Bảo vệ di chỉ tàu cổ đắm ở Vũng Tàu: Việc làm cấp bách

02:10, 29/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày gần đây, nhiều người dân đã lén lút khai thác, mua bán cổ vật ở khu vực tàu đắm thuộc vùng biển Vũng Tàu, xã Bình Châu (Bình Sơn). Đây là việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản văn hóa dưới nước.

TIN LIÊN QUAN
Các chuyên gia nghiên cứu khảo cổ học biển hàng đầu trên thế giới nhận định Quảng Ngãi có tiềm năng di sản văn hóa dưới nước rất lớn. Di sản văn hóa dưới nước nhiều nhất được phát hiện là những con tàu đắm có niên đại cách đây hàng nghìn năm. Theo thông tin từ các nhà nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, tính đến thời điểm này Quảng Ngãi có ít nhất 8 con tàu cổ được phát hiện. Hai địa phương đầu tiên được xác định có xác tàu cổ bị đắm là vùng biển Vũng Tàu ở xã Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn.

Năm 2013, UBND tỉnh phối hợp với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương tiến hành khai quật tàu đắm ở vùng biển Vũng Tàu. Hàng trăm cổ vật có giá trị được khai quật. Tuy nhiên, xác con tàu cổ hiện vẫn còn nằm dưới lòng đại dương. Ông Đoàn Sung-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương cho biết, công ty đã khai quật nhiều con tàu cổ ở các tỉnh ven biển trong nước. Trong đó ở nhiều địa phương đã tiến hành khai quật cả xác con tàu. Tuy nhiên, đối với xác tàu cổ ở Vũng Tàu thì công ty đã đề xuất với UBND tỉnh không khai quật bởi lẽ xác tàu nằm cách mặt nước biển chưa đầy 4m, Vũng Tàu là vùng biển rất đẹp, thích hợp để phát triển du lịch.

Xác con tàu cổ ở vùng biển Vũng Tàu.
Xác con tàu cổ ở vùng biển Vũng Tàu.


Câu hỏi đặt ra đối với tỉnh ta hiện nay là tiến hành khai quật xác tàu cổ lên khỏi mặt nước hay để dưới lòng đại dương nhằm phục vụ mục tiêu vừa bảo quản, bảo vệ di sản văn hóa, vừa phát triển du lịch lặn biển. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Giang Hải-Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Nếu không có điều kiện thì tốt nhất nên để xác tàu cổ dưới biển. Xác tàu bằng gỗ nên không nơi nào bảo quản tốt bằng ở dưới nước. Vấn đề là chính quyền địa phương làm thế nào để người dân địa phương cùng tham gia công tác bảo vệ”.
 

Xử lý nghiêm hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển cổ vật trái phép  
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức khẩn trương triển khai và duy trì các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại vùng biển Vũng Tàu cho đến khi UBND tỉnh đưa ra quyết định chính thức việc khai quật cổ vật tìm thấy và phát huy giá trị di chỉ tàu cổ đắm. Các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác, trục vớt, mua bán, vận chuyển cổ vật trái phép từ các di chỉ tàu cổ đắm sẽ bị xử lý nghiêm.

Trên thế giới hiện nay, nhiều quốc gia đã bảo quản tốt xác tàu cổ dưới đáy biển, đồng thời khai thác có hiệu quả lợi ích kinh tế từ xác tàu cổ thông qua phát triển du lịch. Điển hình là ở Inđônêsia, xác tàu cổ của Nhật Bản bị đắm từ thế chiến thứ 2 đã được bảo quản và sử dụng vào mục đích phát triển du lịch. Mỗi ngày có đến hơn 400 du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới đến ngắm tàu cổ ở Inđônesia.

Sau khi trực tiếp tìm hiểu di sản văn hóa dưới nước ở Quảng Ngãi, bà Widya Nayati - Chuyên gia khảo cổ học dưới nước ở Inđônêsia chia sẻ: “Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước không phải là câu chuyện của riêng nhà quản lý, mà còn là vấn đề của người dân địa phương. Người dân địa phương phải ý thức được giá trị và tự hào về di sản văn hóa dưới nước thì mới tham gia có hiệu quả trong công tác bảo vệ di sản”. Ông Vũ Thế Long-Nguyên trưởng ban nghiên cứu về con người và môi trường (Viện khảo cổ học Việt Nam), bày tỏ quan điểm: “Tàu gỗ lấy lên công tác bảo quản rất phức tạp. Theo tôi cứ để nguyên xác con tàu dưới biển để vừa phục vụ nghiên cứu, phát triển du lịch giống như ở một số quốc gia. Con tàu như một bảo tàng dưới nước, nó chứa đựng đặc trưng văn hóa, xã hội của con người từ thời xa xưa”.

Theo ông Đoàn Sung, trong quá trình khai quật tàu cổ năm 2013 đã phát hiện nhiều gốm sứ ở cạnh con tàu. Hiện có một con tàu đắm được phát hiện ở gần địa điểm khai quật trước đó khoảng 150m. Vấn đề cấp bách hiện nay là phải bảo vệ có hiệu quả xác tàu đắm đã được khai quật và tàu đắm mới phát hiện. Những ngày gần đây, nhiều người dân đã lén lút ra khu vực tàu đắm để tìm kiếm, khai thác cổ vật. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích chỉ đạo: “Các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng, người dân ở vùng có tàu đắm nhận thức sâu sắc, đầy đủ để có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ di sản văn hóa dưới nước”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ


 


.