Những người gieo hạt niềm tin- Kỳ 1: Thanh trong, nghĩa tình

09:11, 22/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giữa bộn bề những lo toan của cuộc sống, nhưng các nhà giáo luôn giữ cho mình một nhân cách sống. Dù ở vị thế nào, công tác ở bất kỳ nơi đâu, thì cốt cách thanh trong, nghĩa tình và nặng lòng yêu nghề, mến trẻ của các thầy, cô giáo luôn tỏa sáng. Bởi lẽ, sự thành công của họ không nằm ở vị thế, quyền uy hay sự giàu sang, mà là giữ được cốt cách thanh trong của nghề giáo. Đó là tiếng thơm để lại cho đời...
[links()]
Thấu cảm với những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật trong cuộc sống, nhiều thầy, cô giáo không chỉ nói lời hay, mà có những hành động đẹp. Hơn lúc nào hết, giờ đây sức lan tỏa của những tấm lòng nặng nghĩa đồng bào, quan tâm, giúp đỡ những người khác của các thầy, cô giáo luôn nhân lên giữa cuộc sống thường nhật...
 
Nhà giáo với tấm lòng thiện nguyện
 
Trong những ngày qua, bão, lũ liên tiếp tàn phá mảnh đất Quảng Ngãi. Bão, lũ qua đi để lại bao sự ngổn ngang về nhà cửa, trường, lớp. Thầy, cô giáo phải chạy đua với thời gian để vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa  tham gia dọn dẹp, sắp xếp trường lớp để sớm đi vào ổn định việc dạy học. Nhưng dù có bận trăm công nghìn việc thì sự quan tâm, thương yêu, giúp đỡ người khác của những nhà giáo thiện nguyện vẫn bền bỉ sẻ chia, sưởi ấm bao mảnh đời bất hạnh. 
Thầy giáo Lê Công Tuệ, Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) luôn nỗ lực cống hiến vì sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.
Thầy giáo Lê Công Tuệ, Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) luôn nỗ lực cống hiến vì sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.
Vợ chồng thầy giáo Lê Công Tuệ, công tác tại Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), trong những ngày này luôn tất bật với công việc thiện nguyện của mình. Vợ chồng thầy đã kết nối, sẻ chia, trực tiếp nhận và đi thăm hỏi, phát quà cho những gia đình neo đơn, những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Sau bão số 9, người dân nghèo đã gánh chịu rất nhiều thiệt hại. Thấu cảm điều đó, vợ chồng thầy giáo Lê Công Tuệ đã vận động quyên góp 700 bộ quần áo trẻ em, 500kg đồ cũ giúp cho trẻ miền núi, 150 áo sơ mi cho sinh viên, 5 máy phát điện, 1 ca nô, trên 65 triệu đồng giúp đỡ người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 134 triệu đồng cho sinh viên nghèo...
 
Vợ chồng thầy Tuệ đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống. Điều đáng trân trọng hơn nữa ở vợ chồng thầy Tuệ là sự khiêm tốn, lặng lẽ chứa đựng cốt cách của một nhà giáo. Chúng tôi đã nhiều lần đặt vấn đề muốn viết về thầy cô như một sự nêu gương để mọi người biết, học tập nhưng luôn bị từ chối. Bởi với thầy cô thì, "những gì mình làm luôn là bé nhỏ và ai là nhà giáo có tâm hay những người bình thường có lòng thương người đều có thể làm được!".
 
Thầy Tuệ thổ lộ: “Trong cuộc sống khoan nghĩ đến những điều to lớn. Hãy làm những việc nhỏ có ý nghĩa! Khi chúng ta giúp đỡ người khác giảm đi gánh nặng trong cuộc sống thì sẽ khơi gợi những điều tích cực. Từ đó, mọi người sẽ hiểu và biết mình nên làm gì cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Những việc làm mang tính nhân văn ắt sẽ được lan tỏa và truyền cảm hứng cho những người khác!”. 
Những món quà của vợ chồng thầy giáo Lê Công Tuệ đến với các cháu Trường Mầm non Sơn Ca, xã Sơn Linh (Sơn Hà).
Những món quà của vợ chồng thầy giáo Lê Công Tuệ đến với các cháu Trường Mầm non Sơn Ca, xã Sơn Linh (Sơn Hà).
Còn rất nhiều tấm gương về thầy, cô giáo làm thiện nguyện. Họ sống một cuộc đời thanh trong, lấy cốt cách của người thầy làm nền tảng để từ đó nhân lên những hành động đẹp giữa đời thường. Đấy là sự sẻ chia, đồng cảm và giúp đỡ những người xung quanh, những mảnh đời bất hạnh, ốm đau, bệnh tật trong cuộc sống.
 
Sẻ chia từng đồng lương ít ỏi
 
Cuộc sống của nhà giáo ở thời nào cũng vậy, luôn giàu lòng nhân ái. Dù thiếu thốn, khó khăn đến đâu thì họ vẫn luôn giữ cốt cách trước xã hội và học sinh thân yêu. Trong bộn bề cuộc sống đầy lo toan, nhiều thầy cô giáo chỉ sống bằng những đồng lương ít ỏi của mình, nhưng họ có thể tiết kiệm trong chi tiêu để sẵn sàng sẻ chia với học trò nghèo, giúp các em thêm điều kiện đến trường. Với họ, hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy học trò đến trường đầy đủ hơn, giảm bớt lo lắng về cuộc sống khó khăn.
 
Nhiều thầy, cô giáo ở miền núi để “giữ” học sinh (HS) nên trong hành trang mang theo mỗi chuyến đến trường đầu tuần đều có bánh kẹo, chiếc áo, đôi dép, thậm chí là vài ba ký cá khô, hay thực phẩm để chia sẻ với phụ huynh mỗi khi đi vận động. Tất cả những vật phẩm ấy đều được các thầy, cô giáo trích từ đồng lương ít ỏi của mình. 
Các cô giáo Trường Mầm non Trà Bùi (Trà Bồng) luôn tận tình chăm sóc các cháu.
Các cô giáo Trường Mầm non Trà Bùi (Trà Bồng) luôn tận tình chăm sóc các cháu.
Đây là năm thứ ba các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Sơn Thượng 1 (Sơn Hà) trích tiền lương và vận động thêm từ nhà hảo tâm để nấu những bữa ăn cho HS bán trú. Vào những ngày tổ chức bữa ăn bán trú, thầy, cô giáo nơi đây thức dậy từ rất sớm để lên thực đơn, đi chợ và tranh thủ thời gian nấu ăn cho HS. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thượng 1 Đinh Thị Thanh Nhàn cho biết: “Mô hình mới thực hiện và chưa phát huy hết mục tiêu mà các thầy, cô giáo muốn hướng tới. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình là điều không hề đơn giản. Bởi các thầy, cô giáo phải trích khoản tiền lương ít ỏi và bỏ nhiều công sức để có những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho HS”.
 
Ngoài việc nấu những bữa ăn cho HS bán trú, thầy, cô giáo Trường Tiểu học Sơn Thượng 1 cũng giữ học trò các thôn vùng sâu, vùng xa như thôn Gò Ren, Tà Ba... ở lại buổi trưa. Những em nào không mang cơm hay thức ăn thiếu thốn, thì giáo viên trích tiền từ Quỹ Tiếp sức cùng em đến trường để bổ sung thức ăn cho các em. Đây là nguồn quỹ do thầy, cô giáo tự nguyện đóng góp, với 20.000 đồng/người/tháng.
 
Mô hình "bữa ăn bán trú" tuy nhỏ, nhưng rất thiết thực và phục vụ trực tiếp cho HS. Khi mô hình này nhân rộng sẽ góp phần nâng cao thể trạng cho HS miền núi, đảm bảo sức khỏe cho các em yên tâm học tập. Đó cũng là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc của thầy, cô giáo đối với học trò vùng cao. 
 
Những ngày sau bão, lũ đường lên các điểm trường ở các huyện miền núi khó khăn hơn. Cô và trò Trường Mầm non Trà Bùi (Trà Bồng) càng khó khăn khi thiệt hại do thiên tai vẫn chưa khắc phục xong. Ngoài điểm chính, nhà trường còn có 5 điểm trường lẻ. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, nên nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc học hành của con em mình. “Nhà trường vận động phụ huynh nấu cơm cho trẻ mang theo để ở lại buổi trưa. Nhờ vậy, tình trạng buổi học, buổi nghỉ của trẻ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, phụ huynh nơi đây còn khó khăn, chưa thật sự quan tâm đến bữa ăn của trẻ, nên các cô giáo phải luôn nghĩ cách để chăm lo cho các cháu”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Bùi Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.
Đùm bọc học trò trong gian khó
 
Ở Trường Mầm non Trà Bùi (Trà Bồng), những phần cơm của các cháu nhà nghèo gói trong túi ni lông hay cái cà mèn cũ kỹ kèm xíu muối rang. Những em may mắn có thêm vài miếng thịt kho. Thấy các cháu ăn những miếng cơm khô khan, các cô giáo đã vận động phụ huynh mang theo rau rừng để nấu canh bổ sung bữa trưa cho trẻ. Thế nhưng, trong mấy tuần qua, do ảnh hưởng của mưa bão nên rau rừng cũng trở nên khan hiếm. Các cô giáo phải trích tiền lương để mua mì tôm nấu canh thay rau rừng. Mỗi khi có quần áo cũ, các cô giáo và hiệu trưởng giặt sạch và xếp ngay ngắn. Khi nào các con mặc quần áo rách đi học hay mùa mưa không có áo ấm là giáo viên tắm rửa cho các cháu sạch sẽ và thay những bộ quần áo tinh tươm hơn.

 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
----------
*Kỳ cuối: Khát vọng cống hiến
 
 
 
 
 
 
 

.