. Trong đó, có một người làm “tổng mũi”, một người làm “tổng khoang”, một người làm “tổng lái”, còn lại là các con trạo. Nghệ nhân dân gian Vũ Huy Bình ở xã Bình Thạnh, cho rằng: Hát bá trạo thể hiện lòng tương thân tương trợ của cư dân miền biển, sự tôn kính lòng  biết ơn của ngư dân đối với cá Ông đã giúp đỡ họ vượt qua sóng gió, những hiểm nguy trên biển.

 Hát bả trạo mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Hát bả trạo mỗi dịp Tết đến Xuân về.


Theo thạc sĩ lý luận âm nhạc Văn Thu Bích - Trưởng Văn phòng đại diện của Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Đà Nẵng, hát bả trạo còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó là, những điệu hò và chèo để đưa linh hồn phiêu bạt giữa biển cả mênh mông được về cõi vĩnh hằng. Bản chèo cổ: “Còn ở thế như thuyền dồi sóng dập. Đã thoát rồi như biển lặng trời thanh. Dặm Tây thiên trời cũng để dành. Miền cực lạc Phật còn làm phước” đã thể hiện riêng nét đặc trưng tâm linh của những lần làm lễ cầu ngư.

Sắc bùa chúc phúc đầu năm

Khác với hát bả trạo, hát sắc bùa chỉ diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán. Theo các bậc cao niên miền biển, hát sắc bùa trước đây đều có ở các làng chài ven biển Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ. Tuy nhiên, hiện nay hát sắc bùa chỉ còn ở các làng chài ven biển Đức Phổ như Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ An. Hát sắc bùa thường có 11 người. Trong đó, ông cái quan trọng nhất “chỉ đạo” đội sắc bùa và kiêm chơi trống, một người chơi đàn cò, một người đánh phách, một người chơi kèn tiểu và 6 quân xô là những thiếu nữ từ 12 đến 16 tuổi. Hát sắc bùa bắt đầu từ hát nghi lễ như: Mở ngõ, vào sân, tạ miếu thổ thần, mở cửa, lễ tạ ông bà...

Trong hát sắc bùa điều quan trọng là hát chúc phúc đầu năm, nhằm giúp cho gia chủ xua quỷ trừ tà, tống cựu nghinh tân. Đội hát sắc bùa bắt đầu từ tháng Chạp đến rằm tháng Giêng, đi lưu diễn từng nhà, để chúc phúc.

Bây giờ, trong những ngày cuối năm, ngoài khơi xa ngư dân tất bật kết thúc những chuyến biển thì bên trong làng chài các nghệ nhân đang hoàn thiện những điệu lý, câu hò bá trạo, sắc bùa để biểu diễn trong dịp Tết.

Sớm bảo tồn

Âm nhạc dân gian miền biển được nhiều bậc cao niên ví là hồn cốt của làng chài. Lời ca, tiếng hát, điệu hò từ lâu như sợi dây vô hình cố kết cộng đồng ven biển. Song, nhìn chung loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này đang dần mai một trong đời sống cộng đồng ngư dân ven biển Quảng Ngãi, nhất là lớp trẻ.

Hiện nay, các loại hình âm nhạc hát sắc bùa, bả trạo, bài chòi... chỉ tồn tại ở một số làng chài, với vài người, đôi ba nhóm hát dân ca không chuyên, thể hiện mỗi dịp Tết đến Xuân về, hay có lễ hội cầu ngư... Thời gian còn lại họ lo bươn chải mưu sinh. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian miền biển là điều cần thiết, mà bắt đầu từ những nghệ nhân dân gian. Bởi chỉ có nghệ nhân mới là người truyền lại cho thế hệ sau hồn cốt của làng chài sinh động nhất.

Ngành văn hóa cần tiến hành sưu tầm toàn bộ vốn âm nhạc dân gian miền biển. Trên cơ sở này, phổ biến sâu rộng trong nhân dân và cán bộ những chủ trương liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của diễn xướng dân gian. Mở các lớp tập huấn về công tác sưu tầm các thể loại âm nhạc dân gian và đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn, có niềm đam mê với loại hình nghề thuật này...

Các trường văn hóa, các phương tiện truyền thông cũng nên mở dạy các lớp dân ca dân gian miền biển, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân. Có vậy, âm nhạc dân gian miền biển mới sống được lâu dài trong đời sống cư dân ven biển, để những giai điệu dân ca mượt mà rộn ràng hơn khi Tết đến, Xuân về.


Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.