Trăn trở nghề giáo

02:03, 03/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hành trang của người thầy ngoài tri thức, nhân cách, đạo đức nhà giáo... còn có cả những nỗi niềm, áp lực phía sau bục giảng.

TIN LIÊN QUAN

Từ người truyền cảm hứng...

Đến với nghề giáo là như mang nghiệp vào thân. Bục giảng là nơi dành cho những người đam mê, yêu quý nghề mới có thể đứng vững. Nghề nào cũng vậy, áp lực và nhọc nhằn đều có cả, nhưng với nghề giáo thì vai trò đào tạo, truyền đạt tri thức và hình thành nhân cách, đạo đức cho con người luôn là áp lực không nhỏ.

Cô và trò Trường Tiểu học Sơn Tân (Sơn Tây).
Cô và trò Trường Tiểu học Sơn Tân (Sơn Tây).


Để có những bài giảng hay, thu hút học sinh mỗi nhà giáo ngoài những giờ lên lớp, còn phải lo toan bao điều của cuộc sống gia đình, như hằng đêm phải thức khuya, dậy sớm để soạn giáo án, đọc tài liệu bổ sung cho bài giảng và còn phải làm rất nhiều sổ sách “kèm theo” trong hành trang làm thầy. Chính vì thế mà mới đây Sở GD&ĐT đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.

Theo đó, Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, hiệu trưởng nhà trường, giám đốc các trung tâm tuyệt đối không được quy định thêm, hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định; không chỉ đạo phát hành, hoặc trực tiếp phát hành các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường và của giáo viên.

Không chỉ là áp lực từ hồ sơ sổ sách, giáo dục vốn là nghề cần sự ổn định, nhưng trong thời kỳ công nghiệp 4.0, mọi thứ thay đổi hằng ngày, tri thức nhân loại luôn phát triển hằng giờ, nhà giáo phải “xoay” cùng sự thay đổi ấy. Thích ứng với sự thay đổi là phương châm mà mỗi giáo viên trong giai đoạn này cần hướng tới. Chương trình giáo dục mới sắp bắt đầu, với giáo viên đó là một áp lực lớn trong thời gian sắp đến.

Cô giáo Tạ Nữ Công Uyên, dạy môn tiếng Anh, Trường THCS Dân tộc nội trú Ba Tơ chia sẻ: “Hiện nay, ngành giáo dục đã cắt giảm nhiều hồ sơ cho giáo viên, một số cuộc thi của ngành cũng cắt giảm. Tuy nhiên, điều giáo viên lo lắng hiện nay đó là, sự tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới và sự thích ứng với những thay đổi của chương trình. Đồng thời, trong thời đại mới, nhà giáo phải là người đi tiên phong trong chiếm lĩnh tri thức mới truyền cảm hứng cho học sinh”.

...đến chuyện cơm áo

Nhà giáo chỉ mong có một cuộc sống giản dị, thanh bạch giữa bộn bề lo toan. Nhưng với họ, để ổn định cuộc sống như bao gia đình khác thì nhà giáo cũng phải bươn chải để lo cái ăn, cái mặc và lo cho con cái học hành. Nghề giáo thu nhập chính là từ đồng lương ít ỏi. Những nhà giáo trẻ, lương mới ra trường thì không đủ để trang trải. Họ phải làm gia sư, hoặc bán hàng online, hay làm bất cứ nghề gì có thể có thu nhập chân chính.

Những thầy, cô giáo ở vùng cao, sống xa nhà “một cảnh hai, ba quê”, cộng với giá cả đắt đỏ nên đồng lương dù có phụ cấp nhưng cũng chỉ đủ “chia đều” chi tiêu hằng ngày. Ngoài ra, họ còn bán hàng online hoặc buôn những đặc sản vùng cao, như mật ong, chuối rừng... để có thêm thu nhập. Một cô giáo ở vùng cao thổ lộ: “Giáo viên miền núi tuy thu nhập cao hơn đồng bằng nhưng chi phí lại khá cao. Vì vậy, để đảm bảo cho cuộc sống thường ngày, giáo viên miền núi phải chắt bóp từng đồng...”.  


   Bài, ảnh: TR.PHƯƠNG


.