Kiềm chế và… điếu văn

08:06, 30/06/2015
.

*Thanh Thảo      


Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam
Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam

(Baoquangngai.vn)- Ai cũng khen Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam- tổ chức được hội nghị văn học quốc tế tại Hà Nội, mời được tới 150 nhà văn từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự cùng các nhà văn Việt Nam, là quá giỏi.

Đúng là giỏi thật, vì chỉ chuyện lo ăn ở cho đại biểu đã là chuyện không hề nhỏ. Rồi còn vô số chuyện phát sinh phải giải quyết, nhưng xem ra ông chủ tịch Hội nhà văn làm ngọt xớt, giải quyết đâu ra đó, mà “không một điều gì bị lãng quên”. Nhưng còn vế “không một ai bị quên lãng” thì dù chủ tịch Hữu Thỉnh đã chu đáo đến mức khó chu đáo hơn, nhưng vẫn có những nhà văn Việt Nam bị quên… mời tham dự hội nghị.

Thế là có chuyện. Nhưng, cũng phải nói, tôi chưa thấy lãnh đạo nào của Hội nhà văn mà mát tính hơn Hữu Thỉnh. “Xin hết sức kiềm chế!” đó là câu nói cửa miệng của anh mỗi khi gặp những đám cãi nhau, những tranh luận quyết liệt có cơ chuyển từ đối thoại sang đối… thụi. Vào những lúc ấy, mới thấy cái mát tính của Hữu Thỉnh phát huy tác dụng.

Nhà văn của ta, ai cũng biết, là những người đầy cá tính, không dễ chịu đựng, còn dĩ nhiên, họ là những người lợi khẩu trong bất cứ cuộc tranh biện nào. Tôi chưa thấy Hữu Thỉnh tranh luận, chỉ thấy anh nhẹ nhàng thuyết phục và tìm mọi cách để “tháo gỡ” ách tắc, cả bế tắc. Người như thế thật quý, nhưng thật khó bắt chước. Nhiều chuyện, nếu là tôi, tôi đã tung hê tất cả, và mặc xác! Nhưng Hữu Thỉnh vẫn kiên trì, vẫn thơm mát, vẫn coi những chuyện khó giải quyết là chuyện nhỏ, mà lớn hơn con thỏ.

Đúng là một “Andy thơm mát” dù tuổi anh đã quá thất tuần. Cứ tưởng Hội nhà văn không có việc gì làm, nhưng từ nhiều năm nay, Hội đã làm được bao nhiêu việc. Người như thế, cứ ngỡ không ai chê bôi gì nữa, vậy mà Hữu Thỉnh vẫn nhận được những ý kiến phản biện ngang với những ý kiến khen, và nhiều ý chê cũng hết sức xác đáng.

Thì, xưa nay vẫn “nhân vô thập toàn”, nhưng có điều, trước những ý kiến chê bôi phản biện, tôi chưa thấy lần nào Hữu Thỉnh trực tiếp nổi giận. Anh có sức nén thật ghê gớm! Rồi về sau, nhiều khi đến mấy năm hay cả chục năm, đột nhiên trong một cuộc vui không ai chê anh cả, Hữu Thỉnh chợt… đùng đùng nổi giận. Thấy chưa! Thì ra ai cũng có giới hạn của sự chịu đựng, của kiềm chế. Ông này cũng có những nỗi uất ức riêng cần được giải toả một lúc tình cờ nào đó.

Nhưng cũng nhờ biết kiềm chế tới mức gần thượng thừa như vậy, mà Hữu Thỉnh lại làm được một việc lớn, một việc xưa nay chưa có vị Chủ tịch Hội nhà văn nhiệm kỳ nào làm được. Đó là viết điếu văn cho những nhà văn quá cố.

Đúng là trong thiên hạ đã có nhiều người viết điếu văn, nhưng tôi bảo đảm, ở Việt Nam này, chưa và sẽ không có ai viết được hàng trăm điếu văn như Hữu Thỉnh. Mà không một điếu văn nào giống điếu văn nào. Và chỉ viết điếu văn cho một đối tượng: Đó là các nhà văn vừa quá cố.

Sự qua đời của nhà văn, nhất là nhà văn lớn, nhà văn nổi tiếng, hay đơn giản chỉ là nhà văn thôi, thì đối với xã hội đã là một thông tin gây sự chú ý. Có thể hơn cả sự chú ý, là nỗi tiếc thương. Được viết điếu văn cho “đối tượng đặc biệt” ấy không phải chuyện dễ. Anh phải là người, hoặc thân thiết với đối tượng, hoặc có thẩm quyền và có trách nhiệm viết và đọc điếu văn trong đám tang của đối tượng.

Hữu Thỉnh vốn có thói quen quan tâm đến tất cả các nhà văn trong Hội nghề nghiệp của mình, nhất là các nhà văn cao tuổi hay các nhà văn bị ốm đau, nên có thể nói, trước khi viết điếu văn về một nhà văn nào đó vừa quá cố, Hữu Thỉnh đã có trước đó những quan hệ chân tình và đầy quan tâm với nhà văn ấy, ít nhất là đủ cho anh có thể viết một cách thật lòng về người quá cố. Phải có cái tình trước đã, thì điếu văn mới không phải là “bản báo cáo thành tích” hay những lời ngợi ca đãi bôi sáo rỗng.

Rất nhiều điếu văn của Hữu Thỉnh viết cho các nhà văn quá cố là “cái quan luận định” về sự nghiệp văn học của nhà văn ấy. Nhiều điếu văn là những bài nghiên cứu thu gọn tuyệt vời. Quả thật, điếu văn nếu viết cho “tới chữ” là một thể loại văn học đặc biệt. Nguyễn Đình Chỉêu chẳng đã từng bất tử với một điếu văn bất hủ “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” đó sao? Đọc những điếu văn của Hữu Thỉnh viết và đọc trong những đám tang của đồng nghiệp, thấy hiện rõ cái tình thật, cái hiểu thật, cái xúc cảm thật của người viết. Và những nhận xét mang tính tổng kết về tác phẩm cả đời sáng tác của nhà văn cũng được Hữu Thỉnh đưa một cách trân trọng vào điếu văn. Tôi có nói đùa với Hữu Thỉnh là bây giờ anh được các lão nhà văn ủng hộ hết mình, vì lý do gì thì anh đã biết. Dĩ nhiên, các nhà văn trẻ cũng yêu mến Hữu Thỉnh dù không phải vì lý do anh viết… điếu văn hay.

Các nhà văn trẻ còn xa với thể loại văn học đặc biệt này lắm. Chính Hữu Thỉnh có lúc đã tâm sự với tôi là anh muốn xuất bản một “tuyển tập… điếu văn”-gồm những điếu văn anh đã viết cho đồng nghiệp-để như một kỷ niệm, lại như một lời tri ân về những đóng góp của các nhà văn đã quá cố cho sự nghiệp văn học Việt Nam. Anh cũng muốn, qua những điếu văn chân thành mà mình đã viết, gửi một thông điệp: các nhà văn nói riêng, và con người nói chung, hãy thương yêu nhau khi đang còn sống, hãy thương yêu nhau trước khi quá muộn.

Vì lẽ đó, phần quan trọng nhất của điếu văn, là gửi cho những người còn đang sống, như một thông điệp về tình yêu thương, về lẽ sống ở đời. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã làm được điều đó. Biết kiềm chế như Hữu Thỉnh cũng “đáng đồng tiền bát gạo” chứ ạ?  

 


.