Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập

10:01, 04/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đổi mới công tác quản lý, dạy và học tập góp phần phát triển toàn diện giáo dục. Để đạt mục tiêu đó đòi hỏi phải có sự chung tay của cán bộ quản lý, giáo viên cùng gia đình và xã hội.
[links()]
 
Nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện đảo
 
Gần 30 năm gắn bó với giáo dục huyện đảo Lý Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS An Hải Phạm Hoàng Trường có nhiều cách làm hay trong việc đổi mới quản lý góp phần phát triển giáo dục toàn diện. Thầy Trường là một trong ba nhà giáo của tỉnh vinh dự được Bộ GD&ĐT trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021.
 
Học sinh Trường THCS An Hải (Lý Sơn) trong giờ học.
Học sinh Trường THCS An Hải (Lý Sơn) trong giờ học.
Thầy Phạm Hoàng Trường cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục trước hết phải xây dựng đội ngũ đảm bảo trình độ và năng lực. Là người quản lý giáo dục, thầy Trường luôn tạo điều kiện cho giáo viên (GV) nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, động viên họ yên tâm công tác ở hải đảo, khuyến khích và tạo động lực để họ đổi mới phương pháp giảng dạy...
 
Thầy Trường nhớ lại, trước đây huyện Lý Sơn còn những hạn chế trong phát triển giáo dục dẫn đến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Trong đó, cơ sở vật chất, trường lớp còn thiếu thốn. Việc học của con em trên đất đảo, nhất là vấn đề tiếp cận thông tin còn hạn chế so với đất liền. Ý thức học tập của học sinh (HS) chưa cao... Những thực trạng đó dẫn đến chất lượng giáo dục chưa đảm bảo. Những năm gần đây các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Phụ huynh quan tâm đến việc học của con em nhiều hơn. Từ đó GV có thêm động lực phát triển chuyên môn, toàn tâm vì sự nghiệp GD&ĐT nơi huyện đảo.
 
“Ngoài nâng cao trình độ chuyên môn, đội ngũ GV nhà trường luôn trau dồi phẩm chất đạo đức nhà giáo, tâm huyết với nghề. Mỗi GV phải vì HS, thương yêu HS để người thầy là chỗ dựa tinh thần giúp khơi dậy động lực học tập trong các em. Nhờ vậy, đến nay, chất lượng giáo dục của Trường THCS An Hải ngày càng khởi sắc. Lượng học sinh khá, giỏi chiếm khoảng 60%. Trong năm học 2020 - 2021, trường có 9 HS tham dự kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh và có 7 em đoạt giải (2 giải Ba và 5 giải Khuyến khích)”, thầy Trường phấn khởi nói.
 
Xây dựng "trường học hạnh phúc"
 
Sau 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào này.
 
Năm học 2020 - 2021, Trường THCS Nghĩa Thắng có 479 HS; trong đó, có 91 em là người Hrê. Vào đầu năm học, nhà trường quyết tâm xây dựng thành công mô hình “Trường học hạnh phúc”. Đây là trường học đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình này.
 
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng Nguyễn Phú Lộc, "hạnh phúc" ở đây là HS sẽ tự giác, chủ động, hứng thú trong việc học và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Để xây dựng thành công mô hình “Trường học hạnh phúc” đòi hỏi người đứng đầu nhà trường phải là người truyền cảm hứng, mạnh dạn thay đổi tư duy, cách nghĩ, quan điểm quản trị. Bên cạnh đó, cần có sự đồng hành của GV để thực hiện thành công mô hình. 
 
"Thầy, cô giáo chỉ hạnh phúc khi được nhà trường quan tâm, tôn trọng, tạo điều kiện để họ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn... Khi thầy, cô giáo hạnh phúc thì mới có những tiết dạy hạnh phúc. Từ đó, HS mới cảm nhận được hạnh phúc trong học tập để phát huy tính sáng tạo của mình...", thầy Lộc chia sẻ.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.