Mô hình trường học mới: Nơi hiệu quả, chỗ xin rút

10:03, 16/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau gần 9 năm triển khai thực hiện mô hình trường học mới (VNEN), bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn nhiều hạn chế.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả nếu đáp ứng đủ các điều kiện

Phương pháp dạy học theo mô hình VNEN đã chuyển trọng tâm chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học. Để thực hiện có hiệu quả mô hình này đòi hỏi các trường phải đảm bảo về cơ sở vật chất. Theo đó, mỗi phòng học phải đảm bảo về tiêu chuẩn ánh sáng, không gian, quy cách về bàn ghế cho học sinh (HS) và giáo viên. Dạy học theo mô hình VNEN sẽ tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; HS tích cực, tự lực, tự quản trong học tập...

Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) dạy học theo mô hình VNEN.
Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) dạy học theo mô hình VNEN.


Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) là một trong những trường áp dụng mô hình VNEN đầu tiên của tỉnh. Thời gian đầu thực hiện mô hình này, nhà trường gặp không ít khó khăn, nhất là việc thích ứng với phương pháp giảng dạy mới của đội ngũ giáo viên, thiếu thốn về cơ sở vật chất... Tuy nhiên đến nay, mọi khó khăn của trường đã được giải quyết, việc dạy và học theo mô hình VNEN mang lại hiệu quả. Đội ngũ giáo viên đã chuyển từ phương pháp dạy truyền thống sang phương pháp dạy học mới. Các tiết học không còn tẻ nhạt mà trở nên sôi nổi.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Chánh Đặng Thị Thanh Diệu chia sẻ: “Khi tiếp nhận để triển khai mô hình dạy học theo phương pháp VNEN, Ban giám hiệu nhà trường và đội ngũ giáo viên cũng khá lúng túng. Tuy nhiên, sau một thời gian mô hình này đã phát huy hiệu quả, nhờ đó chất lượng dạy và học của trường ngày càng nâng cao”.

Nhiều trường “xin rút”  

Thực tế cho thấy, mô hình VNEN chỉ triển khai hiệu quả đối với những trường học đáp ứng tốt yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và số lượng HS trên lớp học theo quy định. Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, HS phải học trong những phòng học chật chội so với sỉ số quy định, bàn ghế chưa đúng quy cách... Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam cho biết: "Khi triển khai mô hình VNEN, huyện gặp rất nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Học sinh là con em đồng bào dân tộc Hrê, nên điều kiện học tập còn nhiều khó khăn".

Với những khó khăn trên, năm học 2018 -2019 Trường THCS Ba Động đã xin rút và không thực hiện mô hình VNEN. Dự kiến trong năm học 2019 - 2020, Trường THCS thị trấn Ba Tơ cũng sẽ xin dừng việc giảng dạy theo mô hình VNEN, vì không đảm bảo các điều kiện để triển khai. Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Ba Tơ Trần Văn Quý cho hay: Đây là năm thứ 3 trường áp dụng mô hình VNEN.

Dù mô hình này đã đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chủ yếu ở một số em có năng lực nổi trội. Còn những em yếu thì rất thụ động, giáo viên phải dạy kèm làm ảnh hưởng đến thời lượng tiết dạy. Hơn nữa, trang thiết bị không đảm bảo, nên việc thực hành của các em còn hạn chế. Ngoài ra, giáo viên chỉ được tập huấn trong năm đầu tiên, nên những giáo viên mới chuyển về khó thích ứng.

Đổi mới giáo dục phải luôn song hành với việc tiếp cận những phương pháp dạy học hiện đại. Vấn đề đặt ra đối với ngành GD&ĐT là chọn phương pháp dạy học phù hợp với các vùng miền. Mô hình VNEN đã phát huy tính tích cực đối với những nơi có điều kiện giảng dạy tốt, còn đối với vùng khó thì còn rất nhiều trở ngại trong việc triển khai mô hình này.               

                                   
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.