Thưởng thức vang tươi "Beaujolais Nouveau" tại Paris

04:11, 08/11/2016
.

Thanh Thảo


Có một bài thơ thế này:

“Tôi cần gì ư? Một giọt sữa
Một mẩu bánh mỳ
Và cả trời ấy
Và mây ấy”


Bài thơ của một nhà thơ Nga tôi không nhớ tên, không nhớ quyển sách đã trích dẫn bài thơ, nhưng nhớ là sách do nhà văn Cao Xuân Hạo dịch từ tiếng Nga. Không nhớ cả quyển sách, nhưng bài thơ ngắn thì nhớ. Đủ biết, làm thơ ngắn lợi hại thế nào.

Trở lại với bài thơ ngắn đã trích dẫn ở trên. Thực ra, con người cũng không cần nhiều lắm. Những nhu cầu để sống hóa ra cũng đơn giản. Nhưng con người lại cần rất nhiều “không gian” để sống. “Là cả trời ấy/Và mây ấy” Một nhu cầu gần như vô tận, nhu cầu tự do. Bây giờ, giữa mùa thu cuộc đời, tôi càng thấm thía điều này: những nhu cầu tinh thần bao giờ cũng rộng hơn những nhu cầu vật chất gấp nhiều lần. Và từ những nhu cầu tinh thần, nhân loại đã khai sinh những lễ hội.

Tôi may mắn, trong lần sang Pháp đầu tiên, tháng 11 năm 2003, tôi  được uống một chai rượu vang đặc biệt. Mới nghe vậy, chắc nhiều người nghĩ ngay tới một chai vang đắt tiền mà một số quan chức hay lãnh đạo một số doanh nghiệp nào đó ở xứ ta đã uống ở nước ngoài.

Những chai vang đắt tiền đều là rượu quý, nhưng không phải tất cả các chai vang quý đều đắt tiền. Tôi đã được uống một chai vang quý, nhưng rất rẻ tiền. Mỗi năm, người Pháp, và bây giờ là nhiều nước trên thế giới, được uống chai vang quý này, vào đúng thứ năm một ngày của tháng 11.

Năm đó, tôi sang Pháp dự một Liên hoan Thơ quốc tế, được tổ chức ngay tại kinh thành Paris hoa lệ. Đó là lần đầu tiên tôi được sang Pháp, lần đầu tiên được nhìn thấy Paris “bằng xương bằng thịt” chứ không chỉ nhìn trên ảnh hay trên ti-vi. Xưa nay, kỷ niệm ngày sinh nhật chỉ giành cho người. Nhưng ở Pháp, còn có một “ngày sinh nhật” đặc biệt giành cho… rượu vang.

Đó là ngày thứ 5 tuần lễ thứ 3 của tháng 11 hàng năm. Một ngày sinh nhật đặc biệt, vì nó không bất di bất dịch, cũng tương tự như “Ngày của Mẹ” ở Mỹ. Tôi đã được uống chai rượu vang tươi “Beaujolais Nouveau” đúng vào sinh nhật của rượu vang Pháp, ngày thứ 5 của tuần lễ thứ 3 tháng 11 năm ấy. Đúng vào ngày lễ hội rượu vang, nhưng tôi không tham gia lễ hội vì còn phải tham gia Liên hoan Thơ, may mà được uống vang tươi Beaujolais Nouveau ngay tại quán Foyer Viet Nam( “Mái ấm Việt Nam”) số 80 phố Monge quận 5 Paris.

Vào thời gian ấy, chủ quán Foyer Viet Nam là anh Võ Văn Thận, một chủ quán cơm Việt nhưng đã có bằng đầu bếp của Pháp, và đã từng làm đầu bếp ở một vài khách sạn tại Paris. Nhưng anh Thận có duyên với tôi vì anh còn là một nhà thơ, một nhà thơ thuần Việt với những bài thơ rất dễ thương về quê hương Nam Bộ của anh mà tôi từng sống trong chiến tranh.

Cùng nhà văn Đặng Tiến, với hai giáo sư toán học là anh Nguyễn Ngọc Giao và anh Hà Dương Tường, thoạt đầu chúng tôi tụ tập ở quán Foyer chỉ để ăn cơm quê nhà và đàm đạo chuyện văn nghệ. Nhưng bất ngờ đã xảy ra. Chủ quán Võ Văn Thận dõng dạc tuyên bố với chúng tôi: “Hôm nay đúng ngày sinh nhật… rượu vang Pháp. Vì vậy, tôi xin phép đãi các anh chính cái “nhân vật” mà cả nước Pháp đang làm sinh nhật cho nó. Xin mời!”. Và chủ quán Thận đã mở ngay một lúc mấy chai vang tươi lạnh… hôi hổi.

Vì tôi là người mới, chưa quen kiểu uống vang trong ngày sinh nhật đặc biệt này, nên chủ quán Thận đã chỉ bày cho tôi: anh hãy uống theo đúng kiểu uống vang tươi: uống trong vại lớn, như uống bia tươi.

Cảm giác đầu tiên khi được uống chai vang tươi đựng trong cốc vại nửa lít thật kỳ lạ: cứ như cả mùa nho của nước Pháp ùa vào cổ họng mình. Bao nhiêu là tươi tốt, an lành, mát rượi khiến mình lâng lâng… choáng. Nó khác hẳn với cảm giác khi ta uống rượu vang đóng chai để lâu.

Ngày sinh của một chai vang, lại là ngày tạm biệt những chùm nho chín mọng trên những cánh đồng nho nước Pháp, sao mà đầy cảm xúc! Chỉ trong 10 ngày, từ những chùm nho tươi nguyên quả và nguyên cuống trên những cánh đồng, rượu vang đã được đóng vào chai và phục vụ người sành vang trên toàn thế giới.
 

 

Vang tươi nên rất có thời hạn, muốn bảo quản lâu cũng không được. Tôi nhìn kỹ chai vang tươi Beaujolais, nó thật giản dị, y như sự giản dị của một chùm nho tươi. Vỏ chai không cầu kỳ, cũng không nhãn mác.

Nhưng đó là Mùa Thu nước Pháp! Mùa thu lá vàng rụng đầy mặt đất trên những lối nhỏ trong công viên, cứ như mặt đất bỗng được giát vàng. Nhưng còn màu vang tươi Beaujolais Nouveau thì sao ? Một màu nâu đỏ quyến rũ và sang trọng. Mùa thu với rượu vang tươi thì vui nổ trời ấy chứ! Ai dám bảo mùa thu buồn?

Cả nước Pháp như ngây ngất trong không khí lễ hội, ngây ngất trong mùi vang tươi thân gần và quyến rũ. Và tôi chợt hiểu: chỉ có lao động giản dị, chỉ có người lao động giản dị mới tạo ra được những ngày lễ hội, ngày sinh nhật như ngày sinh rượu vang tươi “Beaujolais Nouveau” ấy.

Với vang tươi, mùa thu nước Pháp không chỉ có lá vàng rụng trên thảm cỏ xanh, mà còn có niềm hứng khởi mỗi năm chỉ đến một lần. Một niềm hứng khởi khi thu hoạch mùa màng, niềm hứng khởi được thăng hoa nhờ…rượu vang. Vâng, chỉ cần “một giọt… vang” ấy, cộng với trời và mây mùa thu ấy, tôi đã được tiếp thêm rất nhiều năng lượng sống.

Bây giờ thì ngay tại Việt Nam, bạn cũng có cơ hội tham dự lễ hội vang “Beaujolais Nouveau”, được tổ chức tại Hà Nội và Sài Gòn. Vào đúng cái ngày thứ năm tuần lễ thứ ba của tháng 11 . Máy bay của Viet Nam Airlines với đường bay thẳng sẽ chuyên chở món rượu vang Beaujolais còn tươi hôi hổi ấy từ Pháp về Việt Nam đúng hẹn.

Những lễ hội văn hóa trên khắp thế giới này đều bắt nguồn sâu thẳm từ lao động, từ niềm hứng khởi mà con người có được khi lao động. Những mùa nho nước Pháp, đó là kết tinh công sức và trí tuệ của người trồng nho, và cũng nhờ thêm vào sự phù hộ của Thiên nhiên, của Trời Đất. Vì thế mới có những mùa nho “trúng”, và những mùa nho “thất”.

Cũng từ đó, mới ra đời những chai rượu vang có in rõ năm sinh. Người sành rượu vang chỉ cần nhìn năm chai vang chào đời là biết ngay chai vang ấy có ngon hay không. Đó âu cũng là một bí mật của tạo hóa. Nhưng dù mùa nho có thế nào, thì mỗi năm cứ đúng ngày thứ Năm tuần lễ thứ Ba của tháng Mười Một, người Pháp và bây giờ là cả thế giới vẫn hân hoan chào đón Lễ hội.

“Beaujolais Nouveau” như chào đón một ngày đặc biệt Hạnh phúc. Hãy tôn vinh lao động như cách người Pháp đã tôn vinh ngày sinh nhật của rượu vang, chúng ta sẽ có được niềm cảm hứng sâu sắc khi lao động. Và xin nhớ, mùa nho chín có được ban đầu là nhờ lao động chân tay, sau đó đồng hành cùng lao động trí óc. Bây giờ thì chúng ta gọi chung đó là lao động. Đó là phép màu có thể khiến chúng ta sống lương thiện và hạnh phúc. Uống một vại vang tươi trong cái ngày sinh nhật rượu vang ấy, có thể nghĩ được nhiều điều.  

Ở Việt Nam, hàng năm đã diễn ra nhiều lễ hội gắn với thu hoạch mùa màng, với cơm gạo mới… Có một lễ hội như vậy, nếu được nâng tầm và biết cách tổ chức, có thể sẽ trở thành một lễ hội giống như lễ hội “vang tươi Beaujolais Nouveau”. Đó là lễ hội cốm.

Nước ta có rất nhiều vùng trồng lúa hàng năm vẫn làm ra món nếp non lúa non giã dẹp-gọi là cốm. Nổi tiếng nhất là cốm làng Vòng (Hà Nội). Nhưng không chỉ làng Vòng biết làm cốm, mà nhiều nơi trong nước mình đều biết làm cốm, đều có món đặc sản tinh túy từ lúa nếp non để dâng cúng hay ăn chơi.

Từ cốm có thể làm ra rất nhiều món ăn hay cả thức uống hấp dẫn. Tại sao chúng ta không tổ chức một lễ hội cốm hàng năm thật hoành tráng, bắt đầu từ làng Vòng ? Đó là nơi cho món cốm trong cả nước tụ hội về, thể hiện những nét riêng của mỗi vùng trồng lúa.

Và những sản phẩm phong phú từ cốm cũng sẽ được góp mặt trong lễ hội này, một lễ hội tôn vinh nghề trồng lúa nước, tôn vinh hạt lúa từ bản thể của nó. Màu xanh non của cốm cũng là màu sắc rất đặc trưng của hy vọng, của yêu thương, của trẻ thơ. Một lễ hội như thế sẽ vừa thiêng liêng, vừa dân dã và rất nhân văn./.
 


.