Ký ức chiến tranh qua từng kỷ vật

10:03, 24/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Những kỷ vật của đồng đội đã gợi cho tôi nhớ lại những ký ức hào hùng, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Từ những vật dụng thô sơ được sử dụng để đánh giặc như dao, giáo, mác,… đến những vật dụng, tư trang hàng ngày đã lưu lạc mấy chục năm rồi tưởng chừng như không thể gặp lại…”, ông Ngô Đức Tấn (80 tuổi)- Nguyên Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng của Tỉnh đội năm 1973, bộc bạch.

Hồi ức tuổi thanh xuân

Chỉ tay vào chiếc lược được làm từ cánh máy bay của Mỹ bị bắn rơi, đôi mắt người cựu chiến binh Ngô Đức Tấn sáng ngời. Ông kể, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông đã 16 lần bị thương. Hầu như nơi nào trên cơ thể ông cũng bị thương, mảnh đạn vẫn còn trong đầu. Tuy nhiên, với ông hạnh phúc nhất là nước nhà được thống nhất. Ông Tấn nhớ lại: Năm 1972, địch cố chiếm Gò Cao (Tịnh Bắc, Sơn Tịnh) để tấn công các vị trí vùng nông thôn, khống chế các xã phía tây và bắc Sơn Tịnh (Tịnh Bắc, Tịnh Đông, Tịnh Trà, Tịnh Minh); đồng thời cắt đứt các hành lang tiếp tế lương thực cho cách mạng. Lúc bấy giờ, nắm được dã tâm của địch, quân khu nhất quyết giữ Gò Cao. Bởi giữ Gò Cao là giữ được dân, giữ được đất, hành lang tấn công vào giải phóng thị xã Quảng Ngãi.

Ông Tấn (giữa), ông Chánh (bên phải) xúc động nhìn lại các kỷ vật của mình và đồng đội trong 2 cuộc kháng chiến.
Ông Tấn (giữa), ông Chánh (bên phải) xúc động nhìn lại các kỷ vật của mình và đồng đội trong 2 cuộc kháng chiến.


Dưới sự chỉ đạo của cấp trên, ông có vai trò chỉ huy Tiểu đoàn 48 và 3 đại đội huyện Sơn Tịnh giữ lại Gò Cao, khống chế Núi Tròn (Tịnh Sơn), Hòn Dầu (Tịnh Giang, Sơn Tịnh). Lúc bấy giờ căn cứ Bình Liên, chi khu Sơn Tịnh, tiểu khu Quảng Ngãi dồn dập bắn pháo vào chốt Gò Cao. Tiếng đạn rơi, bom nổ vang dội cả bầu trời Tịnh Bắc lúc bấy giờ.

Không chịu khuất phục, Tiểu đoàn 48 cùng 3 đại đội của quân ta vẫn kiên quyết đánh suốt một tháng rưỡi. Quân ta liên tục tấn công và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Trận càn quét, lấn chiếm Gò Cao thất bại, địch buộc phải lui quân về căn cứ. Để ghi dấu chiến công lẫy lừng của Tiểu đoàn lúc bấy giờ, ông Tấn đã cùng anh em dùng lưỡi cưa cắt một bộ phận máy bay của địch bị bắn rơi làm chiếc lược chải đầu. Đó cũng là kỷ vật kháng chiến ông luôn mang theo bên mình.

Từ trận Ba Gia, ông Phan Công Chánh nguyên là Đại đội trưởng thông tin trinh sát chiến dịch Ba Gia cũng đã thu được nhiều “chiến lợi phẩm” từ trong chiến dịch này, gồm các kỷ vật: Bình nước, thắt lưng, ca đựng nước, thìa… Sờ tay nâng niu kỷ vật, ông Chánh nhớ lại: Năm 1967, trong một lần đi công tác vào Phổ Cường (Đức Phổ), nhìn thấy lính Mỹ đang trú mưa, ông đã ra hiệu cho đồng chí du kích Đào Trung đi cùng núp vào một bên. Sau khi cả hai đều sẵn sàng, ông ra hiệu cho đồng chí Đào Trung cùng ông đồng loạt nổ súng làm chết và bị thương nhiều lính Mỹ. Sau khi nước nhà hoàn toàn giải phóng, ông vẫn giữ cây súng Coli12 (đã hỏng) làm kỷ niệm. Vì muốn lưu giữ những kỷ vật cho con cháu, ông Chánh đã dành dụm tiền đóng hẳn chiếc tủ kính để cất giữ các kỷ vật.

Lời nhắn nhủ cho mai sau

Những kỷ vật tuy giản dị, nhưng đằng sau mỗi kỷ vật lại là những câu chuyện của một thời bom đạn. Các kỷ vật được các chiến sĩ, người thân gìn giữ cẩn thận. “Qua kỷ vật, tôi muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ về những chiến công lẫy lừng của quân và dân ta trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân và đế quốc xâm lược. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống hào hùng của dân tộc, để từ đó giữ gìn và phát huy những gì cha ông để lại”, ông Tấn, chia sẻ.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, nhân dân Quảng Ngãi cùng lực lượng vũ trang anh dũng đứng lên chiến đấu lập nhiều chiến công hiển hách, không ít chiến sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiều kỷ vật thiêng liêng trong hai cuộc kháng chiến được sưu tầm, lưu giữ cẩn trọng. “Đây là một bộ phận quan trọng cấu thành di sản cách mạng nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung”, ông Cao Văn Chư- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết.

Ngoài giá trị kỷ niệm về đời sống và hoạt động của cá nhân trong những năm tháng chiến đấu, mỗi kỷ vật kháng chiến còn là một câu chuyện chân thực về những con người mà những cống hiến, hy sinh cao cả của họ đã góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Kỷ vật kháng chiến của quân và dân tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn (1945- 1975) được trưng bày đã góp phần tái hiện lại những năm tháng đấu tranh gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng anh dũng, vẻ vang và rất đỗi tự hào của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước hôm nay.

TRỊNH PHƯƠNG
 


.