Đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục

09:08, 13/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn Võ Minh Phương là người có nhiều giải pháp trong công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh (HS). Thầy giáo Phương là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến sẽ được biểu dương tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VII - 2020.
Thầy giáo Võ Minh Phương từng đạt giải xuất sắc khi tham gia chương trình nghiên cứu biển Đông do Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức và là một trong hai nhà giáo ở Quảng Ngãi tham dự Lễ Tri ân nhà giáo tiêu biểu năm 2019 tại Hà Nội do Bộ GD&ĐT tổ chức.
 
Nêu cao trách nhiệm của người thầy
 
Suốt gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người trên đất đảo, thầy giáo Phương cùng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Lý Sơn đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ đó chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng cao, tỷ lệ HS thi đỗ tốt nghiệp và đại học xếp hạng cao so với mặt bằng chung trong toàn tỉnh. Thầy giáo Phương chia sẻ: “Khó khăn khi dạy học trên đảo thì nhiều lắm, nhưng điều đáng mừng là mỗi thầy, cô giáo của trường đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì học sinh”.
 
Theo thầy giáo Phương, chính sự nhiệt tình, trách nhiệm của người thầy giáo đã tác động mạnh mẽ và toàn diện đến chất lượng giáo dục, môi trường sư phạm trong nhà trường; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, khơi dậy ý thức tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo trong hoạt động giáo dục.
 
Đổi mới công tác quản lý giáo dục
 
Thầy giáo Phương cho rằng, việc đổi mới công tác quản lý giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng, là khâu then chốt trong công cuộc cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS. Trước hết cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên và HS về vai trò, mục tiêu của chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của trung ương.
 
Mặt khác, cần thực hiện đổi mới chức năng quản lý giáo dục. Hiệu trưởng các trường có vai trò đặc biệt quan trọng, tiến hành công việc quản lý bằng cách giao nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật nhằm đảm bảo cho tất cả mọi thành viên trong trường có điều kiện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cũng như quyền hạn của mình. 
 
Hiệu trưởng phải biết cách phát huy tối đa mọi tiềm năng, nội lực và ngoại lực của cộng đồng trong việc tham gia xây dựng, phát triển giáo dục nhà trường. Như vậy, việc đổi mới công tác quản lý giáo dục không chỉ đổi mới cách làm việc của hiệu trưởng mà còn đổi mới cách làm việc từ lãnh đạo các đoàn thể, lãnh đạo các tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm và cả từng giáo viên bộ môn. Muốn vậy, đòi hỏi đội ngũ CBQL phải thường xuyên học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý, đổi mới công tác quản lý phù hợp với yêu cầu mới.
 
Công tác quản lý, chỉ đạo của đội ngũ CBQL phải đi vào thực chất, lấy mức độ hoàn thành nhiệm vụ và hiệu quả công việc làm tiêu chí đánh giá chính. Cán bộ quản lý phải coi trọng việc đổi mới kiểm tra, đánh giá; đổi mới hình thức kiểm tra việc thực hiện nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy... 
 
Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác phối hợp, huy động các nguồn lực để xây dựng trường và tổ chức các hoạt động. “Muốn thực hiện có hiệu quả công tác quản lý giáo dục, đội ngũ CBQL cần phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong các chức năng của người quản lý và phải gương mẫu. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Có vậy mới nâng cao được chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh", thầy Phương cho hay. 
 
MINH ANH
 

.