Nhớ thầy Trường Lưu

06:05, 24/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi nghe nhà văn, nhà nghiên cứu Trường Lưu mất, rất nhiều anh chị em công tác văn hóa, văn nghệ, báo chí của tỉnh Quảng Ngãi hết sức bàng hoàng, và tiếc thương, dù biết rằng ở cái tuổi ra đi, vĩnh biệt thế giới của ông là điều mà nhiều người mong mỏi.

Với chúng tôi, ông mất đi, không chỉ mất một người có nhân cách lớn, có tâm huyết, uy tín với quê nhà mà còn là mãi mãi mất đi một di sản văn hóa, văn nghệ của một thời kỳ văn nghệ khu 5 rạng rỡ tại quê hương Quảng Ngãi gắn liền với những tên tuổi, như Tế Hanh, Vân Đông, Đường Ngọc Cảnh, Nguyễn Viết Lãm, Phan Huỳnh Điểu... Bởi di sản đó vẫn còn trong ký ức của ông, dù ông đã cố gắng ghi chép trong đôi bài viết gửi về quê nhà in trên tạp chí Cẩm Thành, tạp chí Sông Trà.

Tôi cũng như nhiều anh chị em làm văn hóa, văn nghệ ở Quảng Ngãi hiện nay hân hạnh gặp được ông không lâu lắm, cách đây chừng vài chục năm về trước, qua những lần ông về quê cùng cô Phương và gia đình; và cả những khi, thi thoảng gặp ông ở Hà Nội, được ông mời về nhà ăn cơm trên căn hộ ở 57 Lương Ngọc Quyến. Rồi có lần, cũng cách đây khá lâu, nhưng tôi luôn luôn ghi nhớ, đó là lần tôi may mắn được ngồi bên ông cùng GS Phương Lựu, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm tại nhà GS Phương Lựu tại Cầu Giấy, Hà Nội. 3 ông Quảng Ngãi, nói rặt tiếng Quảng Ngãi, dù xa quê nhà đến hơn nửa thế kỷ, người sống Hà Nội, người ở Hải Phòng.

Suốt cả buổi, cả 3 chỉ kể về thời chống Pháp làm văn nghệ ở khu 5, mà lúc đó thủ phủ của văn nghệ khu 5 là thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) và thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa), đều là những thị trấn nhỏ, nhưng khá sầm uất thời ấy ở quê hương núi Ấn – sông Trà. Riêng ông còn kể về thời kỳ làm báo Tiền Phong Quảng Ngãi xuân Canh Dần, 1950, về những tờ báo, tạp chí xuất bản ở Quảng Ngãi thời kỳ đó, như Tiếng Vang, Chơn Độc Lập, Cẩm Thành tạp chí… và cả Giải thưởng Phạm Văn Đồng.

Rồi thì 3 ông còn hỏi tôi về chuyện quê nhà, về chuyện Khu Kinh tế Dung Quất, cả về chuyện báo chí, văn nghệ của tỉnh…Đó là một hội ngộ, với tôi, rất đặc biệt. Tôi luôn ân hận vì lúc đó mình đã không có điều kiện ghi âm hay quay một vài đoạn phim cuộc hàn huyên hôm ấy, bởi sau đó thì nhà thơ Nguyễn Viết Lãm mất (và giờ là ông). Sau đó ông có về quê thêm vài lần nữa, lần nào cũng chỉ ở cái nhà khách Ủy ban tỉnh dù chúng tôi cố mời Thầy (như cách tôi vẫn gọi ông bằng sự tôn trọng, dù tôi không được học ông trên lớp, nhưng ông cũng đã chỉ bảo tôi nhiều điều khi tôi làm luận văn tiến sĩ) và cô Phương ở mấy chỗ khá hơn.

Tôi nhớ, ông có nói rằng, nếu sau này có mất đi thì ông muốn được về nằm yên nghỉ tại quê nhà. Có lẽ điều đó giờ đây cũng sắp thành hiện thực, bởi sau tang lễ của ông, tôi có hỏi anh Mai Phương Bắc, con trai trưởng của ông, có lẽ cuối năm nay sẽ đưa nắm tro tàn sau hỏa táng của ông về an táng tại quê nhà. Đó là làng Sung Tích (nay là xã Tịnh Long), một làng quê nổi tiếng đẹp, thơ mộng, bên dòng sông Trà, có lễ hội đua thuyền truyền thống hàng mấy trăm năm nay vào mỗi dịp xuân về, có Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cho những binh phu đi Hoàng Sa mà nhiều trai tráng thuộc bậc cha ông của ông ở làng Sung Tích và nhiều làng quê ven biển Quảng Ngãi, ở đảo Lý Sơn, đã một đi không trở lại dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn.

Trước đây, tôi cứ tưởng chỉ Lý Sơn mới có làm Lễ Khao lề, nhưng khi tôi đi về quê ông, khi tìm ra bài văn tế Khao lề từ một gia đình họ Diệp ở làng Sung Tích thì tôi mới hiểu ra điều đó. Tôi có hỏi ông về chuyện này, ông cũng cho biết là ở quê ông cũng đã từng có nhiều người đi Hoàng Sa, và cũng đã từng làm Lễ Khao lề. Anh Lương Hồng Quang, PGS, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cũng là người quê làng Sung Tích, sau này đã xác nhận thêm điều đó. Những ngày ông về quê, có lúc làng Sung Tích đường bùn lầy lội, lụt lên tận nóc nhà, có chút ít tiền còm từ nhuận bút ông gửi tặng bà con nghèo khó.

Bây giờ thì làng Sung Tích của ông đã có con đường rộng hàng chục mét ven sông, điện sáng rực mỗi đêm chiếu xuống dòng sông Trà thơ mộng, chạy xuống tận bãi biển Mỹ Khê, nhưng ông mãi mãi không được nhìn thấy con đường này nữa, không được nhìn thấy quê nhà đã có quá nhiều thay đổi. Bao nhiêu lần ông ước ao về quê một lần cuối cùng để yên tâm nhắm mắt, như những lần ông nói với tôi và nhiều người hỏi thăm ông trong những tháng ngày qua.

Vĩnh biệt ông, hy vọng cuối năm nay sẽ được đón ông trở về dù chỉ là nắm tro tàn, nhưng hy vọng linh hồn ông sẽ quanh quất bên làng quê Sung Tích, phù hộ cho dân làng yên bình, quê nhà thịnh vượng.

Nhà văn Trường Lưu. Tên khai sinh: Mai Đình Thọ, sinh ngày 7.7.1929. Quê quán: Xã Tịnh Long, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Thường trú tại 57 Lương Ngọc Quyến, Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Quá trình công tác: Nhà văn Trường Lưu từng tham gia công tác văn hóa: Trưởng phòng Thông tin huyện, Thư ký tòa soạn và hoạt động văn nghệ ở Quảng Ngãi và Liên khu V. Từng là phóng viên, biên tập viên báo Nhân Dân, tạp chí Văn nghệ, báo Văn nghệ. Từ năm 1965 – 1978: Nghiên cứu viên tại Bộ Văn hóa – Thông tin. Phó giáo sư, Nghiên cứu viên cao cấp.

Tác phẩm chính: Sóng ngầm (tập truyện, 1960); Thơ Tây Nguyên – Những khúc ca hùng tráng và trữ tình (tiểu luận, 1990); Sự chuyển đổi giá trị trong văn hóa Việt Nam (tiểu luận, 1992); Chủ nghĩa nhân văn và văn hóa dân tộc (tiểu luận, 1996);  Văn hóa – một số vấn đề lý luận (tiểu luận, 1999); Quê hương ngày ấy (truyện - ký, 2009)…

Các giải thưởng: Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2003 cho tác phẩm Văn hóa, văn nghệ một thời giữa hai trận tuyến.

Vừa qua PGS Trường Lưu cũng đã có bài nghiên cứu: “Mấy vấn đề từ di sản Văn hóa Hồ Chí Minh”, in trên tạp chí Cẩm Thành, số 77 năm 2014, được Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao giải thưởng viết về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Rất tiếc là ông đã không kịp nhận giải thưởng này.

Do tuổi cao, bệnh nặng, nhà văn Trường Lưu đã từ trần lúc 2 giờ ngày 15.5.2015.

ĐĂNG VŨ
 


.