Xã hội hóa hay lạm thu đầu năm học?

10:10, 19/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngoài các khoản thu đầu năm học theo quy định, nhiều trường còn có những khoản được “gắn mác” xã hội hóa (XHH) do Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) đứng ra thu. Khoản thu này đang là gánh nặng của nhiều phụ huynh.
Xã hội hóa là cần thiết...
 
Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, Chính phủ đã có nhiều chính sách để phát triển của giáo dục. Các địa phương trích 20% ngân sách được giao hằng năm cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, ngân sách giao hằng năm cho các địa phương còn thấp, nên việc trích 20% cho giáo dục sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển của giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Đó là chưa kể những địa phương do nguồn ngân sách khó khăn, nên chưa đảm bảo phân bổ 20% ngân sách cho giáo dục. 
 
Nhiều khoản thu không đúng quy định khiến phụ huynh bức xúc.
Nhiều khoản thu không đúng quy định khiến phụ huynh bức xúc.
 
Hiện tại, kinh phí giao cho giáo dục chỉ đáp ứng khoảng chi tiền lương và chi hoạt động thường xuyên trong ngành. Phần kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học rất thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.
 
“Khi ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục là cần thiết”, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) Nguyễn Phúc Lộc cho hay.
 
Để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục, việc kêu gọi XHH trong giáo dục là cần thiết, nhưng ranh giới giữa XHH với lạm thu là rất mong manh. Nếu các đơn vị thực hiện không đảm bảo đúng quy định sẽ dẫn đến những bức xúc trong dư luận, đó sẽ là “vỏ bọc” cho việc lạm thu trong trường học.
 
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu, đầu năm học mới 2020 - 2021, Sở đã có văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu tại các cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh, nhằm tăng cường công tác quản lý các khoản thu, chấn chỉnh kịp thời tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh dưới các hình thức. 
 
... nhưng phải đúng quy định
 
Mặc dù Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện CMHS đã hướng dẫn cụ thể về các khoản thu, nhưng trên thực tế, nhiều Ban đại diện CMHS vẫn thu các khoản ngoài quy định. Qua tìm hiểu của phóng viên, thì Ban đại diện CMHS ở nhiều trường đã đưa ra các khoản thu chưa phù hợp như: Kinh phí mua quạt, tivi, lát gạch block, làm nhà để xe... Trong đó, khoản “ủng hộ” để mua tivi được nhiều Ban đại diện CMHS của nhiều lớp học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi vận động, gây bức xúc trong dư luận.
 
Năm nay, cả nước thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa mới ở khối lớp 1. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, ngành giáo dục từng bước trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo theo Thông tư 05 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, Ban đại diện CMHS ở một số trường lại tiếp tục vận động ủng hộ từ phía CMHS, tăng gánh nặng về tài chính cho phụ huynh, nhất là những phụ huynh có thu nhập thấp hoặc có nhiều con đang theo học. Không chỉ đối với khối lớp 1, mà Ban đại diện CMHS ở một số trường còn vận động mua tivi cho các khối còn lại. 
 
Chị N.T.K.O, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) hiện có 4 con đang theo học ở các trường, chồng bị mất sức lao động, tất cả đều trông chờ vào nguồn thu không ổn định từ nghề bán bánh dạo của chị. Đầu năm học, chị đã phải chắt bóp để mua sách vở và nộp các khoản tiền bắt buộc cho nhà trường, như nộp 200 nghìn đồng tiền quỹ hội CMHS cho con học tiểu học.
 
"Ban đại diện CMHS lớp của cháu học bậc THCS vận động mỗi phụ huynh nộp 500 nghìn đồng tiền quỹ và trích một phần để mua tivi. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên cho tôi nộp 100 - 200 nghìn đồng, nhưng tôi cũng không tìm đâu ra tiền để nộp", chị N.T.K.O bày tỏ.
 
Một phụ huynh khác có con học tại một trường THCS trên địa bàn TP.Quảng Ngãi than phiền: “Mình có 2 con học THCS. Con trai lớn học lớp 9, Ban đại diện CMHS của lớp vận động nộp hội phí 600 nghìn đồng/phụ huynh, trong đó trích một phần để mua tivi cho lớp. Nhiều phụ huynh không đồng tình, nên Ban đại diện CMHS giảm còn 500 nghìn đồng/người”.
 
Hằng năm, Sở GD&ĐT cùng các phòng GD&ĐT trong tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra để thanh tra các khoản thu đầu năm học, nhưng các trường đều “lách” bằng nhiều cách khác nhau dẫn đến việc phát hiện và xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy mà "điệp khúc" lạm thu vẫn xảy ra thường niên tại các cơ sở giáo dục.
 
Bài, ảnh: TRẦN DUY
 
 
 

.