Nhân viên y tế học đường thiếu trầm trọng

09:03, 17/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vai trò của nhân viên y tế học đường (YTHĐ) là rất quan trọng, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên hiện nay, nguồn lực nhân viên y tế trong các trường học vẫn không đảm bảo.
Nhiều trường "trắng" nhân viên y tế
 
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Sơn Tây hiện có hơn 200 học sinh (HS). Do đó, việc đảm bảo sức khỏe cho HS trong thời gian ăn ở, học tập tại trường là rất quan trọng. Thế nhưng, trường chưa có nhân viên YTHĐ vì không có chỉ tiêu biên chế. "Việc ăn ở nội trú của HS đều do giáo viên lo liệu. Để giải quyết nhu cầu trước mắt, trường hợp đồng ngoài giờ hành chính đối với nhân viên y tế của Trạm Y tế xã Sơn Dung để hỗ trợ trường khi HS ốm đau, phòng, chống dịch bệnh", Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Sơn Tây Lê Hoài Thạnh cho biết. 
Nhân viên y tế Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) kiểm tra sức khỏe cho học sinh.  ẢNH: K.N
Nhân viên y tế Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) kiểm tra sức khỏe cho học sinh. ẢNH: K.N
Thiếu nhân viên YTHĐ là thực trạng chung của nhiều trường học trong tỉnh. Cụ thể như, TP.Quảng Ngãi có 68 trường học từ mầm non đến THCS, nhưng chỉ có 24 nhân viên y tế. Riêng bậc mầm non thì cả 24 trường đều không có nhân viên y tế. Còn tại huyện Sơn Tây, có 26 trường học, trong đó có gần 60 điểm trường lẻ, tất cả các trường đều không có nhân viên y tế chuyên trách. Nguyên nhân là từ năm 2015 đến nay, các địa phương chưa được bố trí tuyển dụng biên chế đối với nhân viên YTHĐ. Hầu hết các trường phải hợp đồng nhân viên y tế.  
 
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Thương, toàn huyện có 34 trường công lập, nhưng chỉ có Trường Tiểu học Tịnh Hà có biên chế nhân viên y tế. Các trường còn lại đều không có nhân viên y tế mà chỉ kiêm nhiệm nên gây khó khăn cho địa phương, nhất là thời điểm phòng, chống dịch như hiện nay.
 
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 133/203 trường mầm non, 90/211 trường tiểu học và 98/204 THCS, THPT có nhân viên YTHĐ. Trong đó chỉ có 294 nhân viên YTHĐ có chuyên môn y tế từ trung cấp trở lên, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, nhiều trường không trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế, tủ thuốc YTHĐ. Về số lượng phòng y tế đảm bảo theo quy định, mầm non chỉ đạt 65%, tiểu học 68% và THCS, THPT 70%.
 
Kiến nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết
 
Thời gian qua, thực hiện Nghị định 161 của Chính phủ, nhiều trường phải cắt hợp đồng nhân viên y tế, nên công tác YTHĐ còn “bỏ ngỏ”. Trong khi đó, vai trò của YTHĐ là rất quan trọng. Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, TS.Nguyễn Văn Hưng cho rằng: “Nhân viên YTHĐ có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS và cán bộ, giáo viên. Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì vai trò của nhân viên YTHĐ được đặt lên hàng đầu. Để giải quyết tình thế, các trường đã báo cáo chính quyền địa phương để phân công nhân viên y tế của các trạm y tế xã, phường, thị trấn hỗ trợ nhà trường trong việc phòng, chống dịch. Nhưng khi HS đi học trở lại hay có sự cố gì, thì khó có sự can thiệp kịp thời”.
 
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu, Sở đã nhiều lần kiến nghị, còn các địa phương cũng nhiều lần có ý kiến với cấp thẩm quyền tổ chức tuyển dụng nhân viên kế toán, văn thư và y tế trong trường học, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
 
Không dễ tuyển nhân viên y tế học đường
 
Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho biết, nhiều năm qua, tỉnh ta không tổ chức tuyển dụng nhân viên y tế vào trong biên chế sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Y tế thì nhân viên YTHĐ ngoài có bằng cấp chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề. Đây là một khó khăn rất lớn cho đối tượng này khi tham gia làm việc tại các trường học. Bởi những người có chứng chỉ hành nghề là những người đã có công việc, biên chế ổn định. Quy định của Bộ Y tế là rào cản, khiến các trường không thể lấy từ nguồn BHYT để trả lương cho nhân viên y tế.
 
TR.PHƯƠNG - K.NGÂN
 
 
 
 

.