Lao động, đạo đức, tự lập

03:11, 09/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nền giáo dục ở các nước phát triển hàng đầu thế giới đều có những ưu việt mà nền giáo dục Việt Nam cầu thị để học tập. Sự cầu thị học hỏi ấy mang lại lợi ích trực tiếp cho người thụ hưởng giáo dục, tức là học sinh.
 
Vì sao người Nhật yêu cầu học sinh từ lớp 1 trở đi phải làm những việc lao động nhẹ trong lớp như quét lớp, lau bảng, quét sân bóng rổ, trực nhật bưng cơm  (nếu là học bán trú)... Những việc lao động nhẹ nhàng ấy vừa sức trẻ em và lợi ích mang lại là học sinh từ nhỏ đã có tinh thần lao động, biết yêu lao động, biết giúp đỡ bạn học. Qua lao động mà thiết lập được sự bình đẳng trong nhà trường, giữa học sinh với nhau, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp. 
 
Còn ở nhà trường Việt Nam? Một phụ huynh đã nói thẳng: “Ở ta, phụ huynh góp tiền thuê lao công quét lớp học, lau bảng... Ở nhà thì có người giúp việc làm hết. Trẻ em chẳng biết làm gì”. 
 
Với một bộ phận phụ huynh thì ít khoe con mình “lao động giỏi”, mà chỉ khoe “học giỏi”.
 
Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) tham gia vệ sinh trường học.  (Ảnh chụp trước 26/6/2021 )                Ảnh: PV
Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) tham gia vệ sinh trường học. (Ảnh chụp trước 26/6/2021 ) Ảnh: PV
Người Nhật  giáo dục con cháu họ thật thà, biết nhường nhịn, luôn thể hiện lòng biết ơn, luôn cố gắng ở mức cao nhất trong mọi công việc. Đó là những phẩm chất tuyệt vời tạo nên một nhân cách hướng thiện, luôn biết sống vì cộng đồng, biết làm việc nhóm, làm việc tập thể trong khi vẫn thể hiện cá tính sáng tạo của mình.
 
Trẻ em rất cần được rèn luyện và khuyến khích thể hiện lòng nhân ái, cả tình yêu với cây xanh, vật nuôi, thiên nhiên quanh mình. Lúc nhỏ được giáo dục theo hướng nào thì lớn lên sẽ thể hiện theo hướng đó. Thậm chí, người Nhật không khuyến khích trẻ em phải trở thành người học giỏi nhất, mà phải thành người sống có đạo đức, biết nhẫn nhịn, có sức mạnh và biết yêu thương.
 
Vậy nên, chúng ta cần giáo dục đào tạo từ nhỏ để sau này khi lớn lên, các em có một tâm hồn đẹp, có đạo đức xã hội, biết sống và nghĩ cho người khác, biết vươn lên bằng chính năng lực của mình, từ chối mọi cách làm để thành đạt trái đạo đức, và coi việc giúp đỡ người yếu thế, người nghèo khổ là mục đích tự nguyện, là niềm hạnh phúc của bản thân mình. Biết tự lập ngay từ nhỏ chính là biết tự tin vào bản thân mình. 
 
Người Nhật cho rằng, mỗi cá nhân cần tự lập, cố gắng học tập, làm việc tự chủ, không ỷ lại. Như thế mới có thể hòa nhập vào môi trường hội nhập với sự biến động nhanh của các giá trị văn hóa và tri thức. Việc tự lập còn giúp học sinh có đời sống phong phú, có thể học tập ở mọi nơi, mọi lúc và vận dụng thích hợp những thành quả đó.
 
THANH THẢO
 

.