Thầy giáo nghệ sĩ

09:11, 21/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi gọi anh là “thầy giáo nghệ sĩ”, bởi nghề nghiệp chính của anh là một nhà giáo được học trò tin yêu, đồng nghiệp quý mến. Nhưng, anh có một niềm đam mê vô tận đối với nghệ thuật nhiếp ảnh, để rồi mày mò sáng tạo nên những tác phẩm để đời và đạt giải tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật không chỉ trong tỉnh mà cả quốc tế.

Anh chính là Nguyễn Tấn Phát (1973), hội viên Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh Quảng Ngãi, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hiệp (Bình Sơn).

Niềm vui nho nhỏ

Dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, anh Phát có thêm một niềm vui... nho nhỏ mà không phải đến từ nghề “gõ đầu trẻ”. Đó là tại cuộc thi ảnh quốc tế ISF World Cup 2016 lần thứ năm do 5 quốc gia Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Macedonia và Việt Nam đồng tổ chức mới đây, anh Phát gửi tham gia 8 tác phẩm, trong đó có tác phẩm đoạt giải cao.

“Những tác phẩm đoạt giải lần này mình chụp cũng lâu rồi. Bố cục, nội dung ảnh cũng tương đối, nhưng có một cái không kém phần quan trọng là ảnh gửi dự thi đúng đề bài (chủ đề) ban tổ chức đưa ra, cộng với một chút may mắn nữa”, anh Phát chia sẻ.

 

Tác phẩm
Tác phẩm "Trong nắng mai". ảnh: TẤN PHÁT


Cuộc thi ảnh quốc tế ISF World Cup 2016 là cuộc thi ảnh kỹ thuật số quốc tế trực tuyến do ISF (Image Sans Frontière – Hình ảnh không biên giới) tổ chức. Việc chấm ảnh được thẩm định cùng một thời điểm tại 5 quốc gia (Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Macedonia, Việt Nam) với 5 ban giám khảo độc lập.

Cuộc thi này được tổ chức 2 năm một lần cho tất cả các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới. Ngoài các giải thưởng dành cho hai thể loại tự do (đơn sắc và màu), mỗi salon còn có 7 huy chương bạc của ISF tương ứng với 7 nội dung: Nhân văn, chân dung, du lịch/phóng sự, phong cảnh, thiên nhiên (động vật hoang dã, thực vật trong môi trường tự nhiên), thể thao và sáng tạo.

Ba tác phẩm đạt giải của Nguyễn Tấn Phát gồm: “Trong nắng mai”, đoạt giải đặc biệt chủ đề về con người và thiên nhiên (tại Pháp); “Bà cháu” đoạt huy chương bạc chủ đề nhân văn (tại Tây Ban Nha) và tác phẩm “Bếp quê” được trao bằng danh dự IUP RIBBON (tại Việt Nam). Ngoài đoạt giải với 3 tác phẩm trên, trong số 8 tác phẩm mà anh Phát gửi dự thi tại 5 quốc gia đã được ban tổ chức tại các nước chọn ra 16 tác phẩm để trưng bày, triển lãm tại cuộc thi.

Niềm đam mê nghệ thuật

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi năm 1995, anh Nguyễn Tấn Phát về giảng dạy tại Trường Tiểu học Bình Hiệp. “Nghề giáo đối với mình là niềm ước mơ từ nhỏ, thuở cắp sách đến trường và mình gắn bó với nó như là định mệnh. Cả vợ mình cũng làm nghề gõ đầu trẻ (giáo viên mầm non). Còn nhiếp ảnh nghệ thuật đến với mình là một cơ duyên tình cờ.

Vào những năm 1997 - 1998,  sau khi được xem những tác phẩm ảnh đẹp của các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng như Lê Hồng Linh, Bùi Thái Dũng... mình bắt đầu đam mê và sau đó tự mày mò học hỏi chụp ảnh. Ban đầu là chụp ảnh bằng máy cơ, rồi cắt phim ra đi rọi và gửi cộng tác với một số tờ báo, rồi sau đó được anh em trong giới chụp ảnh góp ý thêm và gợi ý gửi đi dự thi...”, anh Phát kể lại.

Năm 2000, anh Phát có tác phẩm “Vòng tròn công nghiệp” đoạt giải nhì cuộc thi ảnh báo chí và nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ I. Những năm sau đó, vì nhiều lý do khác nhau nên anh không tham gia được vào lĩnh vực ảnh nghệ thuật, đây cũng là giai đoạn hoạt động nhiếp ảnh chuyển từ chụp bằng máy cơ sang máy kỹ thuật số.

Đến năm 2010 anh mới bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu để tham gia sáng tác ảnh nghệ thuật bằng máy ảnh kỹ thuật số. Từ đó trở về sau anh có nhiều tác phẩm được chọn triển lãm trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Đến năm 2012, tác phẩm “Trò chơi” của anh đoạt giải ba cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ III.

Tiếp đến, tháng 10.2013 anh có tác phẩm “Chuẩn bị cho vụ trồng rừng” đoạt giải nhì cuộc thi ảnh “Sống xanh” do Báo Tuổi trẻ và Ngân hàng Phương Đông phối hợp tổ chức. Năm 2014, tác phẩm “Vào vụ mới” của anh đoạt giải ba cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ IV và mới đây là tác phẩm “Nắng mai” đoạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ V năm 2016.

Đặc biệt, với ba giải thưởng và 16 ảnh được triển lãm trong cuộc thi ảnh quốc tế ISF World Cup 2016 nói trên, anh đã tích lũy thêm vào “bộ sưu tập” của mình không những giải thưởng, mà còn nhiều kinh nghiệm quý trong hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật.

Chỉ có niềm đam mê cộng với sự tinh tế, sáng tạo và chịu khó mới tạo nên được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Anh Phát là một trong những người như vậy. Có những hôm, tranh thủ thứ 7, chủ nhật anh dậy từ 3 giờ sáng, chạy xe máy xuống tận vùng biển để ghi lại cảnh bình minh khi mặt trời vừa ló dạng trên mặt biển, còn ở phía bờ ngư dân nhộn nhịp í ới gọi nhau đón tàu cá trở về. Hay những hôm chạy xe máy trên 100km lên các huyện miền núi Tây Trà, Sơn Tây, rồi xin bà con cho ngủ nhờ qua đêm để rạng sáng hôm sau dậy chụp cảnh ruộng bậc thang trong nắng sớm, hay các bản làng nằm nhấp nhô giữa núi đồi mây trắng giăng phủ...

PHẠM DANH

 


.