Thiếu giáo viên, cô giáo chủ nhiệm kiêm dạy thể dục

09:11, 12/11/2019
.
(Baoquangngai.vn) - Dù đã được bổ sung thêm đội ngũ sau kỳ thi tuyển giáo viên năm 2019, nhưng nhiều trường vẫn thiếu giáo viên. Vì vậy, tại một số trường giáo viên chủ nhiệm phải kiêm dạy thể dục, giáo viên nhạc họa kiêm mỹ thuật…
Dạy trái môn, giáo viên khổ
Từ đầu năm học, 18 cô giáo chủ nhiệm khối 1 và khối 2 của Trường TH Trần Phú (TP. Quảng Ngãi) được Ban giám hiệu phân công dạy kiêm môn thể dục, vì trường thiếu giáo viên.
 
Cô Trần Thị Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A7 thẳng thắn: “Vì dạy trái môn nên cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không thể đảm bảo chất lượng như các thầy cô được đào tạo đúng chuyên ngành. Tôi phải cố gắng nghiên cứu, học các động tác để hướng dẫn các em, không dạy thì thiệt thòi cho học sinh”.

Trường TH Trần Phú hiện còn thiếu 3 giáo viên, trong đó có 1 giáo viên thể dục và 2 giáo viên tin học. Trong khi bộ môn thể dục được điều hòa theo tình thế “bất đắc dĩ”, còn môn tin học trường đành bỏ dạy. 10 bộ máy tính vẫn nằm im trong phòng máy chờ giáo viên.
 
Giáo viên chủ nhiệm kiêm thể dục tại Trường TH Trần Phú.
Giáo viên chủ nhiệm kiêm thể dục tại Trường TH Trần Phú.

Tại Trường THCS Trương Quang Trọng cũng đang thiếu 3 giáo viên mỹ thuật và tiếng Anh. Trường cũng áp dụng giải pháp tình thế là phân công 2 giáo viên dạy âm nhạc dạy kiêm môn mỹ thuật, môn tiếng Anh thì hợp đồng giáo viên, nhưng “nợ” lương.

Thầy Nguyễn Văn Ba, giáo viên dạy môn âm nhạc kiêm dạy môn mỹ thuật cho cả khối lớp 7 phải bỏ ra rất nhiều công sức nghiên cứu mới đảm bảo cho tiết dạy. "Tất nhiên là mình không có chuyên môn thì chất lượng giảng dạy không thể bằng giáo viên có chuyên môn, nhưng phải cô gắng vì nhiệm vụ của trường" - thầy Ba chia sẻ.

Mong có cơ chế đặc thù

Thiếu giáo viên, việc điều động giáo viên trái môn chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nhiều giáo viên thừa nhận, đôi khi họ chỉ sử dụng nửa thời gian tiết dạy, vì ngoài những điều đã viết trong sách giáo khoa, họ cũng không có nhiều kiến thức chuyên môn để truyền đạt cho học sinh.

Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm học, các trường đã có báo cáo gửi Phòng GD&ĐT mong muốn sớm được tháo gỡ khó khăn.

Hiệu trưởng Trường THCS Trương Quang Trọng, thầy Đặng Minh Hùng cho biết, việc giáo viên dạy trái môn chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì thế, trong khi chờ được bố trí đủ giáo viên, trường rất mong được phép hợp đồng giáo viên, có thể là hợp đồng theo tiết dạy, kinh phí chi trả từ quỹ lương hoặc kinh phí hoạt động của trường.
 
Thầy Nguyễn Văn Ba dạy môn âm nhạc kiêm mỹ thuật.
Thầy Nguyễn Văn Ba dạy môn âm nhạc kiêm mỹ thuật.
 
Tại TP. Quảng Ngãi hiện có 68 trường thì có đến 30 trường đang thiếu giáo viên, mặc dù ngành vừa được bổ sung 58 biên chế và sáp nhập 9 trường, giảm được 45 biên chế.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Kiểm lý giải: Thời điểm đăng ký chỉ tiêu cho kỳ thi tuyển giáo viên năm 2019 là từ tháng 1. Theo quy chế, không cho phép đăng ký thi tuyển biên chế dự phòng.

Ngành giáo dục là ngành đặc thù, trong năm học có giáo viên lại nghỉ hưu, nghỉ thai sản, nghỉ ốm… nên luôn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở mọi thời điểm.

Để đảm bảo hoạt động dạy và học, các trường buộc phải phân công giáo viên dạy tăng tiết, dạy trái môn. Ở cấp TH có giáo viên chủ nhiệm đứng lớp 2 lớp/ngày, cả hiệu trưởng, hiệu phó vừa đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn vừa đứng lớp.

Điều này hiển nhiên là ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì thế, các trường phải động viên giáo viên chịu khó nghiên cứu giáo án, thường xuyên sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn để giáo viên có chuyên môn giúp đỡ cho giáo viên dạy trái môn.

Trong khi chờ bổ sung biên chế, theo ông Kiểm, trước mắt rất mong tỉnh sớm có quy định đặc thù cho ngành giáo dục. Chẳng hạn như cho phép các trường thiếu giáo viên hợp đồng giáo viên trường khác chưa đủ tiết dạy hoặc hợp đồng theo tiết dạy để ổn định hoạt động dạy và học cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục sớm nhất.
 
Bài, ảnh: C.P

.